12/05/2018 - 10:53

Iraq kẹt giữa Mỹ và Iran 

Theo nhận định của các chuyên gia, tiến trình chính trị ở Baghdad nhiều khả năng sẽ bị cản trở bởi quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mới đây của Mỹ, do hai quốc gia thù địch này đang gia tăng ủng hộ các phe phái khác nhau tại Iraq.

Trong khi Mỹ ủng hộ chính phủ của Thủ tướng đương nhiệm Haider al-Abadi - người được dự báo sẽ tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu vào hôm nay 12-5, Iran hậu thuẫn các lực lượng bán vũ trang theo dòng Shiite trung thành với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Trong cuộc bầu cử đầu tiên thời hậu IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng), hai đối thủ chính của ông al-Abadi là người tiền nhiệm Nuri al-Maliki và gương mặt mới Hadi al-Amiri- chỉ huy trưởng của liên minh bán vũ trang hùng mạnh được Tehran vũ trang và tài trợ.

 Thủ tướng al-Abadi vẫy tay khi vận động tranh cử ở Baghdad. Ảnh: AP

Theo chia sẻ của Haider Saeed, tổng biên tập báo Siyasat Arabiya, cuộc bầu cử ở Iraq lần này khác với những lần trước chủ yếu vì các vấn đề của khu vực có vai trò quan trọng hơn chuyện quốc nội. Người dân Iraq lo ngại quan hệ Mỹ- Iran xấu đi có thể đe dọa nỗ lực thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc của nước này, qua đó gạt bỏ những chia rẽ về chính trị và sắc tộc. Riêng các nhà lãnh đạo Iraq, bao gồm Thủ tướng al-Abadi, muốn tránh xa các cuộc đối đầu Mỹ - Iran và theo đuổi “mô hình chính sách phi liên kết, bạn của tất cả”. Những người còn lại, trong đó có ông al-Amiri, lại tin rằng mối quan hệ giữa Baghdad với Tehran mới quan trọng nhất, nên phải củng cố nó.

Bất kể ai đắc cử cũng phải cân bằng những lợi ích của Iraq với lợi ích của Mỹ và Iran, nhưng nhiệm vụ này sẽ càng gian truân do sự thù địch ngày càng lớn giữa Washington và Tehran. Iran được cho sẽ đáp trả quyết định từ bỏ thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện giữa nước này với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9-5 bằng cách tiếp tục tăng cường ảnh hưởng của họ tại các quốc gia láng giềng. Với việc chính quyền ông Trump gia tăng áp lực lên Iran, giới lãnh đạo theo dòng Shiite ở Tehran sẽ càng quyết tâm hơn trong việc duy trì sự bảo trợ của họ tại Iraq. Thực tế là tuần rồi, Cộng hòa Hồi giáo đã đặt nghi vấn về tính hợp pháp trong vai trò thủ tướng của ông al-Abadi, một người Shiite nhưng được cộng đồng thiểu số Sunni hậu thuẫn, nên tìm cách kéo giảm khả năng tái đắc cử của nhà lãnh đạo này.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ xem việc duy trì ảnh hưởng lên Iraq là cách để đối phó Iran. Aymenn Jawad al-Tamimi, nhà phân tích thuộc Diễn đàn Trung Đông, cho rằng Washington muốn ngăn chặn sự chi phối của các phe phái thân Tehran trong Chính phủ Iraq. Một lý do khác khiến Mỹ muốn duy trì ảnh hưởng tại Iraq là do tầm quan trọng về địa chiến lược của quốc gia Vùng Vịnh này.

Trong diễn biến liên quan, hôm 10-5 Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 6 người Iran và 3 công ty bị cho quan hệ với IRGC. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng lệnh trừng phạt nhắm vào những đối tượng đã rót hàng triệu USD cho lực lượng này. Ngân hàng Trung ương Iran cũng bị cáo buộc tiếp tay cho IRGC tiếp cận nguồn tiền trên. IRGC bị ông Trump xem là “tổ chức khủng bố xấu xa”.

THANH BÌNH (Theo Aljazeera, Reuters, BBC)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
IraqMỹIranBaghdad