13/07/2017 - 17:28

ĐỔI MỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng

So với 10 năm trước, giáo dục đại học (GDĐH) ở ĐBSCL đã có bước phát triển khá lớn về quy mô, loại hình đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, GDĐH ở ĐBSCL cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể là chất lượng đào tạo chưa thật sự ổn định, thiếu nguồn giảng viên giỏi, chưa đáp ứng được yêu cầu cho công cuộc phát triển đất nước, nhất là trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Những khó khăn, hạn chế

 

Giờ thực hành của sinh viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. 

Hơn 20 năm qua, giáo dục của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể: số trường ĐH, cao đẳng (CĐ) tăng gấp gần 4 lần, nguồn lực trong xã hội đầu tư cho giáo dục cũng được huy động ngày càng nhiều; hệ thống cơ sở đào tạo ĐH đã phủ kín cả nước (62/63 tỉnh, thành phố đã có trường CĐ hoặc ĐH). Số lượng trường ĐH, CĐ ở các vùng cao, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn đã tăng lên, như: Tây Bắc, Tây Nguyên... trong đó, khu vực ĐBSCL có 11 trường ĐH, 27 trường CĐ. Các cơ sở đào tạo đã góp phần tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân có cơ hội tiếp cận với GDĐH, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa,... Nhưng GDĐH vẫn còn nhiều hạn chế và yếu kém, chất lượng đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước. Chẳng hạn như, trong khi quy mô đào tạo đã tăng gần gấp 13 lần so với năm 1987, nhưng cán bộ giảng viên chỉ tăng hơn 3 lần. Đối với ĐBSCL, cách đây 5 năm, tại hội nghị “Phát triển GD&ĐT vùng ĐBSCL đến năm 2010 và định hướng đến 2020” được tổ chức tại TP Cần Thơ đã chỉ rõ: Giáo dục ĐBSCL thấp nhất cả nước, bình quân cả nước chưa tới 1 triệu dân có một trường ĐH thì ĐBSCL lại có đến trên 3 triệu dân mới có một trường.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nổi bật là sự yếu kém trong quản lý, khó khăn về nguồn nhân lực, nhất là đối với một số trường nhỏ ở những địa phương còn khó khăn. Theo ông Hà Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang, phần lớn cán bộ quản lý của trường trước đây công tác ở các trường phổ thông hoặc phòng giáo dục nên chưa quen với công tác quản lý ở bậc học cao, đòi hỏi phải tự học và tham quan học hỏi kinh nghiệm quản lý của các trường ĐH, CĐ có bề dày kinh nghiệm. Một khó khăn khác của Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang là lực lượng giảng viên vừa thiếu, vừa yếu, mặc dù trường đã có nhiều chính sách vừa đào tạo, vừa thu hút nhân tài. “Đội ngũ giảng viên hiện có của trường vừa yếu lại vừa thiếu. Hầu như những giảng viên giỏi được đào tạo sau khi thực hiện xong cam kết phục vụ 5 năm tại địa phương cũng bỏ đi về những trường khác lớn hơn nên nhân sự của trường luôn bị thiếu hụt...”- ông Vân trăn trở. Điều này, ông Trần Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu, cũng thừa nhận: “Trường mới thành lập một vài năm gần đây, so với tiêu chí của Bộ GD&ĐT thì đội ngũ cán bộ giảng viên của trường vẫn chưa đảm bảo theo yêu cầu”.

Trên thực tế, không riêng gì Trường ĐH Bạc Liêu, CĐ Cộng đồng Hậu Giang, một số trường ĐH trên địa bàn TP Cần Thơ cũng gặp không ít khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất. Trong chuyến khảo sát tại 3 trường ĐH: Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ và Tây Đô của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu năm 2010 vừa qua, đã chứng minh thực trạng này. Đơn cử như Trường ĐH Tây Đô, tỷ lệ giảng viên/ sinh viên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu so với qui định của Bộ GD&ĐT. Hay như cơ sở vật chất Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cũng gặp khó khăn trong một thời gian khá dài, do kinh phí đầu tư “nhỏ giọt”, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác giảng dạy...

Cần sự liên kết

Theo PGS.TS Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, 5 năm trở lại đây, các bộ, ngành Trung ương, các trường đã thực hiện nhiều giải pháp như: thành lập Cục khảo thí; triển khai chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo theo địa chỉ, nâng cao trình độ cán bộ giảng viên,... Đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 296/CT-TTg về đổi mới quản lý GDĐH giai đoạn 2010-2012 để nâng cao chất lượng GDĐH. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã xây dựng chương trình hành động về đổi mới quản lý GDĐH theo tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng. PGS.TS Trần Quang Quý cho rằng: “Phát triển GDĐH phải đi đôi với chất lượng đào tạo. Hiện nay, xã hội quan tâm nhiều đến các cơ sở đào tạo khi mà “sản phẩm” đầu ra đáp ứng được nhu cầu vị trí công việc. Chính vì thế, trong đổi mới quản lý giáo dục, các trường nên chú ý đến việc phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo”.

Từ năm 2009, Trường ĐH Tây Đô đã gia nhập Câu lạc bộ Tây Đô, cùng với Xi măng Tây Đô- Cao su Tây Đô - Thép Tây Đô chia sẻ nguồn lực trong công tác đào tạo. Theo ông Ngô Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Xi măng Tây Đô, để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường phải hợp tác với các doanh nghiệp để sinh viên có nơi thực hành. Thời gian qua, Công ty Xi măng Tây Đô là một trong những đơn vị thường xuyên nhận sinh viên của Trường ĐH Tây Đô vào thực tập, từ đó có thể tuyển chọn những người có năng lực vào làm việc lâu dài. Điều này giúp sinh viên có thể làm quen với công việc, cọ xát thực tế, dễ tìm việc sau khi tốt nghiệp ra trường.

Một yếu tố quan trọng nữa trong đổi mới giáo dục là việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ giảng viên. Theo ông Trần Mạnh Hùng, các cơ sở đào tạo ở ĐBSCL nên thành lập hiệp hội liên kết với nhau để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ nguồn lực, điều này sẽ giúp các trường giảm bớt áp lực về đội ngũ cán bộ giảng viên, cơ sở thực hành, thực tập. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT nên thành lập trung tâm ngoại ngữ tại TP Cần Thơ để cán bộ, giảng viên có điều kiện học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ. Đối với Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang, nguyên nhân dẫn đến việc không giữ chân được nguồn cán bộ, giảng viên, cũng như khó thu hút được nhiều sinh viên vào học ở trường là do điều kiện môi trường sinh hoạt khó khăn, vùng sâu xa. Để khắc phục tình trạng này, ông Hà Hồng Vân cho rằng: “Trường đã hợp tác với Trường ĐH Cần Thơ mở cơ sở 2 tại tỉnh Hậu Giang. Điều này sẽ tạo điều kiện cho con em của địa phương học giỏi có thể học đại học hoặc cao đẳng. Trường sẽ đào tạo và phát triển nguồn lực cán bộ tại chỗ, phục vụ lâu dài”.

Tại Hội thảo “Đổi mới quản lý GDĐH giai đoạn 2010-2012” được tổ chức tại TP Cần Thơ vào cuối tháng 4, nhiều đại biểu cho rằng, ngoài việc các trường tự linh động tìm nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn cán bộ, giảng viên thì Bộ GD&ĐT cần tăng cường hơn nữa quyền tự chủ cho các trường để nâng cao chất lượng đào tạo. Theo PGS.TS Trần Quang Quý, nâng cao chất lượng GDĐH cần có thời gian để thực hiện nhiều giải pháp. Tuy nhiên, các trường nên đưa ra chương trình hành động cụ thể trong việc đổi mới quản lý GDĐH; cần liên kết đào tạo với các doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ cán bộ cơ hữu vững mạnh. Để tạo điều kiện cho các trường có thể khai thác nguồn tài nguyên phục vụ giảng dạy, Bộ GD&ĐT sẽ sớm xây dựng thư viện điện tử chung. Song, để thực hiện hiệu quả đổi mới quản lý, cũng như nâng cao chất lượng GDĐH rất cần huy động nhiều nguồn lực của cộng đồng.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết