29/09/2015 - 10:05

IS – “điểm nóng” trên bàn nghị sự Liên Hiệp Quốc

Ngoài các vấn đề như phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng người tị nạn, thì nỗ lực chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cuộc xung đột Syria được xem là chủ đề "nóng" trong chương trình nghị sự của phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) đang diễn ra ở thành phố New York (Mỹ).

Theo hãng tin Anh Guardian, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chủ trì phiên họp thảo luận làm thế nào để đánh bại IS và những tổ chức cực đoan bạo lực khác vào hôm nay, 29-9. Hãng tin Mỹ AP cho biết các cường quốc mặc dù đã chi hàng tỉ USD với hàng ngàn cuộc không kích nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả trong cuộc chiến chống IS. Tuy kiểm soát lãnh thổ ít hơn so với một năm trước nhưng IS vẫn tiếp tục phát động chiến dịch tấn công, ngày càng lộng hành ở Syria và Iraq. Thậm chí, IS còn "vươn vòi" sang các nước khác bao gồm Libya, Afghanistan và bán đảo Sinai của Ai Cập

Cuộc đối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Obama (phải) và Tổng thống Nga Putin bên lề phiên họp ĐHĐ LHQ cũng bàn về cuộc chiến chống IS. Ảnh: EPA

 

Hãng tin Anh BBC cho biết trong phiên họp ĐHĐ LHQ, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ công bố một sáng kiến chống khủng bố. Ưu tiên của lãnh đạo Nga là kêu gọi thành lập cơ cấu phối hợp khu vực nhằm chống lại IS. Ông chủ Điện Kremlin cũng nói thêm rằng Mát-xcơ-va vẫn tiếp tục ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad bởi quân đội của Tổng thống Syria là "lực lượng chính thống và hợp pháp" duy nhất ở nước này và Nga "sẵn lòng hợp tác để cùng hành động trong cuộc chiến chống khủng bố".

Tổng thống Putin tuyên bố Mát-xcơ-va sẽ chỉ hỗ trợ quân sự cho quân đội hợp pháp của Tổng thống al-Assad, theo đúng nguyên tắc của Hiến chương LHQ, bao gồm cung cấp vũ khí, huấn luyện binh sĩ, hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria. Ông khẳng định Mát-xcơ-va hiện không có kế hoạch tham gia bất kỳ chiến dịch quân sự nào trên mặt đất tại Syria cũng như các nước khác. Ông Putin cũng chỉ ra rằng, thực tế hiện nay chính quyền của Tổng thống al-Assad đang đấu tranh với các tổ chức khủng bố chứ không phải với phe đối lập như cách giải thích của một số nước, trong đó có Mỹ.

Phát biểu bên lề phiên họp ở New York, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng khẳng định muốn đánh bại chiến binh IS thì không thể làm suy yếu chính quyền Damascus. Trong diễn biến có liên quan, BBC cho biết Thủ tướng Anh David Cameron dự kiến sẽ giảm bớt chỉ trích khi đề cập đến Tổng thống al-Assad. Trong bài phát biểu tại phiên họp ĐHĐ LHQ, ông Cameron đồng thời sẽ nêu quan điểm mới rằng Tổng thống al-Assad có thể tạm thời nắm quyền lãnh đạo chính phủ chuyển tiếp. Thủ tướng Anh hy vọng chủ trương này có thể giúp phá vỡ bế tắc về vấn đề Syria tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ).

Tại diễn đàn LHQ, lãnh đạo Đức và cả Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng bày tỏ sự ủng hộ việc hợp tác với các nước, đặc biệt là Nga, trong vấn đề Syria. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng cần phối hợp với Nga về hoạt động của các lực lượng khác nhau tại Syria để loại trừ nguy cơ nghi ngờ giữa Nga và lực lượng đối lập chiến đấu chống IS tại Syria. Về khả năng Nga tham gia liên minh chống IS, ông Stoltenberg cho rằng còn "quá sớm" để nói về dự định của Nga tại Syria, song kêu gọi Mát-xcơ-va "đóng vai trò xây dựng hơn" trong cuộc chiến chống IS.

Trong một diễn biến khác, quân đội Iraq hôm 27-9 vừa lên tiếng về thỏa thuận hợp tác an ninh và tình báo với Nga, Iran và Syria để chống IS. Theo Nhật báo Phố Wall, thỏa thuận này là dấu hiệu rõ ràng và mới nhất về ảnh hưởng và vai trò quan trọng của Nga trong xử lý các vấn đề ở khu vực Vùng Vịnh-Trung Đông.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết