08/07/2017 - 16:28

Kết nối giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường huyết mạch đang xuống cấp, thiếu vốn đầu tư… là những trở ngại lớn đối với sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Giải quyết "nút thắt" về hạ tầng giao thông đang được các Chính phủ, các bộ ngành Trung ương quan tâm để thúc đẩy sự phát triển của vùng ĐBSCL, kết nối giao thương hàng hóa với các vùng cả nước và quốc tế.

Nhiều dự án quan trọng đã triển khai

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang triển khai thực hiện 16 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, cấp bách tại vùng ĐBSCL. Các dự án này đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ, để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL phát triển. Cụ thể gồm dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Công (cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh và tuyến nối N2) có tổng mức đầu tư 19.445 tỉ đồng, sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc, vốn vay ưu đãi của ADB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam; dự án được khởi công vào năm 2013 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017. Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi dài 52km, tổng mức đầu tư 6.694 tỉ đồng, phân kỳ đầu tư với quy mô giai đoạn trước mắt theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng (2 làn xe), dự án được khởi công năm 2016; gần đây Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy mô dự án từ 2 làn xe lên 4 làn xe và Bộ GTVT đang hoàn thiện thủ tục để phê duyệt điều chỉnh dự án. Đối với cầu Vàm Cống và Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi đoạn đi qua địa bàn TP Cần Thơ, trách nhiệm của thành phố là phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đến nay công tác này đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo tiến độ thi công các công trình này.

Thời gian qua, Trung ương luôn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cho ĐBSCL phát triển. Trong ảnh: Tuyến đường Nam sông Hậu.

Dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn – Đất Mũi) chiều dài 59km, đường cấp III đồng bằng, tổng mức đầu tư 3.815 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; dự án đã thông xe tuyến chính, đang triển khai các hạng mục bổ sung và dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2018. Dự án mở rộng tuyến tránh quốc lộ 1 (đoạn qua TP Tân An, tỉnh Long An) dài 5,8km, tổng mức đầu tư 400 tỉ đồng đang khảo sát và lập dự án đầu tư, dự kiến khởi công vào cuối năm 2017. Dự án mở rộng 7 cầu trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang với kinh phí 200 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ kết dư của các dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; dự án đang lập chủ trương đầu tư. Dự án nâng cấp quốc lộ 61B (đoạn từ Ngã Ba Vĩnh Tường đến Long Mỹ) dài 7,75km, tổng mức đầu tư 267 tỉ đồng, khởi công tháng 8-2014 và khối lượng thi công đạt 30%. Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 63 đoạn qua tỉnh Cà Mau dài 38,6km, tổng mức đầu tư 1.255 tỉ đồng, dự án đã được khởi công xây dựng cuối năm 2014. Dự án đầu tư xây dựng cầu Long Bình, tổng mức đầu tư 799 tỉ đồng do Việt Nam và Campuchia đầu tư, đã hoàn thành vào tháng 4-2017. Dự án mở rộng mặt đường quốc lộ 54 đoạn qua tỉnh Đồng Tháp dài 31,2km, tổng mức đầu tư 228 tỉ đồng, khởi công vào tháng 7-2015 và dự kiến hoàn thành trong quý III-2017. Dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 30 (đoạn Hồng Ngự-Dinh Bà) dài 18,6km, tổng mức đầu tư 849 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2016-2020.

Dự án xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận dài 51,1km, tổng mức đầu tư hơn 14.678 tỉ đồng đầu tư theo hình thức BOT; do khó khăn về huy động vốn nên tiến độ triển khai dự án còn chậm, Bộ GTVT đã điều chỉnh quy mô dự án và tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh là 9.660 tỉ đồng, dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong quý II-2020. Dự án tuyến tránh Cai Lậy dài 38,5km, tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỉ đồng theo hình thức BOT, đến nay cơ bản hoàn thành. Dự án mở rộng quốc lộ 30 (đoạn An Hữu-Cao Lãnh) dài 32,85km, tổng mức đầu tư 1.130 tỉ đồng theo hình thức BOT, dự kiến triển khai quý III-2017 và hoàn thành trong năm 2018. Quốc lộ 53 (đoạn Long Hồ-Ba Si) dài 45,8km, tổng mức đầu tư 1.222 tỉ đồng theo hình thức BOT, dự kiến triển khai quý III-2017 và hoàn thành vào cuối năm 2018. Dự án giai đoạn 2 - đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng 4 đoạn tuyến quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu - quốc lộ 60 (tỉnh Tiền Giang và Bến Tre) dài khoảng 22,38km, tổng mức đầu tư 1.752 tỉ đồng theo hình thức BOT; dự án đã khởi công và dự kiến hoàn thành trước 31-12-2018...

Kiến nghị bố trí vốn cho giai đoạn 5 năm tới

Mới đây, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng ĐBSCL về đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung vốn cho các công trình, dự án giai đoạn 2017-2020 cho vùng. Giai đoạn này, Bộ dự kiến đầu tư 27 dự án quan trọng, cấp bách tại ĐBSCL, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 67.336 tỉ đồng. Trong đó, Bộ GTVT đang dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch trung hạn 2016-2020 nguồn trái phiếu Chính phủ cho Bộ triển khai 17 dự án với tổng mức đầu tư 22.645 tỉ đồng; đồng thời Bộ tiếp tục triển khai thủ tục đầu tư và xúc tiến kêu gọi nguồn vốn ODA đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư 34.999 tỉ đồng và kêu gọi đầu tư 4 dự án với tổng mức đầu tư 9.692 tỉ đồng.

Theo đó, một số dự án quan trọng, quyết định đến sự phát triển của vùng ĐBSCL trong thời gian tới, dự kiến được triển khai xây dựng trong giai đoạn 2017-2020 gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh (đoạn thuộc 2 tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu); dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 57 (đoạn thuộc 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre); dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 53 (tỉnh Trà Vinh); dự án mở rộng quốc lộ 1 (đoạn TP Cà Mau đến thị trấn Năm Căn). Dự án đầu tư xây dựng tuyến N1 (tỉnh Long An); dự án nâng cấp tuyến N1 (tỉnh Đồng Tháp); dự án đầu tư xây dựng tuyến N1 (tỉnh An Giang); dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91C (tỉnh An Giang); dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 62 (tỉnh Long An); dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 60 (đoạn qua địa bàn các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng). Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 91 (đoạn km0-km7) thuộc TP Cần Thơ; dự án nâng cấp quốc lộ 30 (đoạn Cao Lãnh-Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp)… Các dự án Bộ GTVT dự kiến kêu gọi vốn ODA và xã hội hóa đầu tư gồm: Dự án xây dựng tuyến tránh quốc lộ 1 (đoạn qua TP Long Xuyên); cầu Mỹ Thuận 2, đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 2, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi, dự án logistics ĐBSCL, cầu Châu Đốc…

Lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL cũng kiến nghị Trung ương đầu tư, phân bổ vốn cho các công trình trọng điểm, bức xúc để gỡ "nút thắt" giao thông cho vùng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho rằng: Tuyến quốc lộ 30 chia làm 2 đoạn (từ Cao Lãnh đến An Hữu và Cao Lãnh- Hồng Ngự), với chiều dài khoảng 109km, có vai trò quan trọng kết nối giao thông với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và các cầu Vàm Cống, Cao Lãnh, tuyến đường Lộ Tẻ-Rạch Giá. Tuy nhiên, đoạn đường này đang xuống cấp và nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Trung ương cần xem xét hỗ trợ vốn để sớm triển khai thực hiện nâng cấp, mở rộng tuyến đường này… Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng cho biết, cầu Cổ Chiên hoàn thành, nhà đầu tư đến tỉnh đầu tư cũng nhiều hơn. Trung ương cần sớm đầu tư nâng cấp quốc lộ 53 nối Trà Vinh với Vĩnh Long; xem xét đầu tư tuyến quốc lộ 60 để nối các tỉnh Sóc trăng, Trà Vinh, Bến Tre ra quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Tiền Giang.

Mới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương phối hợp với các địa phương trong vùng tháo gỡ khó khăn, sớm hoàn thành các dự án trọng điểm mang tính liên vùng như: cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc từ Mỹ Thuận - Cần Thơ và Cần Thơ-Cà Mau; tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 2, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi, dự án logistics ĐBSCL… nhằm tạo các trục kết nối giao thông cho vùng, thúc đẩy giao thương và kêu gọi đầu tư cho ĐBSCL.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết