04/02/2008 - 17:34

Bác sĩ Lê Hùng Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ:

Huy động mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển hệ thống y tế hiện đại đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân

Sự ra đời của hàng loạt các bệnh viện (BV) chuyên khoa, BV ngoài công lập trên địa bàn TP Cần Thơ đang mở ra những triển vọng mới trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, để mở rộng mạng lưới, phát triển y tế cơ sở, xây dựng hệ thống y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao phục vụ cho người dân Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, ngành y tế TP vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong câu chuyện đầu xuân Mậu Tý này, bác sĩ Lê Hùng Dũng , Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, chia sẻ với phóng viên Báo Cần Thơ về kế hoạch nâng cao năng lực và chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế TP.

*Thưa bác sĩ, ngành y tế sẽ làm gì để vươn lên ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới?

- Mục tiêu của ngành y tế là xây dựng hệ thống y tế TP Cần Thơ từng bước hiện đại, hoàn chỉnh và đồng bộ từ TP đến tuyến cơ sở, theo hướng lấy dự phòng làm chủ đạo, nền tảng. Ở tuyến cơ sở, hiện nay, khoảng 60% xã, phường có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Đến năm 2010, phấn đấu 80% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Ở tuyến quận, huyện, sẽ ưu tiên xây dựng BV cho 5 quận, huyện: Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh; xây mới BV huyện Thốt Nốt.

Đối với tuyến 2 - tuyến TP - thế mạnh của Cần Thơ là có nhiều BV chuyên khoa với quá trình phát triển lâu năm, như: Tai- Mũi- Họng, Nhi đồng, Mắt- Răng Hàm Mặt... Năm 2007, Sở Y tế mạnh dạn đề nghị UBND TP tách Khoa Ung bướu ra khỏi BV Đa khoa TP và thành lập BV Ung bướu. Sắp tới đây, tại Cần Thơ, sẽ có thêm các BV chuyên khoa khác, như: BV Tim mạch, BV Phụ sản. Theo kế hoạch, cả 2 BV này đều được thành lập sau năm 2010 nhưng với sự quyết tâm của Thành ủy, UBND TP và sự ủng hộ của Bộ Y tế, hy vọng rằng BV Tim mạch sẽ ra đời sớm hơn. Sở Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh đối với các BV hiện có. Quan tâm trước nhất của ngành là BV Nhi đồng Cần Thơ. Sở Y tế đang lập dự án xây dựng BV Nhi đồng 500 giường.

Để thực hiện kế hoạch trên, ngành cố gắng huy động nhiều nguồn lực tài chánh, như: nguồn vốn xổ số kiến thiết, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của TP, nguồn vốn viện trợ hoặc vay từ các chương trình dự án... Sắp tới, ngành y tế TP sẽ triển khai thực hiện các dự án ODA đầu tư cho BV Đa khoa TP Cần Thơ 500 giường, BV Tim mạch, BV Nhi đồng, BV Y học cổ truyền, BV Ung bướu với tổng kinh phí khoảng 26 triệu USD. Đặc biệt, chú trọng khai thác tốt nguồn vốn xã hội hóa bằng cách tham mưu để UBND TP có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế.

Như vậy, đến năm 2015, cơ sở vật chất của ngành y tế TP Cần Thơ sẽ được hoàn thiện cơ bản. Trong quá trình đó, công tác đổi mới quản lý BV được tiếp tục thực hiện theo hướng tăng cường kiểm tra thực hiện các qui trình kỹ thuật điều trị, chăm sóc, các tiêu chuẩn chuyên môn; xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn đánh giá BV theo tiêu chuẩn ISO. Ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh để giảm bớt phiền hà cho người bệnh; thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện và tăng cường công tác chống nhiễm khuẩn BV...

Trước mắt, để đảm bảo hiệu quả hoạt động, các cơ sở y tế sẽ được trang bị đầy đủ thiết bị y tế thiết yếu, đúng theo qui định của Bộ Y tế. Sau đó, từng bước hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2010 đạt trình độ kỹ thuật về thiết bị y tế ngang tầm với các bệnh viện lớn trong cả nước.

Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đầu tư trang bị máy lọc thận mới. Ảnh: K.XUÂN

Theo kế hoạch, các trạm y tế xã, phường chưa đạt chuẩn sẽ được đầu tư khoảng 200 triệu đồng/trạm để nâng cấp và bổ sung thiết bị. Những trạm y tế mới xây dựng sẽ được đầu tư 200 triệu đồng/trạm. Các BV quận, huyện mới cũng sẽ được đầu tư trang thiết bị thiết yếu, trung bình khoảng 15 tỉ đồng/BV. Trước mắt ưu tiên đầu tư thiết bị y tế cho khoa khám bệnh và cận lâm sàng. Ngành Y tế cũng sẽ tranh thủ mọi nguồn vốn tăng cường đầu tư thiết bị hiện đại cho BV Đa khoa TP và các BV chuyên khoa. Sắp tới, BV Ung bướu sẽ được trang bị máy xạ trị. Đối với BV Đa khoa TP, Sở Y tế đang đề nghị UBND TP phê duyệt đầu tư trang bị thiết bị trị giá 4 tỉ đồng để tiến hành thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại đây; đồng thời, đầu tư khoảng 14,5 tỉ đồng trang bị thêm cho BV 5 máy chạy thận nhân tạo và 1 máy CT Scaner.

Trong nghiên cứu, ứng dụng thành tựu công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh, ngành y tế TP Cần Thơ sẽ tập trung vào các lĩnh vực: phát triển phương pháp mổ nội soi rộng rãi đến các BV tuyến quận, huyện; phát triển xạ trị, hóa trị kết hợp nâng cao kỹ thuật phẫu trị nhằm đẩy mạnh hiệu quả điều trị ung thư; đặt nền móng cho ngành phẫu thuật tim mạch của TP Cần Thơ; ứng dụng kỹ thuật cao trong vi phẫu chấn thương chỉnh hình; ứng dụng kỹ thuật Phaco lạnh...

*Thưa bác sĩ, nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng quyết định việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, vậy, ngành y tế hoạch định và chuẩn bị ra sao?

- Hiện nay, ngành y tế có 256 cán bộ có trình độ sau đại học; 567 cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng y dược. Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ là nhu cầu thường xuyên; đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, đó là nhu cầu cấp bách của ngành y tế TP Cần Thơ. Thuận lợi của TP Cần Thơ là ngay trên địa bàn có Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ. Ngoài ra, Sở Y tế còn liên kết, phối hợp với một số đơn vị để đào tạo y bác sĩ cho ngành như: BV Chợ Rẫy, một số bệnh viện chuyên khoa khác của TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Đại học Y Hà Nội, v.v... Chỉ trong năm 2007, Sở Y tế đã đưa trên 40 bác sĩ đi đào tạo sau đại học. Con số này mỗi năm sẽ mỗi tăng lên để đảm bảo đến năm 2010 toàn ngành y tế TP có trên 300 cán bộ có trình độ sau đại học, chiếm gần 8% tổng số cán bộ nhân viên toàn ngành; 750 cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng y dược, chiếm trên 18% tổng số cán bộ nhân viên toàn ngành. Như vậy, từ nay đến năm 2010, ngành y tế TP Cần Thơ sẽ phải tuyển mới trên 800 người và đưa đi đào tạo, bồi dưỡng trên 1.100 người.

Để bảo đảm cho người bệnh được chăm sóc toàn diện tại các cơ sở y tế, mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến hộ gia đình và cộng đồng, ngành y tế chú trọng nâng cao trình độ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên bằng cách phối hợp với Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ tuyển sinh đào tạo. Trọng tâm là đào tạo trình độ đại học cho điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên của các cơ sở khám chữa bệnh tuyến TP; đào tạo trình độ cao đẳng cho tuyến quận, huyện. Đảm bảo điều dưỡng trưởng các khoa của BV tuyến TP và điều dưỡng trưởng của quận, huyện có trình độ cử nhân. 90% điều dưỡng trưởng BV và điều dưỡng trưởng khoa được đào tạo về quản lý điều dưỡng.

Một trong những vấn đề quan tâm của chúng tôi là tăng cường nguồn lực cho y tế xã, phường - tuyến y tế gần dân nhất, đảm trách nhiều nhất các nhiệm vụ dự phòng bệnh tật trong cộng đồng. Hiện nay, chỉ mới có khoảng 60% trạm y tế có bác sĩ. Sở Y tế đã lập kế hoạch luân chuyển bác sĩ ở các BV quận, huyện, BV TP về trạm y tế. Tuy nhiên, luân chuyển bác sĩ về xã, phường cũng chỉ là giải pháp tình thế. Ngành y tế đã và đang tập trung đào tạo đội ngũ cho tuyến cơ sở, phấn đấu đến năm 2011, đảm bảo 100% trạm y tế có bác sĩ thật sự là người của trạm chứ không phải chỉ đến 1- 2 năm rồi đi.

*Liệu kế hoạch luân chuyển bác sĩ có khả thi không, khi mà các BV quận, huyện, TP cũng rơi vào tình trạng quá tải?

- Khi xây dựng kế hoạch, chúng tôi cũng đã khảo sát thực tế ở các BV. Thật ra, phần lớn sự quá tải ở các BV thường chỉ diễn ra ở phòng khám, vào buổi sáng. Đó là do thói quen của bệnh nhân, muốn được khám bệnh vào buổi sáng để về kịp tàu, xe; đồng thời, do cán bộ y tế hướng dẫn không rõ ràng nên bệnh nhân lầm tưởng các xét nghiệm đều phải làm vào buổi sáng mới cho kết quả chính xác. Những vấn đề này sẽ được nghiên cứu, chấn chỉnh để phân bổ lượng bệnh hợp lý hơn. Các BV quận, huyện, TP phải sắp xếp đội ngũ ở các khoa, phòng hợp lý để dôi dư ra nguồn bác sĩ đưa về trạm y tế.

Những bác sĩ của các BV, quận, huyện, TP nếu tình nguyện về xã công tác thì sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được ưu tiên xét cử đi học... Những bác sĩ mới tốt nghiệp tình nguyện về xã, phường, khi hết thời gian luân chuyển, sẽ được ưu tiên xem xét tuyển vào các BV tuyến trên. Trong thời gian luân chuyển đến trạm y tế công tác, các bác sĩ vẫn được hưởng mọi chế độ lương bổng, phụ cấp như ở đơn vị cũ; đồng thời, được hưởng thêm khoản phúc lợi ở đơn vị mới (nếu có) và được trợ cấp 400.000 đồng/tháng đối với bác sĩ về trạm y tế xã và 300.000 đồng/tháng đối với bác sĩ về trạm y tế phường, thị trấn. Trong kế hoạch luân chuyển bác sĩ về xã, phường, chúng tôi chú ý phân công địa bàn sao cho hợp lý, thuận lợi cho anh em. Chẳng hạn các bác sĩ ở Thốt Nốt đi Vĩnh Thạnh; bác sĩ ở Ô Môn tăng cường cho Cờ Đỏ; bác sĩ ở một số BV tuyến TP có thể về Bình Thủy, Phong Điền... Giám đốc các BV cũng đã đồng thuận với kế hoạch này của Sở Y tế và đã triển khai đến đội ngũ y bác sĩ.

*Tại Cần Thơ, đã có 2 BV ngoài công lập đi vào hoạt động. Bác sĩ đánh giá như thế nào về xu hướng xã hội hóa y tế?

- Xã hội hóa y tế là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế, góp phần giảm tải cho các BV công, đáp ứng yêu cầu dịch vụ chất lượng cao của một bộ phận dân cư có thu nhập khá... Sự xuất hiện của các BV ngoài công lập cũng là động lực để các BV công nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh. Hiện nay, ở Cần Thơ còn có một dự án xây dựng BV quốc tế 300 giường, 2 BV phụ sản và 1 BV mắt. Dự kiến đến năm 2010, TP sẽ có 3- 4 BV ngoài công lập và ít nhất 1 trung tâm chẩn đoán kỹ thuật cao.

Y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đang vận hành máy xét nghiệm. Ảnh: XUÂN ĐÀO

Sở Y tế TP Cần Thơ tạo mọi điều kiện và khuyến khích phát triển các BV đa khoa, chuyên khoa ngoài công lập tại TP và các phòng khám đa khoa ngoài công lập ở những nơi tập trung đông dân cư, các khu vực xa cơ sở y tế công lập. Khuyến khích phát triển các trung tâm tư vấn sức khỏe, phát triển mô hình “bác sĩ gia đình”, “chăm sóc sức khỏe tại nhà” để chia sẻ gánh nặng bệnh tật trong cộng đồng; đồng thời, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở y tế công và ngoài công lập trong khu vực phục vụ. Từng bước thực hiện khám chữa bệnh ngoài công lập theo bảo hiểm y tế để thuận tiện cho người dân.

*Xin cảm ơn bác sĩ và chúc ngành y tế TP Cần Thơ ngày càng nâng cao năng lực, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân!

SỸ HUIÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết