12/12/2017 - 21:18

Hy vọng mới của đảng Quốc đại Ấn Độ 

Trong động thái được chờ đợi từ lâu, đảng Quốc đại Ấn Độ hôm 11-12 xác nhận đã bầu ông Rahul Gandhi (ảnh) làm Chủ tịch mới của đảng. Đây được xem là bước chuẩn bị nhằm thách thức vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi trước kỳ bầu cử quốc gia vào năm 2019.

Reuters trích tuyên bố của đảng Quốc đại cho biết việc bầu chọn ông Gandhi là “sự kiện lịch sử”. Theo kế hoạch, ông Gandhi hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch sẽ chính thức tiếp nhận vai trò dẫn dắt lực lượng đối lập sau khi nhậm chức vào ngày 16-12. Chính trị gia 47 tuổi này cũng là ứng viên số một cho vị trí Thủ tướng nếu đảng Quốc đại trở lại nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019.

Vốn xuất thân từ dòng tộc có ảnh hưởng nhất trên chính trường Ấn Độ, ông Gandhi là cháu cố của lãnh tụ Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ (giai đoạn 1947-1964). Bà nội ông là Indira Gandhi, làm Thủ tướng giai đoạn 1966-1977 và 1980-1984. Cha ông là Rajiv Gandhi, làm Thủ tướng giai đoạn 1984-1989, sau khi Indira Gandhi bị ám sát. Mẹ ông là Sonia Gandhi, Chủ tịch lâu đời nhất của đảng Quốc đại (kể từ năm 1998, 7 năm sau khi chồng bị ám sát).

Năm 2013, ông Gandhi được cất nhắc lên vị trí Phó Chủ tịch và là ứng viên tham gia cuộc tổng tuyển cử năm 2014. Tuy nhiên, đảng Quốc đại sau 10 năm liên tục cầm quyền đã gánh thất bại nặng nề trước đảng Nhân dân (BJP). Thế hệ thứ 4 nhà Gandhi khi đó bị chỉ trích là “non nớt” và “thiếu sự chuẩn bị cần thiết” dẫn tới chiến thắng vang đội của ứng viên Narendra Modi thuộc BJP. Trong cuộc bầu cử này, đảng Quốc đại chỉ giành được 44 ghế tại Quốc hội so với 206 ghế cách đó 5 năm.

Theo nhận định của các chuyên gia, hàng loạt cuộc bầu cử tiểu bang trọng điểm vào năm tới sẽ là phép thử đối với ông Gandhi. Trong đó, chính trị gia được đào tạo tại Anh cần có chiến thắng thuyết phục để thay đổi hình ảnh và nhận thức về trách nhiệm. Muốn vậy, ông Gandhi phải giải quyết thách thức hàng đầu hiện nay là tập hợp lại đảng Quốc đại và có được sự tín nhiệm của đảng. Trong nỗ lực thoát khỏi hình ảnh chính khách “miễn cưỡng”, ông Gandhi từ tháng 9 đã tham gia nhiều hoạt động bao gồm chuyến đi Mỹ để gặp gỡ các sinh viên, chuyên gia về chính sách, giới lãnh đạo chính phủ và lực lượng truyền thông. Ông cũng xuất hiện nhiều hơn trên các kênh truyền thông xã hội và tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri, trình bày quan điểm về tình trạng thiếu việc làm, bất ổn gia tăng, kinh tế tăng trưởng chậm lại và những cam kết mà chính phủ Thủ tướng Modi chưa thể thực hiện.

Theo giới quan sát, chiến dịch của ông Gandhi đã nhận được phản hồi tích cực với hình ảnh một chính khách nghiêm túc và rõ ràng hơn. Dù vậy, nhiều người cho rằng một trong những thách thức lớn nhất mà ông Gandhi phải đối mặt chính là quan điểm tiếp nối truyền thống của “triều đại” Nehru-Gandhi. Theo đó, người ta cho rằng thành công của đương kim Thủ tướng Modi chính là ví dụ điển hình của việc xoay chuyển từ xuất thân khiêm tốn thành lợi thế chính trị.

MAI QUYÊN 

Chia sẻ bài viết