14/08/2018 - 10:57

Jakarta - thành phố chìm nhanh nhất thế giới 

Dẫn cảnh báo từ các chuyên gia môi trường, BBC cho biết Thủ đô Jakarta của Indonesia là một trong những thành phố chìm xuống biển nhanh nhất thế giới. Nếu điều đó không được kiểm soát, các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều khu vực của siêu đô thị có 10 triệu dân này có thể bị chìm hoàn toàn vào năm 2050.

Xây dựng tường biển là phương án nhằm giảm tác động lũ lụt cho Jakarta. Ảnh: BBC
Xây dựng tường biển là phương án nhằm giảm tác động lũ lụt cho Jakarta. Ảnh: BBC 

Theo các chuyên gia, Jakarta nằm trên vùng đất đầm lầy với 13 con sông chảy qua và chịu sự tác động từ biển Java hằng ngày. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi lũ lụt thường xuyên diễn ra ở đây với mức độ ngày càng xấu hơn. Ngoài lũ lụt, thành phố khổng lồ này thực sự đang chìm dần. Cứ mỗi năm, thủ đô Indonesia trung bình chìm xuống 1-15cm và gần một nửa thành phố hiện nằm dưới mực nước biển. Chuyên gia Heri Andreas, người đã nghiên cứu tình trạng sụt lún của Jakarta trong 20 năm qua tại Viện Công nghệ Bandung, cảnh báo: “Khả năng Jakarta bị chìm xuống không phải là chuyện đùa. Nếu nhìn vào các mô hình của chúng tôi, thì đến năm 2050 có 95% phía Bắc Jakarta sẽ bị chìm”.

Phần còn lại của Jakarta cũng đang chìm dần dù với tốc độ chậm hơn. Cụ thể, phía Tây Jakarta bị chìm khoảng 15cm/năm, phía Đông 10cm/năm, miền Trung 2cm/năm và miền Nam là 1cm/năm. Được biết, các thành phố ven biển trên toàn thế giới đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng mực nước biển dâng cao vì biến đổi khí hậu. Song tốc độ chìm của Jakarta đang gây báo động các chuyên gia môi trường.

Một phần nguyên nhân tạo nên tốc độ sụt lún nhanh chóng tại Jakarta là do việc khai thác quá mức nước ngầm để sinh hoạt hàng ngày của cư dân thành phố. Do đường ống dẫn nước không chắc chắn hoặc không có sẵn ở hầu hết khu vực, nên người dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải bơm nước từ tầng ngậm nước nằm sâu dưới đất. Nhưng khi nước ngầm được bơm ra, vùng đất phía trên nó chìm xuống và dẫn đến sụt lún.

Tình hình sụt lún còn trầm trọng hơn do quy định trước đây của giới chức Jakarta là cho phép bất cứ đối tượng nào - từ các chủ nhà đơn lẻ cho đến các nhà khai thác trung tâm thương mại to lớn – tự hút nước ngầm. Hồi tháng 5, sau khi kiểm tra 80 tòa nhà trên đường Jalan Thamrin ở Trung Jakarta, chính quyền thành phố phát hiện có 56 tòa nhà có trang bị máy bơm nước ngầm riêng và 33 tòa nhà đang hút nước trái phép.

Trong khi đó, người dân Jakarta cho biết không có sự lựa chọn nào khác khi chính quyền không thể đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho họ. Các chuyên gia xác nhận giới chức quản lý nước chỉ có thể đáp ứng 40% nhu cầu nước của thành phố.

Nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác nước ngầm bừa bãi, Jakarta đã đánh  thuế đối với toàn bộ doanh nghiệp trong hoạt động đào giếng song nỗ lực này dường như không hiệu quả. Hiện tại, nhà chức trách hy vọng dự án Great Garuda - xây dựng một bức tường biển dài 32km trước vịnh Jakarta cùng với 17 hòn đảo nhân tạo, với chi phí khoảng 40 tỉ USD - sẽ giúp giải cứu thành phố khỏi nguy cơ chìm xuống biển. Được biết, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã bắt đầu một dự án kéo dài 3 năm với chính quyền trung ương và chính quyền Jakarta nhằm chống sụt lún ở đây.

ĐÔNG PHONG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
JakartaIndonesia