12/09/2017 - 08:39

Indonesia thách thức yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông 

Sau việc Indonesia công khai đổi tên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ở Biển Đông, giới phân tích không chỉ coi đây là tuyên bố khẳng định chủ quyền mà còn biểu hiện thái độ phản đối tham vọng của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược ở Đông Nam Á.

    

Bản đồ mới được Indonesia công bố tại cuộc họp báo hồi tháng 7 xác định vị trí vùng “Biển Bắc Natuna”. Ảnh: Reuters

Hồi trung tuần tháng 7, Indonesia ra thông báo đặt lại tên khu vực phía Bắc EEZ của nước này ở Biển Đông thành “Biển Bắc Natuna”. Jakarta đang tiến hành các thủ tục hợp pháp hóa tên mới bằng cách đăng ký với Tổ chức Thủy văn Quốc tế (IHO) và Liên Hiệp Quốc.

Thời điểm công bố bản đồ mới, Thứ trưởng Hàng hải Indonesia Arif Havas Oegroseno cho biết vùng biển được đặt lại tên sở hữu nguồn tài nguyên rất dồi dào gồm hải sản và trữ lượng lớn dầu mỏ cùng khí đốt. Khu vực này còn đóng vai trò chiến lược khi nằm ở mũi phía Nam của eo biển Malacca nối liền Biển Đông với Ấn Độ Dương.

Sở dĩ động thái này gây chú ý bởi phần biển Jakarta định danh là nơi Trung Quốc tuyên bố nằm bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự coi thuộc chủ quyền của mình. Trung Quốc khi đó tuyên bố hành động của Indonesia là “vô nghĩa” và thúc giục Jakarta hủy bỏ quyết định trên với lập luận “không có lợi cho quan hệ hữu hảo giữa hai nước” và “ảnh hưởng hòa bình, ổn định khu vực”.

Nhưng xét thực tế, lãnh hải của Trung Quốc chỉ bao gồm các ranh giới được công nhận theo luật pháp quốc tế. Do vậy đối với đòi hỏi của Bắc Kinh, giới quan sát ngược lại cho rằng chính hoạt động phi pháp của Trung Quốc đi kèm thái độ hung hăng và không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự tại các thực thể mà nước này kiểm soát trái phép ở Biển Đông mới khiến căng thẳng leo thang và “đe dọa hòa bình, ổn định khu vực”.

Trước nay, Indonesia không phải bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tuy vậy, Jakarta phản đối việc Trung Quốc đưa vùng biển quanh quần đảo Natuna của nước này vào “đường 9 đoạn”. Đảo quốc Đông Nam Á còn nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, dẫn đến đụng độ giữa tàu cá, tàu chấp pháp Trung Quốc với tàu cảnh sát biển Indonesia.

Vì vậy ngoài tiếp tục quan hệ ngoại giao hữu hảo với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo cũng bắt đầu theo đuổi các biện pháp an ninh, pháp lý và kinh tế nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Trong đó bao gồm chiến lược củng cố sự hiện diện quân sự xung quanh quần đảo Natuna.

Về việc đặt tên lại lãnh hải, theo quan điểm của chuyên gia nghiên cứu Aaron Connelly thuộc Học viện Chính sách Quốc tế Lowy (Úc) thì động thái này không khiến Indonesia thành bên có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông bởi Jakarta chưa bao giờ chấp nhận tính hợp pháp của cái gọi là “đường 9 đoạn”.

Đây cũng là lý do nước này vẫn luôn phủ nhận “sự chồng chéo” chủ quyền với Trung Quốc. Theo ông Connelly, mặc dù Bắc Kinh tuyên bố họ có quyền “khai thác thủy sản ở ngư trường truyền thống” nhưng Indonesia mới là bên có những bước đi hợp pháp và hiệu quả để thách thức yêu sách của Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu cấp cao về vấn đề an ninh Evan A.Laks mana thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Jakarta cũng đồng ý việc đặt tên “Biển Bắc Natuna” không phải để gây tranh cãi với Trung Quốc. Thay vào đó, điều này cho thấy Indonesia không công nhận yêu sách của Trung Quốc trong vùng biển quanh quần đảo Natuna và làm rõ nước này không cần đàm phán hay xin phép Bắc Kinh.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết