09/02/2013 - 16:18

Hương hoa Đô Thành

THANH THƯ

Đang tất bật chuẩn bị hoa kiểng bán vào dịp Tết Quý Tỵ, nhiều bà con ở làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ (quận Bình Thủy) càng phấn chấn khi nghe tin sắp tới thành phố sẽ đầu tư phát triển nghề trồng hoa kiểng. Tin vui đó xuất phát từ việc UBND TP Cần Thơ vừa ký Quyết định số 2231/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Cần Thơ giai đoạn 2012 - 2020, với tổng mức đầu tư 338 tỉ đồng, trong đó có đầu tư phát triển nghề trồng hoa kiểng trên địa bàn thành phố. Nhiều hộ trồng hoa kiểng lâu năm khấp khởi kỳ vọng, ấp ủ chuyện làm ăn lớn…

Làm giàu từ bonsai

Chú Đoàn Hữu Bốn trồng thành công các giống hoa ôn đới nhờ vào hệ thống nhà lưới. Ảnh: THANH THƯ

Đến vườn Bonsai Trực tại khu vực Qui Thạnh 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hàng trăm cây bonsai cổ thụ do nghệ nhân Đỗ Nam Trực dày công chăm sóc. Trong số đó, anh Trực tâm đắc nhất là tác phẩm "Vui xuân" - cây sanh có bộ rễ uốn lượn độc đáo, giống hình dáng con kỳ lân đang nhảy múa đón lộc xuân. Theo anh Trực, để có một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi người trồng kiểng phải có sự đam mê và sáng tạo. Nhiều năm trở lại đây, các tác phẩm của anh được trưng bày trong các hội thi cây cảnh luôn làm mê lòng người thưởng lãm. Tác phẩm cây kim quýt trăm năm tuổi có hình dáng một con voi chồm về phía trước hết sức độc đáo, đã đoạt huy chương vàng trong "Hội thi sinh vật cảnh Đồng bằng sông Cửu Long"... "Nghệ thuật tạo dáng cây cảnh giúp tôi giải tỏa mọi áp lực tinh thần, thấy thêm yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Đó là một cuộc dấn thân khá gập ghềnh và đầy chông gai nhưng luôn thú vị, mới mẻ…"- Nghệ nhân Đỗ Nam Trực tâm sự.

Năm 1992, tốt nghiệp Cử nhân Mỹ thuật, anh Trực về công tác tại Trung tâm Văn hóa huyện Thốt Nốt (nay là quận Thốt Nốt). Thời gian đó, anh bắt đầu tập tành chơi cây kiểng. Anh tìm mua những cây cần thăng, mai vàng giá khoảng 15 ngàn đồng/cây đem về chăm sóc, tạo dáng rồi bán lại với giá 100.000 đồng/cây.Khi có số vốn kha khá, anh Trực tìm mua những cây kiểng có giá trị về chăm sóc, tạo dáng. Từ năm 2002, anh Trực chính thức góp mặt vào giới kinh doanh cây kiểng chuyên nghiệp. Hàng năm, vườn bonsai 4.000m2 đa chủng loại này đã mang lại cho anh Trực thu nhập trên 1 tỉ đồng. Hiện anh Trực sở hữu hơn 300 cây kiểng cổ xưa, có cây tuổi đời trên trăm năm như: vạn niên tùng, cây sanh, mai chiếu thủy, kim quýt, cần thăng, mai vàng…Trong đó, có 2 cây vạn niên tùng trên 200 tuổi, dáng trực, cao khoảng 7m, hoành 1,1m trị giá trên 1,5 tỉ đồng.

Để đưa nghề cây kiểng - Bonsai phát triển, anh Trực đã đào tạo một lớp kế thừa gồm 20 thanh niên yêu công việc chỉnh sửa cây kiểng. Tương lai không xa, vườn Bonsai Trực sẽ mở rộng mạng lưới trồng cây kiểng, phân phối đến một số thành phố lớn như: TPHCM, Huế, Hà Nội…; đồng thời, phát triển dịch vụ "Thiết kế hệ thống cây cảnh sân vườn" cho các khuôn viên, biệt thự trên cả nước.

Hoa lan khoe sắc

Anh Đỗ Nam Trực tâm đắc trước gốc cây sanh trị giá trên 400 triệu đồng. Ảnh: THANH THƯ

Vườn lan Giàu Lan tọa lạc tại phường Phước Thới, quận Ô Môn vào những ngày cuối năm tấp nập khách ra vào. Khoảng không gian 3.000m2 được phủ kín bởi hơn hàng ngàn giò lan nhiều chủng loại đang thi nhau khoe sắc. Anh Bùi Văn Giàu - quản lý vườn Giàu Lan, tất bật tới lui hướng dẫn khách chọn hoa. Anh Giàu là một điển hình vươn lên làm giàu từ nghề trồng lan. Do gia cảnh khó khăn nên anh Giàu nghỉ học, xin vào làm công tại một vườn lan ở Ô Môn từ năm 15 tuổi. Sau 8 năm gắn bó với công việc chăm sóc hoa lan, anh Giàu không chỉ yêu thích lan mà còn nhận thấy đây là một nghề có thể mang lại cuộc sống ổn định. Ước mơ về một vườn lan cho riêng mình nhen nhóm trong lòng…Năm 2009, từ số tiền dành dụm anh Giàu quyết định thuê 500m2 đất ở phường Phước Thới (nằm dọc quốc lộ 91) để mở vườn lan. Công việc kinh doanh thuận lợi nên sau hai năm anh Giàu thuê thêm đất mở rộng diện tích vườn. Để vườn lan thêm phong phú và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, anh Giàu thường vượt hàng trăm cây số đến Tiền Giang, TPHCM để mua thêm nhiều giống lan mới.

Gắn bó với vườn Giàu Lan được 3 năm, anh Giàu sang lại vườn Giàu Lan cho một người thân rồi về phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng mở vườn lan mới. Vừa làm chủ vườn lan tại phường Hưng Thạnh vừa kiêm luôn công việc quản lý vườn Giàu Lan ở phường Phước Thới nên anh Giàu khá bận rộn. Anh tâm sự: "Ngoài việc kinh doanh, tôi vẫn muốn tự tay chăm chút hoa lan, cũng là cách nuôi dưỡng tâm hồn mình. Ngắm những cánh hoa lan khoe sắc tôi cảm nhận được cuộc sống thật trong trẻo, tươi mới…". Hiện tại, vườn Giàu Lan mới mở ở phường Hưng Thạnh cũng khá thu hút khách, thu nhập không dưới 10 triệu đồng/tháng.

Tết năm nay, dự đoán số lượng lan tại các vườn "cung không đủ cầu" nên anh Giàu quyết định nhập thêm khoảng 2.000 giò lan Hồ điệp, Dendro, Mokara, Vanda… Anh cũng đang sưu tầm nhiều giống lan quý hiếm như Kiếm Tử Lan, Kim Điệp, Giáng Hương… để tạo sự đa dạng phong phú cho vườn lan và đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khách.

Xu thế phát triển mạnh của nghề trồng lan trên địa bàn quận Ô Môn sớm được chính quyền địa phương nhận thấy và tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô. Ông Trương Hoàng Phương, Trưởng Phòng Kinh tế quận Ô Môn, cho biết: Phòng Kinh tế quận sẽ rà soát lại các mô hình làm ăn có hiệu quả, phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn, phổ biến kỹ thuật, phương pháp ứng dụng khoa học công nghệ cao cho những hộ muốn phát triển nghề trồng lan. Quận cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ở TPHCM, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ nghiên cứu về việc sử dụng phân sinh học vô cơ, nhằm giúp cho người trồng lan giảm chi phí sản xuất, đảm bảo được môi trường sinh thái…

Hướng tới cạnh tranh à xuất khẩu…

Làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ thuộc 2 phường Long Hòa và Long Tuyền, quận Bình Thủy hiện là nơi có số hộ trồng hoa kiểng nhiều nhất ở Cần Thơ. Làng hoa này có diện tích hơn 18,6ha với 236 hộ tham gia, nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ông Đoàn Hữu Bốn, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Bình An, kiêm Phó Chủ nhiệm làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ, phấn khởi cho biết: "Từ tháng 4-2011, khu vực này được UBND thành phố công nhận làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ, chúng tôi đang cố gắng để có thể sánh vai với các làng hoa nổi tiếng trên cả nước".

Theo Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Cần Thơ giai đoạn 2012 - 2020 vừa được UBND TP phê duyệt, thành phố sẽ quy hoạch, hình thành 6 vùng sản xuất hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao tại quận Bình Thủy và huyện Phong Điền, đồng thời tập huấn, chuyển giao quy trình trồng rau, hoa trên sân thượng cho các hộ ở nội ô thành phố. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố, cho biết: Sở NN&PTNT chỉ đạo các ngành, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong việc nhân giống hoa cây kiểng mới, sạch bệnh, phù hợp với điều kiện của thành phố và thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, tăng cường hợp tác với các nghệ nhân, đơn vị sản xuất kinh doanh hoa kiểng trong và ngoài thành phố để chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa kiểng, tạo dáng bonsai… cho các hộ tham gia sản xuất hoa kiểng. Những nỗ lực này nhằm giúp các hộ trồng hoa kiểng nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị.

Nghề trồng hoa kiểng ở Phó Thọ - Bà Bộ xuất phát từ một số gia đình có truyền thống trồng hoa kiểng để bán vào dịp Tết. Nhận thấy nghề này có thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập khá nên nhiều nông hộ cũng chuyển sang trồng hoa kiểng với diện tích lớn. Từ năm 2008, HTX hoa kiểng Bình An được thành lập, quy tụ nhiều hộ trồng hoa lâu năm tham gia. Hiện nay, bà con ở làng hoa này cung ứng các hoa kiểng như: vạn thọ, cúc, cát tường, hướng dương, nguyệt quế, mai vàng,…

Đầu năm 2012, ông Bốn và các thành viên trong HTX được UBND quận Bình Thủy tạo điều kiện cho đi tham quan một số mô hình trồng hoa kiểng nổi tiếng ở Đà Lạt, TPHCM để học hỏi kinh nghiệm. Tháng 7-2012, ông Bốn đầu tư làm nhà lưới, nhập các giống hoa ôn đới trồng thí nghiệm. Đến nay, các loại hoa như cúc đồng tiền, lan lan và cát tường… phát triển xanh tốt. Ông cũng trồng thêm 6.000 giỏ hoa các loại để bán trong dịp Tết Quý Tỵ, trong đó, có một số loại mới như: hoàng lan, cẩm quỳ, bách hợp… Theo ông Bốn, nếu thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định thì Tết này gia đình ông thu về không dưới 300 triệu đồng…

Để tiếp sức cho làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ phát triển, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó phòng Kinh tế quận Bình Thủy, cho biết: Cuối năm 2012, UBND quận phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đầu tư xây dựng "vườn ươm" tại làng hoa này với kinh phí 586 triệu đồng. Khi "vườn ươm" này hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ cung cấp khoảng 100.000 cây giống các loại, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng thêm thu nhập cho các hộ trồng hoa kiểng.

Thú chơi hoa và cây kiểng vào dịp Tết đã trở thành một nét đẹp gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện sự tinh tế của tâm hồn người Việt. Trong không khí giao hòa, ấm áp của những ngày giáp Tết nhìn các hộ dân ở làng hoa kiểng Phó Thọ- Bà Bộ rộn ràng chăm chút cho từng chậu kiểng, nhành mai… cảm nhận được nghề trồng hoa kiểng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần điểm tô cho thành phố thêm sắc xuân.

Chia sẻ bài viết