27/08/2012 - 21:48

KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO VIỆT NAM - LÀO (5/9/1962 -5/9/2012)

Kết nối những tấm lòng son

Chi hội Hữu nghị Việt - Lào quận Bình Thủy
ra mắt tháng 4-2009. Ảnh: Tư liệu

Năm 2011, Chi hội Hữu nghị Việt- Lào quận Bình Thủy vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vì có thành tích xuất sắc trong công tác đối ngoại nhân dân. Đây là một trong hai Chi hội Hữu nghị Việt - Lào trên địa bàn thành phố có những hoạt động thiết thực góp phần vun đắp tình cảm, mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết gắn bó giữa 2 nước anh em Việt - Lào...

Chi hội Hữu nghị Việt- Lào quận Bình Thủy được quyết định thành lập từ cuối năm 2008, với 14 hội viên là cựu quân nhân từng có thời gian chiến đấu ở Lào. Sau thời gian duy trì sinh hoạt, củng cố tổ chức, phát triển hội viên..., đến nay, Chi hội có tổng cộng 24 hội viên tham gia sinh hoạt đều đặn, qua đó có điều kiện duy trì, mở rộng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị gắn bó lâu đời giữa 2 dân tộc. Chú Hoàng Ngọc Chấp, Chủ tịch Hội Người cao tuổi quận Bình Thủy, hiện là Chi hội phó Chi hội Hữu nghị Việt- Lào quận Bình Thủy, cho biết: "Các hội viên tham gia Hội đều với tinh thần tự nguyện, tự giác đóng góp để gây quỹ hoạt động Hội. Do Chi hội không có kinh phí hoạt động tuyên truyền riêng, để tiết giảm chi phí, các kỳ sinh hoạt lệ của Chi hội được luân phiên tổ chức tại nhà các hội viên". Theo chú Chấp, với cách làm này, Chi hội có thể mời thêm cấp ủy, chính quyền địa phương, khu vực (nơi ở của các hội viên) cùng tham gia. Từ đó công tác tuyên truyền được rộng khắp và hiệu quả hơn.

Mỗi hội viên đều lưu giữ những tình cảm, những kỷ niệm sâu sắc đối với con người, đất nước Lào. Chú Lưu Thắng, hiện là Ủy viên kiêm Thư ký Chi hội Hữu nghị Việt- Lào quận Bình Thủy, từng tham gia chiến đấu tại Cánh đồng Chum (tỉnh Xiêng-Khoảng) cách nay hơn 40 năm, bồi hồi nhớ về chuyến trở lại thăm đất bạn gần đây: "Chúng tôi thật bất ngờ và xúc động khi thấy đất nước Lào có nhiều đổi mới rõ rệt sau hơn 40 năm trở lại thăm chiến trường xưa. Sự đón tiếp ân cần, với nghi thức trọng thể của nước bạn càng làm cho chúng tôi thêm cảm động trước tình cảm anh em gắn bó...". Với tình cảm đó, từng hội viên đều tích cực tham gia tuyên truyền để nhiều người, các thế hệ trẻ hiểu và góp phần vun đắp cho tình hữu nghị keo sơn, gắn bó giữa hai nước Việt - Lào đời đời bền vững. Chú Lưu Thắng cho biết: "Trước mỗi kỳ sinh hoạt, Ban Chấp hành đều tranh thủ ngồi lại bàn bạc, thống nhất các nội dung sinh hoạt, sau đó mới bổ sung, biên soạn lại hoàn chỉnh". Chú Hoàng Ngọc Chấp, cho biết thêm: "Trong công tác sưu tầm, tìm kiếm tài liệu, chúng tôi luôn chú ý chọn lọc những thông tin được đăng tải trên mạng Internet. Bởi có những thông tin chưa thật chính xác về mối quan hệ, hợp tác giữa 2 chính phủ và nhân dân của 2 nước... Nhớ có lần nói sai mốc thời gian diễn ra sự kiện, lập tức có hội viên góp ý ngay. Qua đó có thể thấy các hội viên đều có mối quan tâm, tình cảm đặc biệt với đất nước và con người Lào".

Cán bộ, nông dân Lào tham quan Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ. (Ảnh do Thạc sĩ Nguyễn Bá Phú
cung cấp).

Không chỉ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, góp phần giữ gìn, vun đắp quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt - Lào, qua các buổi sinh hoạt Hội, các hội viên còn có điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác và cuộc sống, thăm hỏi, động viên nhau những lúc khó khăn, bệnh tật. Chú Lưu Thắng, kể: "Mấy năm nay, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến công tác tổ chức, nhằm giúp Chi hội đi vào hoạt động nề nếp. Chi hội đang tiến hành khảo sát để phát triển thêm hội viên mới". Tất cả các hội viên đều là đảng viên, hầu hết gương mẫu, nhiệt tình tham gia công tác địa phương, tích cực giúp đỡ đồng đội gặp khó khăn; tham gia tuyên truyền, vận động công tác khuyến học khuyến tài, giúp đỡ người nghèo... Tiêu biểu như chú Trần Văn Niên (Chi hội trưởng) và chú Lê Phong Quang (hội viên), vừa nhận được nhận Bằng khen của UBND thành phố tại Hội nghị biểu dương Người có công với cách mạng tiêu biểu TP Cần Thơ. Nhiều hội viên vinh dự được nhận Huy hiệu Bác Hồ, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của thành phố, quận cũng như các hội, đoàn thể...

Tuy không có điều kiện về thời gian để tổ chức các buổi sinh hoạt, họp lệ định kỳ như các hội viên ở quận Bình Thủy, các giảng viên thuộc Chi hội Hữu nghị Trường Đại học Cần Thơ vẫn giữ gìn mối tình cảm gắn bó, quan tâm đặc biệt đối với hoạt động ngoại giao, quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Việt- Lào khi có điều kiện. Là một trong những cán bộ đầu tiên của Trường Đại học Cần Thơ từng làm chuyên gia tại huyện Champasak (tỉnh Champasak, Lào), thầy Lê Anh Tuấn, giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Trường Đại học Cần Thơ, kể: " Lúc mới nhận nhiệm vụ điều phối viên của chương trình, tôi cũng hơi băn khoăn vì chưa thể hình dung ra những khó khăn mình phải đối mặt và chưa tìm ra được phương pháp chuyển giao, đào tạo thích hợp. Thêm vào đó là hàng loạt vấn đề phát sinh như những điều kiện khác nhau về thổ nhưỡng, sinh hoạt, phong tục, tập quán, nhất là thiếu phương tiện, máy móc phục vụ cho công việc". Trong khoảng một năm đầu (1993-1994), thầy Tuấn gần như "túc trực" ở Lào, có khi đến hơn 2 tháng mới liên lạc được với gia đình bằng thư tay. Thầy Tuấn bộc bạch: "Sau chuyến đi tôi cũng như những đồng nghiệp có điều kiện tích lũy, mở rộng kiến thức, trải nghiệm thực tế. Tôi rất vui vì đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân và thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 dân tộc". Với những đóng góp ấy, thầy Tuấn cùng 3 thầy, cô khác vinh dự được Chính phủ Lào tặng thưởng Huân chương Lao động. Là thế hệ đàn em, tham gia củng cố, phát triển dự án vào những năm 2008-2010, khoảng thời gian một năm làm chuyên gia ở Lào cũng đã để lại trong thầy Phạm Hoàng Dũng (giảng viên Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ) nhiều cảm xúc. Thầy Dũng chia sẻ: "Lúc đó, tôi đảm nhận công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi bò, cách trồng các loại cỏ làm thức ăn chăn nuôi, giúp bà con tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi. Tôi không thể nào quên tình cảm chân tình, ruột thịt mà người dân Lào dành cho mình...". Thầy Châu Văn Lực (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ), hiện là Chi hội trưởng Chi hội Hữu nghị Việt - Lào Trường Đại học Cần Thơ, cũng từng có 2 năm (2008-2010) làm chủ nhiệm, chỉ đạo thực hiện dự án hỗ trợ phát triển nông thôn tại huyện Champasak (tỉnh Champasak). Thầy Lực chia sẻ: "Sau khi dự án (giai đoạn 1993-1998) kết thúc, nhận thấy một số hệ thống trạm bơm, trại giống đã xuống cấp, năm 2008, Trường có cử đoàn cán bộ qua đó để củng cố và mở rộng, phát triển thêm hệ thống trạm bơm, mua thêm giống mới, trang trại... Sau này, khi dự án kết thúc, chúng tôi có thêm vài lần trở lại Lào cũng như đặc biệt hỗ trợ cho các em sinh viên Lào sang học tại Đại học Cần Thơ”.

Theo bà Võ Thị Thanh Nga, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ, thời gian qua, Chi hội Việt - Lào quận Bình Thủy và Chi hội Việt - Lào Trường Đại học Cần Thơ đã có những hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần tuyên truyền, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Lào. Sắp tới, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ cũng sẽ ra mắt Chi hội Hữu nghị Việt-Lào quận Ninh Kiều, nhằm thu hút, tập hợp những người từng có thời gian chiến đấu, công tác, sinh sống tại Lào. Bà Võ Thị Thanh Nga, cho biết: "Bên cạnh thường xuyên cung cấp thông tin, chúng tôi cử cán bộ xuống trao đổi, sinh hoạt với các Chi hội; tổ chức đoàn tham quan, giới thiệu, đề cử hội viên đi tham quan hữu nghị tại Lào. Riêng trong khuôn khổ Năm đoàn kết hữu nghị Việt- Lào 2012, thành phố đã và đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực ý nghĩa nhằm góp phần tuyên truyền, thắt chặt tình hữu nghị Việt - Lào".

QUỲNH LAM

Chia sẻ bài viết