27/10/2009 - 09:14

Jose Mujica -
Niềm hy vọng của phong trào cánh tả ở Uruguay

Sau cuộc bỏ phiếu hôm 25-10, ông Jose Mujica vẫn bình dị, xách nước tưới hoa ở trang trại riêng nằm ở ngoại ô Thủ đô Montevideo. Ảnh: AP

Hôm 25-10, hơn 2,6 triệu cử tri Uruguay đã bỏ phiếu bầu tổng thống mới. Cuộc đua diễn ra quyết liệt giữa cựu tù chính trị Jose Mujica, 74 tuổi, theo đường lối xã hội chủ nghĩa, với cựu Tổng thống Luis Lacalle, 68 tuổi, vốn chủ trương đưa đất nước tránh xu hướng thiên tả ở Mỹ La-tinh. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ hôm qua cho thấy ông Mujica về nhất với 48%, bỏ xa đối thủ Lacalle được 30% và ứng viên Pedro Bordaberry của đảng Colorado được 17% (các ứng viên đối lập 3%). Tuy nhiên, do không có ai đạt đủ 50% số phiếu theo quy định hiến pháp, hai ứng viên về đầu sẽ bước vào vòng thứ hai ngày 29-11 tới.

Jose Mujica, Thượng nghị sĩ có biệt hiệu là “Pepe”, từng bị giam 14 năm dưới chế độ quân phiệt giai đoạn 1973-1985 ở Uruguay. Ông là một trong những nhà lãnh đạo của phong trào du kích Tupamaros suốt thập niên 1960 và đầu 1970, trước khi chế độ độc tài quân sự lên nắm quyền ở Uruguay. Bị kết tội sát hại một cảnh sát năm 1971, ông bị giam, bị tra tấn và bị cách ly trong một thời gian dài. 25 năm sau khi được tự do, ông đã giúp chuyển phong trào du kích thành phong trào chính trị hợp pháp và gia nhập liên minh cầm quyền Mặt trận Mở rộng của Tổng thống sắp mãn nhiệm Tabare Vazquez. Ông từng đảm nhận vị trí Bộ trưởng Nông nghiệp, nổi tiếng nhờ các chính sách bảo vệ lợi ích của nông dân.

Chưa từng vào đại học, nhưng ông Mujica là thượng nghị sĩ được dân chúng tín nhiệm và có uy tín hàng đầu trong Quốc hội Uruguay. Ông sống giản dị, chan hòa với thiên nhiên. Điều đặc biệt ở Mujica là chính ông đã đề nghị không nhận lương tổng thống nếu đắc cử. Song song đó, ông cam kết tiếp tục dành ngân sách cho các chương trình xã hội như trang bị máy vi tính trong các trường học.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu giành chiến thắng, ông Mujica sẽ tiếp tục thực hiện chính sách kinh tế thiên tả của chính quyền hiện nay. Ông Mujica đã chọn cựu Bộ trưởng Kinh tế Danilo Astori, dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Tabare Vazquez, để liên danh tranh cử chức Tổng thống và Phó tổng thống Uruguay. Ông Astori nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư với chính sách kinh tế dựa vào nông nghiệp. Ông Mujica cho biết muốn ông Astori đóng vai trò chính trong việc hoạch định chính sách kinh tế, nếu đắc cử.

Liên minh Mặt trận Mở rộng của Tổng thống Vazquez, phong trào cánh tả đầu tiên lên cầm quyền ở Uruguay sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 đã chấm dứt hơn 150 năm thống trị của chế độ có 2 đảng chính là Colorado và Dân tộc, đã đưa Uruguay thoát khỏi khủng hoảng kinh tế đầu thập niên này. So với giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2002, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay ở Uruguay đã giảm từ 12,3% xuống còn 7% và tỷ lệ người nghèo giảm từ 37% xuống còn 26%. Nền kinh tế trị giá 32 tỉ USD dự kiến tăng 1,2% năm 2009 và 3,5% năm 2010. Ông Mujica cam kết sẽ mở rộng các chính sách của Tổng thống Vazquez, đưa Uruguay trở thành đất nước “hiện đại và phát triển”.

N. MINH (Theo Reuters, AP, CNN)

Ở vòng hai, ông Mujica sẽ đối mặt với Lacalle, chính khách của đảng Dân tộc từng nắm quyền lãnh đạo đất nước giai đoạn 1990-1995. Kết thúc nhiệm kỳ đó, ông Lacalle bị chỉ trích vì những cáo buộc tham nhũng liên quan đến một số nhân vật thân tín hàng đầu của ông. Giai đoạn ông Lacalle nắm quyền, Uruguay rơi vào tình trạng siêu lạm phát với chủ trương thúc đẩy tư nhân hóa.


Sau cuộc bỏ phiếu hôm 25-10, ông Jose Mujica vẫn bình dị, xách nước tưới hoa ở trang trại riêng nằm ở ngoại ô Thủ

Chia sẻ bài viết