09/11/2018 - 07:53

Kết nối, thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học vào đời sống 

Tại Hội thảo “Công nghệ sinh học vùng ĐBSCL 2018 - Thành tựu và Phát triển” vừa diễn ra tại Cần Thơ cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển ngành công nghệ sinh học (CNSH). Từ những kết quả và thành tựu trong đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao về CNSH tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thời gian qua, các nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục mở hướng nghiên cứu, ứng dụng CNSH vào thực tiễn sản xuất sao cho phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương.


Thu hoạch tôm nuôi bằng chế phẩm sinh học tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: MỸ THANH

Hội thảo tập trung giới thiệu thành tựu, công trình nghiên cứu về ứng dụng CNSH trong nhiều lĩnh vực như: CNSH vi sinh vật, CNSH phân tử và thực vật, Sinh hóa và CNSH y dược, CNSH thực phẩm, CNSH động vật, CNSH vi sinh vật và môi trường sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL. Riêng đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có các công trình, đề tài nghiên cứu nổi bật như: Phân lập, định danh và đặc điểm của vi khuẩn gây bệnh trên cá lóc (Channa Striata) nuôi thâm canh ở ĐBSCL; Đánh giá kiểu hình và kiểu gien chống chịu ngập trên bộ giống lúa cao sản triển vọng; Bảo quản lạnh tế bào trứng heo giai đoạn trưởng thành bằng phương pháp thủy tinh hóa trong cryotech; CNSH phân tử Bacillus subtilis và tiềm năng ứng dụng trong nông nghiệp…

Theo ông Trần Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, với lợi thế sẵn có về nguồn tài nguyên, ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển và ứng dụng CNSH vào sản xuất và đời sống. Nhu cầu phát triển của ĐBSCL đòi hỏi cao sự hỗ trợ của CNSH, nhất là đảm bảo sự phát triển bền vững của nông nghiệp, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên và giữ môi trường xanh sạch, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Nghiên cứu ứng dụng CNSH một cách hiệu quả là yêu cầu bức thiết để phát triển bền vững ĐBSCL. Thời gian qua, Cần Thơ đã tích cực tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ để nghiên cứu nâng cao, hoàn thiện và triển khai ứng dụng các loại hình CNSH thế mạnh phục vụ các lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, môi trường như: công nghệ gien, công nghệ in-vitro, công nghệ nuôi cấy phôi, công nghệ sản xuất các chế phẩm nông sinh học, công nghệ vi sinh và enzyme, công nghệ y sinh học, CNSH bảo quản chế biến nông sản, xử lý nước thải.

Đối với sản xuất nông nghiệp, CNSH đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu cho việc chọn giống cây trồng tại ĐBSCL. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trương Trọng Ngôn, Viện Nghiên cứu và Phát triển CNSH, Trường Đại học Cần Thơ, thời gian qua Viện đã có nhiều thành tựu đáng kể: hoa màu biến đổi gien (bắp chuyển gien Bt; đậu nành chuyển gien kháng thuốc diệt cỏ; đu đủ chuyển gien kháng bệnh đốm vòng…). Những thành tựu này không chỉ giúp nâng cao năng suất và phẩm chất cây trồng một cách đáng kể mà còn tăng tính kháng bệnh của cây trồng giúp giảm ô nhiễm môi trường. Việc ứng dụng để khai thác nguồn gien tại Trường Đại học Cần Thơ bước đầu mang lại ý nghĩa thiết thực đối với tập đoàn giống đậu nành, đậu xanh đột biến, tuyển chọn các giống lúa thơm và kháng rầy… Sự phát triển kỹ thuật sinh học phân tử (dấu phân tử DNA) đã trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả giúp các nhà di truyền và chọn giống tạo ra những cây trồng và vật nuôi trước đây chưa từng hiện hữu. Tuy nhiên, cũng phải hiểu rằng quy luật sinh học luôn phức tạp. Việc hiểu rõ bản chất của sự sống luôn là thách thức cho các nhà di truyền và chọn giống ở hiện tại và trong tương lai.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng CNSH, công nghệ cao ở ĐBSCL chủ yếu dừng lại ở các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Việc nhân rộng những mô hình này ra sản xuất đại trà còn gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư lớn, đòi hỏi trình độ quản lý và tay nghề cao; có nhiều rủi ro về giá cả, thị trường tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp ngán ngại đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, CNSH do hạ tầng chưa hoàn thiện; cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ CNSH chưa đồng bộ. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn chưa đúng, chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc ứng dụng CNSH trong sản xuất nên chưa chủ động trong việc định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNSH, công nghệ cao tại địa phương.

Ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: "Sau khi thành lập Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP Cần Thơ (năm 2013), đến nay, chúng tôi đã liên kết được với các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của 21 tỉnh/thành miền Nam thành khối METAG (Mekong Delta Technology Group) tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm các thành tựu khoa học và công nghệ, hợp tác chuyển giao công nghệ đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ của vùng ĐBSCL và các tỉnh miền Nam trong đó có lĩnh vực CNSH. Đến với hội thảo, chúng tôi cũng mong muốn các bên có liên quan cùng chia sẻ thông tin về các kết quả và thành tựu trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao về công nghệ sinh học vùng ĐBSCL trong những năm gần đây. Qua đó xây dựng các hướng nghiên cứu và đào tạo có thế mạnh và phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương; thiết lập mạng lưới các nhà khoa học và các chuyên gia trong lĩnh vực CNSH, tạo nguồn lực chung về khoa học công nghệ cho vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung".

Theo Tiến sĩ Lê Quang Khôi, Trung tâm Kỹ thuật và CNSH, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang, các bộ ngành hữu quan và địa phương cần khuyến khích, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư kinh doanh, xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng CNSH. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về tư duy sản xuất hàng hóa ứng dụng CNSH xem đây là khâu then chốt, giải pháp xuyên suốt và là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp nhằm góp phần thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp. Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đa dạng hóa nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp ứng dụng CNSH; đề ra nhiều chính sách để xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng CNSH, công nghệ cao trên các sản phẩm, chủ lực có lợi thế của vùng để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao…

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết