20/11/2013 - 09:57

Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới

Quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), TP Cần Thơ xác định loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước. Thay vào đó, các địa phương cần phát huy tinh thần "tự lực cánh sinh" trên cơ sở tận dụng lợi thế sẵn có, huy động sự đóng góp từ nhân dân để cùng XDNTM. Từ định hướng này, bên cạnh giải pháp nhằm nâng cao thu nhập, các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến về nhận thức trong dân, từng bước phát huy vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM.

* Sức mạnh lòng dân

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình XDNTM TP Cần Thơ, từ năm 2010 đến nay, toàn thành phố huy động hơn 424,3 tỉ đồng phục vụ XDNTM. Trong đó, vốn huy động từ người dân trên 55,63 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 13%. Dù vốn huy động trong dân chưa cao nhưng cũng là điểm son đáng ghi nhận về sự chung tay, góp sức của đại bộ phận cư dân nông thôn cùng XDNTM. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: XDNTM ở TP Cần Thơ bám sát phương châm: huy động nội lực tại chỗ là chính, lấy sức dân lo cho dân, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần thông qua các chương trình đầu tư theo quy hoạch và định hướng phát triển từng thời kỳ. Thời gian qua, thông qua hoạt động tuyên truyền, các xã XDNTM trên địa bàn thành phố vận động nhân dân cùng tham gia thực hiện một số nội dung trong Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM. Điển hình như: hiến đất và ngày công lao động xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn; đầu tư vốn để phát triển sản xuất; hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động giảm nghèo; đóng góp duy tu, sửa chữa các công trình văn hóa, xã hội…

Người dân tham gia làm cầu nông thôn trên địa bàn xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai.

Từ thực tiễn cho thấy, để công cuộc XDNTM thành công và bền vững, trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng về nội dung, phương pháp, cơ chế chính sách của Nhà nước về XDNTM… để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân hiểu rõ. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: "XDNTM trên địa bàn huyện gắn liền với việc hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", phong trào thi đua "Cả nước chung sức XDNTM"… Ngoài ra, tuyên truyền XDNTM được xã tổ chức lồng ghép trong các cuộc họp tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội ở ấp, qua hệ thống loa truyền thanh xã, tranh ảnh, các hình thức văn hóa, văn nghệ,… Nhờ đó, đã từng bước nâng tầm nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân nông thôn về XDNTM". Không chỉ thể hiện ở số vốn đóng góp năm sau luôn cao hơn năm trước, người dân còn tự nguyện hiến đất để phục vụ cho những công trình công cộng, tăng cường tham gia vào những mô hình sản xuất có tổ chức như "Cánh đồng lớn", tổ hợp tác, hợp tác xã…

Theo phản ánh của các xã, qua 3 năm triển khai đồng bộ, phong trào chung tay XDNTM đã lan tỏa đến từng địa phương, từng hộ gia đình và được thể hiện trong nếp nghĩ, cách làm... "XDNTM là công việc của cộng đồng dân cư, dân làm, dân hưởng có sự hỗ trợ và định hướng của chính quyền các cấp. Xã Giai Xuân bám sát phương châm "làm từ ngoài đồng ruộng về ấp, từ hộ gia đình ra xóm, từ xóm ấp lên xã". Xã đầu tư các công trình của xã, các ấp vận động nhân dân đóng góp xây dựng công trình của xóm ấp. Mỗi hộ dân tăng gia sản xuất; cải tạo vườn cây, ao cá; chỉnh trang hàng rào, cột cờ…" - ông Phan Văn Chín, Phó Bí thư Đảng ủy xã Giai Xuân, chia sẻ. Thời gian qua, nhân dân xã Giai Xuân đóng góp trên 4,91 tỉ đồng kiến thiết nông thôn. Trong đó, người dân hiến đất, hoa màu làm lộ giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng trên 4,82 tỉ đồng; đóng góp ngày công lao động và hơn 87 triệu đồng giặm vá đường giao thông…

* Phát huy vai trò định hướng

Sức dân là "sức bền", người dân là chủ thể, đồng thời là đối tượng được thụ hưởng trực tiếp những lợi ích từ công cuộc XDNTM. Do đó, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình XDNTM TP Cần Thơ chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sâu rộng, bám sát phương châm "dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp". Đồng thời tập trung cho công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật… để nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Đây là khâu then chốt chứng minh cho người dân thấy mục tiêu XDNTM không tách rời mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương và họ chính là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên từ việc thực hiện chương trình.

Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân là yêu cầu bức thiết, là nền tảng vận động đóng góp XDNTM. Vì vậy, các xã tập trung đề ra các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; hỗ trợ vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước cải thiện thu nhập cho nông dân… Bà Lê Việt Bích, Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Thời gian qua, mô hình "Cánh đồng lớn" thể hiện được tính ưu việt và chứng minh đây là "đòn bẩy" hoàn thành các tiêu chí về XDNTM. Vì vậy, xã tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình này". Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, ngoài việc phát động tăng gia sản xuất, huyện ưu tiên cho công tác tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm cho các đối tượng lao động. Hằng năm, tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề và việc làm, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo ngành và quy mô đào tạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, quan tâm giới thiệu việc làm cho các học viên đã qua đào tạo.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để XDNTM. Trong đó, bám sát phương châm "huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là cần thiết". Nguồn lực huy động trong dân được ghi nhận theo nhiều hình thức: đóng góp trực tiếp bằng công sức, tiền của cho các công trình cộng đồng; chỉnh trang nhà ở, hàng rào, cột cờ; xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp; cải tạo vườn cây, ao cá… Trong công cuộc XDNTM, các địa phương cũng nên lưu ý, việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất; đảm bảo công khai, minh bạch…

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết