14/07/2018 - 07:45

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH - TIỀN ĐỀ CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

“Thành công của kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là tiền đề cho phát triển bền vững” là chủ đề của Ngày Dân số thế giới năm 2018. Sự kiện này được tổ chức vào ngày 11-7 hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu.

Vai trò quan trọng của KHHGĐ

Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), 50 năm trước (1968), tại Hội nghị quốc tế đầu tiên về Quyền con người, thế giới đã thừa nhận KHHGĐ là một quyền cơ bản của con người. Kể từ đó, công tác KHHGĐ đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Gần 700 triệu phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên tại các nước đang phát triển đang được sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

Kế hoạch hóa gia đình -

tiền đề cho phát triển bền vững
Cán bộ truyền thông tư vấn người dân về lợi ích của kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: ĐỖ QUYÊN

Thực hiện KHHGĐ có vai trò rất quan trọng trong việc thoát khỏi đói nghèo. Khi phụ nữ tiếp cận được với KHHGĐ tự nguyện, họ sẽ có cơ hội giãn khoảng cách giữa các lần sinh con- mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bà mẹ và con cái của họ. Thực hiện KHHGĐ cũng góp phần giảm nguy cơ tử vong và khuyết tật liên quan tới mang thai hoặc sinh con quá sớm/ quá muộn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tiếp cận được với các thông tin và các phương tiện tránh thai còn góp phần bảo vệ cuộc sống của thanh niên và vị thành niên.

Mặc dù công tác KHHGĐ đã đạt được những tiến bộ to lớn, nhưng hiện nay vẫn có hàng trăm triệu phụ nữ, nam giới và thanh niên chưa có cơ hội được tự mình đưa ra các quyết định này. Hiện nay có khoảng 214 triệu phụ nữ có nhu cầu tránh thai nhưng chưa tiếp cận được với các dịch vụ và biện pháp tránh thai hiện đại.

 

Thông điệp tuyên truyền nhân Ngày Dân số thế giới

1.KHHGĐ - Chìa khóa thành công của chương trình dân số Việt Nam.

2.Nam giới có trách nhiệm chia sẻ với nữ giới trong việc thực hiện KHHGĐ và nuôi dạy con cái.

3.KHHGĐ - Đầu tư nhỏ, lợi ích lớn.

4.Duy trì ổn định mức sinh, trách nhiệm của chúng ta.

5.Khỏe mẹ, khỏe con, gia đình hạnh phúc.

6.Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

7.Không mang thai ở tuổi vị thành niên, vì sức khỏe, hạnh phúc và tương lai của bạn.

8.Tiếp cận sử dụng dịch vụ CSSKSS chất lượng sẽ cho bạn cuộc sống khỏe mạnh.

9.Hãy thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh, sơ sinh vì tương lai nòi giống Việt.

10. Thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân vì tương lai, hạnh phúc của mỗi gia đình.

Vì vậy, cải thiện việc tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ tự nguyện được xác định là mục tiêu trọng tâm ưu tiên trong các nhiệm vụ của UNFPA. UNFPA đang phối hợp chặt chẽ với các quốc gia nhằm tăng tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai và phòng ngừa, kiểm soát, điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

UNFPA đã và đang thực hiện các công tác tuyên truyền vận động nhằm: khuyến khích các quốc gia tăng mức đầu tư vào các dịch vụ KHHGĐ; tăng cường đảm bảo an ninh hàng hóa sức khỏe sinh sản; hỗ trợ cho những nỗ lực đa dạng hóa các biện pháp KHHGĐ; cải thiện chất lượng dịch vụ. Một trong những ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh việc tiếp cận thông tin và cung cấp dịch vụ cho vị thành niên và cho các nhóm dân số thiệt thòi khác. Kế hoạch chiến lược mới của UNFPA đặt mục tiêu “Đáp ứng tất cả các nhu cầu về các biện pháp KHHGĐ tới năm 2030”.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số thế giới

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động về việc Hưởng ứng kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11-7-2018. Theo đó, thành phố và 9 quận, huyện sẽ tổ chức lễ kỷ niệm, triển khai kế hoạch truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số thế giới gắn với các mô hình, đề án, địa bàn trọng điểm. Trong đó, tập trung đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, áp phích trên các tuyến đường chính. Phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của gia đình trong thực hiện chính sách dân số, không lựa chọn giới tính khi mang thai và sinh con, quan tâm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe vị thành niên và thanh niên. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền bề nổi: tuyên truyền lưu động, tuyên truyền bằng panô, khẩu hiệu, phát thanh... Tập trung tuyên truyền ở các xã, phường đông dân, khó khăn, có mức sinh, tỷ số giới tính khi sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn ở mức cao...

Các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác DS-KHHGĐ. Qua đó, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh, tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân.

ĐỖ QUYÊN

Chia sẻ bài viết