24/10/2012 - 20:28

Hướng đi nào cho ngành cơ khí?

Hoạt động sản xuất tại DNTN Trí Tuệ, Khu Công nghiệp Cái Sơn Hàng Bàng (quận Ninh Kiều,
TP Cần Thơ).

Thiếu lao động lành nghề, vốn đầu tư hạn hẹp, cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cơ khí nhập khẩu… là những khó khăn ngành cơ khí Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đang phải đối đầu. Giải pháp nào để vực dậy ngành cơ khí được các chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp (DN) tập trung đề xuất tại Hội Thảo "Xây dựng các giải pháp và chính sách phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm của TP Cần Thơ" vừa được Sở Công thương TP Cần Thơ tổ chức.

* Khó phát triển…

Thời gian qua, ngành cơ khí TP Cần Thơ nói riêng và các tỉnh vùng ĐBSCL đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều DN cơ khí được thành lập, duy trì được nhịp độ sản xuất ổn định. Tuy nhiên, do vướng phải không ít khó khăn khiến sự phát triển của ngành cơ khí chưa đạt yêu cầu đặt ra. Ngành công thương thành phố nhận định: Mặc dù công nghệ chế tạo cơ khí có bước cải tiến nhưng tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo đơn giản, chưa tạo được bước đột phá trong phát triển sản phẩm cơ khí, đặc biệt là sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Thực tế cho thấy, mặc dù TP Cần Thơ đã hình thành một số chuyên ngành về cơ khí (nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản…) nhưng đa số sản phẩm cơ khí của các DN vẫn chủ yếu là hàng gia công, có giá trị kinh tế thấp, chưa hình thành được ngành cơ khí trọng điểm, mũi nhọn.

Theo phản ánh từ phía DN, đặc thù của ngành cơ khí đòi hỏi vốn đầu tư lớn, tuy nhiên khả năng thu hồi vốn chậm, lợi nhuận thấp và thị trường khó tính. Quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, sản phẩm cơ khí trong nước phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cơ khí của các nước phát triển… Trong khi đó, phần lớn các DN chưa trang bị đồng bộ dây chuyền tiên tiến, quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ, manh mún... mà nguyên nhân chính là do thiếu vốn đầu tư. Ông Hồ Bá Tam, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí điện máy Cần Thơ, chia sẻ: "Mặc dù Nhà nước đã đề ra một số chính sách hỗ trợ phát triển ngành cơ khí, tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa tiếp cận các chính sách ưu đãi. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, DN phải tự "chèo chống" là chính. Trước đây, công ty chủ yếu kinh doanh các sản phẩm phục vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh ngày một lớn, thị trường ngày càng thu hẹp buộc công ty phải chuyển sang kinh doanh các loại phụ tùng phục vụ xây dựng giao thông". Song song đó, tình trạng quản lý ngành cơ khí bị chia cắt (DN cơ khí Trung ương, DN cơ khí địa phương; cơ khí thuộc ngành nông nghiệp, cơ khí thuộc ngành xây dựng…) làm liên kết giữa các DN trở nên lỏng lẻo. Đây là nguyên nhân khiến ngành cơ khí chưa phát huy hết năng lực và tận dụng cơ hội để phát triển...

* Cần chiến lược dài hơi

Trước những khó khăn của ngành cơ khí, ông Võ Minh Trí, Trưởng Bộ môn Tự động hóa, Khoa Công nghệ Trường Đại học Cần Thơ, kiến nghị: Trong điều kiện nguồn tài chính còn hạn hẹp, chính sách vay vốn, phát triển khoa học công nghệ cần tập trung vào một số dự án, nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm mang lại hiệu quả. Phát triển ngành cơ khí rất cần một chính sách xây dựng và phát triển thị trường ổn định theo từng giai đoạn với sự chung tay của cả DN và Nhà nước. Để làm được điều này, TP Cần Thơ cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ về vốn để DN đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí, góp phần nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, tăng khả năng tiêu thụ đối với các sản phẩm cơ khí trong nước.

Song song đó, để nâng cao năng lực cho DN cơ khí, việc cần thiết là tập trung phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng được nhu cầu hoạt động từ phía DN. "Để tránh tình trạng sinh viên bỡ ngỡ khi làm việc tại DN, các trường cần liên kết đào tạo với DN. Coi DN là một xưởng đào tạo, nơi sinh viên thực hành, tiếp xúc trực tiếp với quy trình sản xuất ra sản phẩm cơ khí. Muốn là một kỹ sư, một nhà quản lý giỏi, trước hết sinh viên phải là một công nhân lành nghề"- ông Tăng Hồng, Chủ tịch Hội Cơ khí và đúc luyện kim TP Cần Thơ, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, phân tích. Theo ông Hoàng Bắc Quốc, Trưởng Bộ môn Cơ điện nông nghiệp, Viện lúa ĐBSCL, để ngành cơ khí có thể tồn tại và phát triển, trước hết cơ sở hạ tầng phải hoàn thiện. "Chỉ đề cập đến việc nhập nguyên vật liệu vào nhà máy và xuất sản phẩm ra khỏi nhà máy thì hệ thống cầu, đường và bến cảng phải được đầu tư đồng bộ. Bài học cho thành phố, khi đầu tư xây dựng khu công nghiệp Trà Nóc, cầu Sang Trắng và Trà Nóc không đáp ứng được các xe có tải trọng tải từ 20-30 tấn. Do vậy, việc phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm bắt buộc thành phố phải có những giải pháp hỗ trợ về cơ sở hạ tầng"- ông Hoàng Bắc Quốc, bày tỏ.

Theo Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, TP Cần Thơ phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020… Muốn vậy, ngành cơ khí phải đi trước một bước với định hướng phát triển một số chuyên ngành và sản phẩm cơ khí trọng điểm. Tại Hội thảo "Xây dựng các giải pháp và chính sách phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm của TP Cần Thơ", nhiều ý kiến cho rằng, ngành cơ khí khó có thể tăng trưởng nếu Nhà nước không kịp thời đưa ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ DN tháo gỡ những khó khăn. Về mặt quản lý, phải coi cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, từng bước hoàn thiện hệ thống, thể chế kinh tế thị trường nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư vào ngành cơ khí. Song song với việc thu hút đầu tư mới, cần quan tâm đầu tư theo chiều sâu, phát huy năng lực sản xuất hiện có để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; tiếp sức để DN xây dựng và phát triển thương hiệu… Đây là điểm then chốt để vực dậy, đưa ngành cơ khí trở thành ngành có đóng góp quan trọng vào sự phát triển phát triển kinh tế-xã hội chung của thành phố…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Hoạt động sản xuất tại DNTN Trí Tuệ, Khu Công nghiệp Cái Sơn Hàng Bàng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

Chia sẻ bài viết