17/11/2018 - 09:04

Indonesia muốn Saudi Arabia “thay thế” Trung Quốc 

Bà Zannuba Ariffah Chafsoh Rahman Wahid (ảnh), thành viên cao cấp chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, cho biết nước này đang kêu gọi đầu tư từ Saudi Arabia cũng như các quốc gia giàu có khác của vùng Vịnh nhằm giảm sự phụ thuộc của Jakarta vào Trung Quốc.

“Khi bạn chỉ được một nhóm hoặc một quốc gia cụ thể tài trợ, vị trí của bạn dễ bị lung lay. Do đó, điều tốt nhất là bạn cần tạo ra nhiều nguồn đầu tư từ các quốc gia khác nhau. Trung Quốc rất xông xáo. Đó là lý do tại sao bạn thấy họ ở khắp mọi nơi. Các nhà đầu tư khác không xông xáo như Trung Quốc, vì vậy chúng tôi cố gắng lôi kéo họ đến đây" - bà Wahid (thường được gọi là Yenny, con gái cố Tổng thống Abdurrahman Wahid) nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công.

Theo SCMP, bà Yenny gần đây đã từ chức chủ tịch Viện Wahid, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về Hồi giáo và khoan dung tôn giáo, để hỗ trợ Tổng thống Widodo giữa lúc ông đang có kế hoạch tái tranh cử tổng thống xứ sở vạn đảo. Tháng rồi, bà Yenny đã sắp xếp một cuộc gặp giữa Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia Rini Soemarno và cố vấn hoàng gia Saudi Arabia Abdulrahman Al Saeed. Kết quả là, các nhà đầu tư Saudi Arabia cam kết chi 100 triệu USD để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của Indonesia. Khoản đầu tư này được xem là một giải pháp thay thế đối với đầu tư của Trung Quốc vốn đã thống trị ở Đông Nam Á. “Đây là thời đại cạnh tranh nên bạn không thể im lặng và hy vọng mọi người sẽ gõ cửa nhà bạn. Bạn cần gõ cửa nhà họ và mời họ vào. Đây là những gì mà chúng tôi hiện đang làm” - Yenny nói. Bà tự tin rằng Indonesia có vị thế vững mạnh để đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư Saudi Arabia, bởi quốc gia Đông Nam Á hơn 265 triệu dân là thị trường lớn nhất trong khu vực, đồng thời đang triển khai kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng lên đến 355 tỉ USD dưới thời Widodo.

Giải thích cho mối quan hệ hợp tác giữa Indonesia và Saudia Arabia, bà Yenny nói rằng thế giới gần đây mới chú ý đến tiềm năng của châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, xem nơi đây là điểm đầu tư mới. Indonesia do đó phải tích cực hơn trong việc thu hút thêm nhà đầu tư từ Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Ai Cập.

Trong động thái tương tự, Hashim Djojohadikusumo, anh trai đồng thời là thủ lĩnh chiến dịch tranh cử của cựu tướng quân đội Prabowo Subianto, trước đó tuyên bố các dự án cơ sở hạ tầng mà Indonesia đã ký kết với Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, Con đường” có thể sẽ được xem xét lại nếu ông Subianto giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm tới. “Indonesia và Trung Quốc có quan hệ tốt nhưng tôi nghĩ có một số dự án chúng ta cần xem xét. Tôi chắc chắn một điều là có một số dự án rất tốt nhưng cũng có một số dự án không cần thiết” - ông Djojohadikusumo nói, đề cập cụ thể dự án đường sắt cao tốc trị giá 4,5 tỉ USD hiện đang trong quá trình xây dựng nhằm kết nối Thủ đô Jakarta và thành phố Bandung.

Hồi tháng 4, Indonesia và Trung Quốc đã ký 5 hợp đồng với tổng trị giá hơn 23 tỉ USD, gồm việc xây dựng 2 nhà máy thủy điện trị giá gần 20 tỉ USD ở Bắc Kalimantan, một nhà máy điện trị giá 1,6 tỉ USD ở Bali và một nhà máy luyện thép trị giá 1,2 tỉ USD. Ngoài dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, Indonesia và Trung Quốc trước đó cũng đã ký kết thỏa thuận xây dựng Khu công nghiệp Morowali ở đảo Sulawesi. Tuy nhiên, tiến độ của những dự án này tương đối chậm.

TRÍ VĂN 

Chia sẻ bài viết