18/07/2018 - 21:45

Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, an toàn 

Với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thời gian qua trên địa bàn quận Cái Răng dần hình thành nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng. Tuy nhiên, sản xuất và cung ứng nông sản sạch, an toàn vẫn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề về đầu ra. Từ thực tế này, Phòng Kinh tế quận Cái Răng thành lập Trung tâm Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản quận Cái Răng với mục tiêu giải quyết bài toán cung - cầu nông sản sạch, an toàn.

Sản xuất nấm bào ngư tại Trang trại Nấm sạch Thami. Ảnh: MỸ THANH
Sản xuất nấm bào ngư tại Trang trại Nấm sạch Thami. Ảnh: MỸ THANH

Trung tâm Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản quận Cái Răng đặt trên đường Lý Thường Kiệt, khu vực Yên Bình, phường Lê Bình; có diện tích xây dựng 90m2, chi phí đầu tư 100 triệu đồng (trong đó ngân sách hỗ trợ 30 triệu đồng, còn lại là vận động góp vốn từ các đơn vị hợp tác). Ông Trần Văn Thậm, Trưởng Phòng Kinh tế quận Cái Răng, cho biết: “Trung tâm ra đời không chỉ đóng vai trò tuyên truyền cho người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn giới thiệu, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao… Từ đó, góp phần thực hiện có hiệu quả kế hoạch tiêu thụ nông sản an toàn và công nghệ cao trên địa bàn quận Cái Răng, giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030 do quận đề ra”.

 Các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu nơi đây gồm: rau an toàn, thủy sản, gạo, giống cây trồng, sản phẩm trái cây, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ... do các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn quận và TP Cần Thơ sản xuất (Tổ hợp tác Rau an toàn phường Hưng Thạnh; Trang trại Nấm sạch Thami; Vườn rau Việt, Mộc Farm, Hợp tác xã Kim Hưng, Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N...). Ông Phạm Văn Lắm, thành viên Tổ hợp tác Rau an toàn phường Hưng Thạnh, chia sẻ: “Sản phẩm rau an toàn (cải ngọt, rau muống, mồng tơi, rau dền, tần ô...) của chúng tôi trồng được trưng bày, giới thiệu tại trung tâm. Số lượng rau bày bán nơi đây cũng không phải là nhiều nhưng có thể giúp giới thiệu, khẳng định chất lượng sản phẩm rau sạch đến với người tiêu dùng. Để giúp người dân nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất, Phòng Kinh tế quận thường xuyên tập huấn, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến cho chúng tôi như: sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, trồng rau trong nhà lưới...”.

Thời gian qua, trên địa bàn quận Cái Răng có thêm nhiều cửa hàng thực phẩm tiện lợi như: Vinmart+, Co.opFood, Satrafoods... Từ đó góp phần hình thành nên thói quen tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn cho người dân. Chị Đinh Thu Thảo, ngụ phường Lê Bình, quận Cái Răng, nói: “Chúng tôi biết là hiện nay sản phẩm nông sản sạch khó tiêu thụ trong khi người tiêu dùng lại loay hoay không biết tìm đến đâu để mua thực phẩm an toàn đúng nghĩa. Các sản phẩm bày bán tại trung tâm đã qua sự kiểm duyệt và bảo đảm từ ngành chức năng quận nên tôi hoàn toàn yên tâm khi mua thực phẩm tại đây. Mặt khác, trung tâm có vị trí ở rìa chợ Cái Răng, người dân có thêm nhiều lựa chọn cũng như có sự so sánh giữa mua thực phẩm tại chợ truyền thống và thực phẩn mua tại trung tâm”.

Sản xuất rau an toàn tại Tổ hợp tác Rau an toàn phường Hưng Thạnh. Ảnh: MỸ THANH
Sản xuất rau an toàn tại Tổ hợp tác Rau an toàn phường Hưng Thạnh. Ảnh: MỸ THANH

Có thể thấy, do còn khá mới nên hoạt động kết nối trong khâu sản xuất và tiêu thụ nông sản của trung tâm chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn như: thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, xây dựng và phát triển thương hiệu, hành trình tạo lập niềm tin để chinh phục người tiêu dùng… Ông Phạm Văn Lắm, thành viên Tổ hợp tác Rau an toàn phường Hưng Thạnh, kiến nghị: “Ngành chức năng quận cần tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, định hướng cho nông dân trong suốt quá trình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp. Hiện tại, rau màu của chúng tôi sản xuất tuân thủ theo quy trình an toàn nhưng giá bán vẫn tương đương với giá bán của rau màu trồng theo cách thông thường. Do đó, chúng tôi mong muốn được cơ quan chức năng mở lớp tập huấn, hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ chi phí đăng ký chứng nhận chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… để nâng cao uy tín, khẳng định chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao giá bán của sản phẩm trên thị trường”.

Theo Phòng Kinh tế quận Cái Răng, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, công nghệ cao, quận Cái Răng đã triển khai Kế hoạch Kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn và công nghệ cao trên địa bàn quận Cái Răng, giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, sau khi Trung tâm Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản quận Cái Răng thành lập và đi vào hoạt động ổn định, giai đoạn tiếp theo sẽ tiến tới thành lập hợp tác xã kiểu mới. Ông Trần Văn Thậm, Trưởng Phòng Kinh tế quận Cái Răng, cho biết: Quận đã và đang thực hiện quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông sản chất lượng cao, tạo ra lượng sản phẩm đủ lớn để cung cấp ổn định, dài hạn. Đồng thời, tổ chức sản xuất mang tính tập thể và liên kết sản xuất với hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức Hội thảo, tập huấn phổ biến, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất (VietGAP, GlobalGAP) nhằm nâng cao chất lượng,  an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của quận. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản sạch, an toàn xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho từng sản phẩm dễ dàng truy xuất nguồn gốc và tạo tâm lý an tâm cho người tiêu dùng. Những nỗ lực này nhằm từng bước hình thành thói quen sản xuất “sạch” và tiêu dùng “xanh” cho người dân trên địa bàn; đồng thời khai thác lợi thế phát triển thương mại dịch vụ từ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chủ lực của quận.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết