02/10/2012 - 09:05

NGÀY KHUYẾN HỌC VIỆT NAM (2-10)

Kết nối những tấm lòng khuyến học

Đại diện HKH Trường THCS Hưng Phú trao quà trung thu cho học sinh nghèo, hiếu học.
Ảnh: B.Ng

Nhiều học sinh nghèo không lo được sách vở, quần áo; sinh viên không có tiền đóng học phí vào năm học mới... sắp có nguy cơ bỏ học, nhưng thông qua Hội khuyến học (HKH), các em đã có cơ hội vững bước đến trường. Từ ý nghĩa ấy mà cán bộ các cấp khuyến học đã gắn bó với công tác Hội suốt nhiều năm liền, góp phần nâng số hội viên lên đến cả trăm ngàn người và sức lan tỏa ấy như những con sông dài chảy miết, không mệt mỏi...

* Tiếp sức cho học trò nghèo...

Tháng 9 mưa rả rích. Cái lạnh của cơn mưa chiều 27-9-2012 không thể làm vơi đi không khí ấm áp bên trong phòng học nhỏ của Trường THCS Hưng Phú (quận Cái Răng). Bởi hôm ấy, HKH Trường THCS Hưng Phú đang phát quà trung thu cho học sinh nghèo, hiếu học. Tuy mỗi phần quà trị giá khoảng 50.000 đồng nhưng với các em là một món quà có ý nghĩa trong dịp lễ trung thu. Trong số các em, chúng tôi đặc biệt chú ý đến Nguyễn Thị Bé Hiền, học sinh lớp 9A1. Chiếc áo sờn vai nhưng sạch sẽ, tinh tươm, Hiền có gương mặt sáng, đôi mắt long lanh. Ôm món quà trên tay, Hiền bộc bạch: "Mừng lắm, cô ạ! Cũng nhờ có cô chú ở HKH, các mạnh thường quân nên em và các bạn có quà trong dịp trung thu. Em sẽ mang bánh về cho mấy em ở nhà cùng ăn... và ráng học thật giỏi để khỏi phụ lòng các cô chú".

Gia đình Hiền thuộc diện hộ nghèo của phường Hưng Phú, có 3 chị em gái: Hiền là chị hai, em kế Thanh Thảo đang học lớp 7, em gái út Thanh Thúy đang học lớp 5. Ba mẹ Hiền bỏ nhà đi, khi em út lên 2 tuổi, để các em lại cho bà nội nuôi dưỡng. Căn nhà nhỏ của mấy bà cháu nằm gọn lỏn trong một con hẻm ngoằn ngoèo ở khu vực 1, phường Hưng Phú, bên trong nhà trống huơ, trống hoác. Phía trái phòng khách có chiếc bàn nhỏ chất đầy tập, sách, là "cơ ngơi" học tập của cả 3 chị em Hiền. Bà Nguyễn Thị Hai, 65 tuổi, nội của Hiền, giọng buồn bã kể: "9 năm trước, do hoàn cảnh khó khăn nên cha mẹ Hiền bỏ đi nơi khác. Thương 3 cháu gái nhỏ sớm xa cha mẹ nên tôi ráng lo cho chúng ăn học. Sức khỏe của tôi ngày càng yếu, gia đình thiếu trước hụt sau, lo cái ăn chưa xong huống chi việc học. May nhờ HKH trường, chính quyền địa phương hỗ trợ học bổng, tập sách, quần áo... nên các cháu tôi có điều kiện tiếp tục đến trường". Dường như hiểu được nỗi vất vả của bà nội nên cả 3 chị em Hiền rất ngoan, hiếu thảo và chăm học.

Không chỉ 3 chị em Hiền mà nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác được các mạnh thường quân, HKH các cấp hỗ trợ để các em yên tâm đến trường, như trường hợp của em Văn Thị Ngọc Tuyền, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học An Thới 1 và em Thạch Nguyễn Kim Phụng, học sinh lớp 12, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa. Trong đó gia đình Tuyền ở đường Trần Quang Diệu, mẹ là giáo viên mầm non, ba Tuyền vừa bị tai nạn giao thông, lâm vào hoàn cảnh khốn đốn; còn Phụng, thuộc gia đình Khmer nghèo ở địa phương, mẹ bị bệnh, cha làm mướn, bán vé số; căn nhà của cả gia đình đang ở là nhà tình thương, do chính quyền hỗ trợ cất... Biết được hoàn cảnh của hai em, cán bộ chi hội HKH khu vực 2, phường An Thới đã tìm đến động viên gia đình cho các em tiếp tục đi học; đồng thời hỗ trợ để hai em có điều kiện đến trường. Vào đầu năm học mới 2012-2013, Chi hội HKH khu vực 2 đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ cho Phụng và Tuyền, mỗi em khoảng 1,3 triệu đồng để trang trải chi phí trong năm học mới...

* Tấm lòng của người làm khuyến học

Hoạt động của các cấp HKH đi vào "guồng máy" vận hành suôn sẻ, đó là nhờ cán bộ làm công tác khuyến học- "hạt nhân" nòng cốt của HKH, bởi chính họ đã nỗ lực giúp phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương ngày càng lớn mạnh. Một trong những chi hội khuyến học tiêu biểu của quận Bình Thủy là HKH cơ sở phường An Thới. Và khi nhắc đến, nhiều người nhớ ngay chú Xuân (Trương Văn Xuân, Chủ tịch HKH phường An Thới), chú Bi (chú Đỗ Văn Bi, Phó trưởng khu vực 2, Chi hội phó chi hội HKH khu vực 2)... Bởi nhờ các chú mà hàng trăm học sinh hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường. Điểm chung của các chú ít khi nói về mình nhưng khi nhắc đến học sinh nào ở địa phương khó khăn, học giỏi, em nào vừa trúng tuyển đại học,... thì các chú nhớ vanh vách, kể rõ. Uống một ngụm trà đậm, chú Bi kể: "Hơn 8 năm trước, thực hiện phong trào phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, tôi cùng anh em địa phương đến từng nhà dân vận động học sinh ra lớp. Trong đó có 16 em do tôi phụ trách vận động, đưa đến lớp học ở Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa. Khi ấy, cuộc sống rất khó khăn, tài sản quí của tôi là chiếc xe đạp cọc cạch. Có hôm chở bọn nhỏ đi học xong, trở về xe bị thủng bánh, tôi phải lội bộ gần chục cây số về nhà. Cực vậy nhưng vui. Vui vì các em chịu khó đi học, bây giờ có một số đứa có việc làm, gia đình ổn định như: cháu Oanh, cháu Quý... Và chính vì niềm vui giúp được các em mà tôi ngày càng gắn bó với giáo dục, với công tác khuyến học, khuyến tài đến hôm nay". Chú Bi dường như ít có mặt ở nhà, phần lớn thời gian ở cơ quan, đến thăm hỏi gia đình của học sinh hoặc tham gia vận động bà con đóng góp quỹ Hội. Không nhớ bao nhiêu lần chú đã xuất tiền túi của mình để cho học sinh nghèo ở xóm mua sách, tập, quần áo... để đi học.

Nhắc đến chú Bi, nhiều người địa phương không chỉ nể phục vì cái tâm lo cho giáo dục mà còn kính trọng bởi nếp sống gia đình chú. Vợ chồng chú có 2 cô con gái Đỗ Anh Thư và Đỗ Thị Trúc Thi. Vợ chồng chú là giáo viên, vào những năm 70, 80, gia đình quá khó khăn, chú "bấm bụng" nghỉ dạy, về nhà làm kinh tế gia đình (chăn nuôi, làm ruộng), để lo cho con cái. Nhờ vậy, cả hai cô con gái đều học đến nơi, đến chốn. Anh Thư đang công tác trong một cơ quan nhà nước, Trúc Thi làm việc ở một công ty tư nhân. Hiện nay, địa phương đang đề nghị biểu dương gia đình chú Bi là gia đình hiếu học cấp thành phố. Chú Bi bộc bạch: "Cha của tôi trước kia không biết chữ, gia đình khó khăn nhưng cả 8 người con đều đi học, đỗ tú tài. Vì thế, dù hoàn cảnh khó khăn nào tôi cũng lo cho con cái ăn học. Và khi cuộc sống gia đình ổn định, tôi dồn sức lo cho các cháu học sinh nghèo được đến trường. Mặc dù có đôi lúc công tác khuyến học không như ý muốn nhưng nếu mình lơ là thì sẽ không đạt kết quả. Đó chính là "cái tâm" của người làm khuyến học".

"Cái tâm" mà chú Bi nhắc đến như nỗi lòng của những người làm khuyến học, dù công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ nhưng luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chú Trương Văn Xuân, Chủ tịch HKH phường An Thới - người từng được báo cáo điển hình tại Hà Nội về những đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài, cho biết: "Làm khuyến học phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà" mới thành công. Chú Xuân nói: "Tôi và anh em trong Hội tích cực vận động học sinh ra lớp nhưng có những lúc rất thất vọng khi kết quả không như mong muốn. Song chứng kiến cảnh học sinh bươn chải bán từng tấm vé số, làm thêm vất vả kiếm tiền, chúng tôi lại nhủ lòng không thể buông xuôi, phải quyết tâm giúp các em tiếp tục đến trường. Ấy vậy mà tôi "theo nghề" cả chục năm nay". Chính "cái tâm" ấy mà cô Nguyễn Thị Kim Ngoạt, Chủ tịch HKH Trường THCS Hưng Phú đã gắn bó với công tác khuyến học gần 10 năm nay. Cô Ngoạt bộc bạch: "Trước đây, tôi cũng là giáo viên nên hiểu được nỗi vất vả của những gia đình nghèo phải lo cho con đi học, thương những học sinh vì gia cảnh khó khăn không có điều kiện đến trường". Trường có hơn 850 học sinh, trong đó có khoảng 200 học sinh diện nghèo, cận nghèo. Trước khi vào năm học mới, HKH của trường rà soát những trường hợp học sinh nghèo khó khăn, có nguy cơ bỏ học để giúp đỡ. Như trường hợp của bé Hiền, khi biết hoàn cảnh của em, Hội đã dành cho em nhiều suất học bổng.

Còn rất, rất nhiều tấm lòng nhân ái của người làm công tác khuyến học tại các HKH cơ sở, đã dốc hết sức vì đàn em thân yêu; có thể họ không phải là cán bộ trực tiếp làm công tác Hội mà là những doanh nhân trong các doanh nghiệp như: Công ty Cargill, Công ty Hiệp Hòa Phát, Sacombank, Biti’s, Công ty Thái Tuấn hay các vị chức sắc tôn giáo ở các chùa, nhà thờ... Dù hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nhưng chính "những tấm lòng kết nối những tấm lòng" đã gắn họ lại với nhau để cùng chăm lo cho sự nghiệp trồng người, vì học sinh nghèo, giúp các em vươn tới ước mơ.

B.KIÊN

Hội Khuyến học TP Cần Thơ thành lập ngày 23-10-2000. Hiện nay, toàn thành phố có trên 3.000 tổ chức Hội, với trên 136.100 người (chiếm trên 11% dân số của thành phố). Thành phố đã công nhận 95.000 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình hiếu học, xây dựng 59 dòng họ khuyến học và 42 cộng đồng khuyến học; 85 xã phường đều có Trung tâm học tập cộng đồng... Toàn thành phố đã vận động được trên 53 tỉ đồng cho Quỹ khuyến học. Từ nguồn quỹ này, các cấp Hội đã trao trên 32.500 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học; trên 125.500 suất quà và phần thưởng cho học sinh, sinh viên, giáo viên khó khăn dạy tốt, học giỏi... Theo ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch HKH TP Cần Thơ, lực lượng cán bộ làm công tác khuyến học ở cơ sở giữ vai trò quan trọng trong hoạt động khuyến học, khuyến tài. Song, khó khăn hiện nay của Hội là cán bộ làm công tác này phần lớn kiêm nhiệm; các hội viên cơ sở lại không có lương; kinh phí hoạt động hạn hẹp... nên rất cần có sự quan tâm từ cơ quan chủ quản, lãnh đạo thành phố.

Chia sẻ bài viết