26/11/2013 - 21:57

Kết chặt liên kết, hợp tác giữa ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh

Thắt chặt liên kết, hợp tác phát triển toàn diện với TP Hồ Chí Minh là vấn đề mà các tỉnh, thành vùng ÐBSCL mong muốn đạt được. Thế nhưng, trong 12 năm qua, liên kết hợp tác giữa ÐBSCL với TP Hồ Chí Minh được triển khai, nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Sáng 26-11, một lần nữa vấn đề này được đặt lên bàn nghị sự tại Hội nghị trao đổi giữa UBND của 13 tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh (Hội nghị G13+1) trong khuôn khổ MDEC – Vĩnh Long 2013.

* Liên kết, hợp tác - Ðôi bên cùng có lợi!

Với tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, ĐBSCL là nơi cung cấp nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất, chế biến và nguồn nhân lực dồi dào cho TP Hồ Chí Minh… Còn TP Hồ Chí Minh là địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng, trung tâm kinh tế-xã hội lớn nhất của cả nước, là cửa ngõ giao lưu với quốc tế, có tiềm lực về khoa học-công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn và kinh nghiệm kinh doanh, thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn…

Lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành ĐBSCL quyết tâm hợp tác, liên kết cùng phát triển.  

Theo ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, liên kết là xu thế tất yếu nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, giúp các tỉnh, thành trong khu vực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, nâng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại-dịch vụ trong cơ cấu GDP của địa phương, góp phần cùng cả nước thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa và đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012, ĐBSCL có 10/13 tỉnh, thành được xếp vào nhóm tốt. Kết quả trên thể hiện sự tin tưởng, hài lòng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước và đây là khu vực có môi trường đầu tư thông thoáng, chính sách ổn định, chất lượng điều hành khá tốt của chính quyền trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. ĐBSCL với tiềm năng, lợi thế và sự cải thiện không ngừng sẽ là điểm đến đầu tư, hợp tác, phát triển khá lý tưởng, an toàn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của TP Hồ Chí Minh. Còn TP Hồ Chí Minh sẽ là lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong hợp tác phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu…

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: Trong nhiều năm qua, việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được kết quả đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư trong nông nghiệp, ngư nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ để ổn định sản xuất hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực cho vùng ĐBSCL và cả nước. Qua 12 năm hợp tác, liên kết các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã đầu tư 23 khu – cụm công nghiệp và kinh doanh thương mại – dịch vụ tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL với trên 1.000 dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp-thủy sản, công nghiệp, hạ tầng giao thông, đô thị, tổng vốn đăng ký trên 260.000 tỉ đồng. Kết quả trên đã khẳng định ĐBSCL rất cần quan hệ hợp tác với TP Hồ Chí Minh để phát triển và ngược lại… Tuy nhiên, để nâng tầm hợp tác này, còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là xác định lại các liên kết, hợp tác trên từng lĩnh vực cụ thể.

* Nhiều hạn chế cần khắc phục

Theo nhận định của các đại biểu tham gia hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình hợp tác, liên kết phát triển cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: việc tổ chức điều hành các chương trình hợp tác đã được ký kết còn lúng túng, chưa mang tính thường xuyên, liên tục, chậm tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả hợp tác để từ đó rút kinh nghiệm triển khai hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo... Ngoài ra, tổ chức thực hiện cũng chưa cụ thể nên hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động còn thấp. Số dự án và vốn đăng ký đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tại các tỉnh, thành ĐBSCL còn ít, tiến độ triển khai các dự án còn chậm. Việc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, cấp phép, đăng ký kinh doanh, nhất là công tác giao đất cho các nhà đầu tư của một số địa phương còn chậm, lỡ cơ hội đầu tư. Lẽ đó, cần có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác, liên kết phát triển giữa các tỉnh, thành ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Ông Võ Thành Hạo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: Tỉnh đã ký kết liên kết giữa tỉnh với TP Hồ Chí Minh từ tháng 11-2009. Đến nay, có 29 dự án của các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đầu tư tại Bến Tre, với tổng vốn hơn 5.000 tỉ đồng. Tỉnh rất hoan nghênh các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đầu tư ở Bến Tre. Song, thời gian qua, dường như giữa nhà quản lý và doanh nghiệp chưa có sự gặp nhau, làm cho hiệu quả phát huy tiềm năng hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL chưa đạt kết như mong muốn. Hướng tới, cần tổ chức hội nghị sơ kết song phương giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL để xích lại gần nhau hơn giữa các địa phương, giữa doanh nghiệp và nhà quản lý.

Mặc dù liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chưa đạt nhiều kết quả như kỳ vọng, nhưng có một số mô hình liên kết đạt hiệu quả khá nổi bật, như liên kết phát triển thương mại, dịch vụ, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị… Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, thực hiện chủ trương của TP Hồ Chí Minh về đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, hơn 10 năm qua Saigon Co.op đã phát triển được mạng lưới siêu thị Co.opmart ở 12 tỉnh, thành ĐBSCL (trong đó nhiều tỉnh có đến 2 siêu thị), còn lại tỉnh Đồng Tháp siêu thị đang xây dựng và dự kiến sang năm 2014 sẽ đi vào hoạt động. Riêng tại TP Cần Thơ, hiện có 1 siêu thị và Saigon Co.op đang xúc tiến phát triển thêm 1-2 siêu thị. Mạng lưới siêu thị Co.opmart nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, giải quyết việc làm tại các địa phương, đồng thời đối lưu hàng hóa (hàng nông và thủy sản, tiêu dùng…) giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL với khoảng 850 tỉ đồng mỗi năm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, thời gian tới, ngoài tiếp tục thực hiện tốt các nội dung các bên đã và đang triển khai, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL cần cùng thực hiện nhiều giải pháp như: tổ chức hội nghị sơ kết giai đoạn 2001-2013 của chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội song phương giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL. Đồng thời, thực hiện sơ kết, tổng kết định kỳ hằng năm, 5 năm cho những năm tiếp theo. Việc hợp tác không chỉ giới hạn trong khuôn khổ các sở, ban ngành và địa phương mà cần phải mở rộng hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân của 2 bên có nhu cầu hợp tác. Cần xây dựng một cơ chế hợp tác để tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan điều phối là sở kế hoạch và đầu tư, cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện từng nội dung hợp tác là các sở, ngành có liên quan… Kiến nghị với Trung ương về cơ chế, chính sách đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển kinh tế hướng đến tối đa lợi ích của từng địa phương, của toàn vùng và liên vùng kinh tế.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã đầu tư các dự án tại các tỉnh, thành ĐBSCL gồm: tỉnh Kiên Giang có 115 dự án, với tổng vốn đăng ký 117.126 tỉ đồng; Bến Tre 29 dự án, tổng vốn đăng ký 5.436 tỉ đồng; An Giang 54 dự án, tổng vốn đăng ký 6.018 tỉ đồng; Tiền Giang 44 dự án, tổng vốn đăng ký 12.023 tỉ đồng; Bạc Liêu 19 dự án, tổng vốn đăng ký 3.567 tỉ đồng. TP Cần Thơ 34 dự án, tổng vốn đăng ký 5.861 tỉ đồng; Long An 23 dự án, tổng vốn đăng ký 88.797 tỉ đồng; Vĩnh Long 20 dự án, tổng vốn đăng ký 9.747 tỉ đồng; Trà Vinh 9 dự án, tổng vốn đăng ký 484 tỉ đồng; Đồng Tháp 22 dự án, tổng vốn đăng ký 4.396 tỉ đồng; Hậu Giang 8 dự án, tổng vốn đăng ký 4.430 tỉ đồng; Sóc Trăng 19 dự án, tổng vốn đăng ký 6.049 tỉ đồng...

Chia sẻ bài viết