24/01/2017 - 18:06

Hương sắc Tết

Tết là thời điểm phim truyền hình được khán giả trông đợi, bởi phim Tết vui tươi, ấm áp với những câu chuyện ý nghĩa, nhân văn. Phim truyền hình Tết 2017 tiếp tục mang đến những câu chuyện đầy ắp tiếng cười, nhưng không kém phần sâu sắc về hương sắc Tết trong xã hội hiện đại.

Cười thoải mái

Tết này, khán giả có thể xem nhiều phim trên màn ảnh nhỏ: "Cô Thắm về làng phần 2" (HTV2), "Gia đình vui nhộn" (VTV3), "Cười 10 thang thuốc bổ" (VTV9), "Dưới bầu trời xa cách" (VTV1), "Mátxcơva- Mùa thay lá" (VTV1), "Vì em là dâu mới", "Món quà đầu năm" (HTV2), "Gia đình là số một" (HTV7), "Hương đồng nội" (THVL1)… Mỗi câu chuyện khai thác khía cạnh Tết khác nhau, nhưng gặp nhau ở những tiếng cười thoải mái, chan hòa tình thương.

Phim "Cô Thắm về làng phần 2".

"Cô Thắm về làng phần 2" tiếp tục kể chuyện tình của Thắm (Tường Vi) và Cần (Nhan Phúc Vinh), trong sự quan tâm của người thân, chòm xóm. Lại thêm sự xuất hiện của kẻ thứ ba là Duyên (Yaya Trương Nhi) và Chí (Hoàng Anh)- kẻ phá bĩnh, tạo nên cặp đôi chuyên gây rắc rối. Tiếng cười trong "Cô Thắm về làng phần 2" nhẹ nhàng, đến từ những tính cách kỳ lạ của các nhân vật. Đó là cặp đôi trẻ con Út Đượm- Út Kiệm, luôn gặp chuyện vì những hành động và suy nghĩ vô tư; cặp đôi Lý- Toán cãi nhau bởi những suy luận trên trời dưới đất; hay bà Tám xì tin, Sáu "hết sẩy" nhiều chuyện; Chín Pháo nổ hơn pháo… đã tạo nên tiếng cười tự nhiên, duyên dáng.

Phim "Hương đồng nội".

Cũng tạo nên tiếng cười rộn ràng, "Hương đồng nội" đưa người xem đến cuộc kén rể của ông Hai Lợi (Hoài Linh) cho ba cô con gái Lê, Đào, Mận. Với tính sĩ diện, thẳng thắn, lại cố chấp, keo kiệt, ông Hai Lợi đã gây nên nhiều tình huống trớ trêu, dở khóc dở cười cho ba cô con gái và những chàng rể.

Trong khi đó, "Gia đình vui nhộn"- Việt hóa từ "Home Improvement" của Mỹ, "Gia đình là số một"- Việt hóa từ "High Kick 1" của Hàn, hay "Cười 10 thang thuốc bổ"… là phim gia đình tình huống với tiếng cười ý nhị, để lại nhiều suy ngẫm, phê phán những thói hư tật xấu.

Ấm áp tình thân, tình người

Phim truyền hình Tết còn mang đến cho khán giả những câu chuyện yêu thương, ấm áp về tình thân, tình người. Những nét đặc trưng về phong tục, nếp sinh hoạt truyền thống được tái hiện sinh động. Ví như trong "Cô Thắm về làng phần 2", sau nhiều sóng gió, Thắm và Cần đến với nhau trong sự chúc phúc của người thân, lối xóm, bạn bè và cùng đón cái Tết ngập tràn yêu thương. Ông Hai Lợi của "Hương đồng nội" nhận ra những sai lầm để tác hợp tình yêu cho các con, gia đình cùng đón năm mới vui vẻ. Văn cũng có sự cảm thông, giúp Ngọc để cô cùng bà Tư có cái Tết ấm tình thân đúng nghĩa trong "Món quà đầu năm".

Với đề tài về cuộc sống của những người con xa xứ, "Dưới bầu trời xa cách", "Mátxcơva- Mùa thay lá" mang đến cho người xem câu chuyện đầy cảm xúc về những người con luôn hướng về cội nguồn. Trong ký ức của họ, khoảnh khắc đón giao thừa cùng người thân, người yêu là những giây phút hết sức thiêng liêng và hạnh phúc.

Trong khi đó, "Vì em là dâu mới" kể về những nàng dâu mới về ăn Tết ở nhà chồng. Phim không chỉ mang đến cho người xem những tình huống trớ trêu của hai nàng dâu hiện đại Trang và Phương khi về quê chồng ăn Tết, mà còn mang đến thông điệp ý nghĩa: Tết là dịp đoàn tụ, những người con nên sum vầy, đón năm mới bên người thân.

***

Phim truyền hình Tết không quá dài (ngoại trừ phim tình huống). Ngoài tiếng cười, khán giả có thể nhận ra nhiều giá trị ý nghĩa về truyền thống, tình người, giúp phim Tết trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu.

Bảo Lam

Chia sẻ bài viết