09/05/2018 - 09:42

Hướng đi nào cho bóng đá trẻ Cần Thơ?
Bài 2: Những cuộc cải tổ 

Loay hoay tìm mô hình phát triển bóng đá trẻ, từ năm 2010 đến nay, Cần Thơ đã 3 lần thay đổi, chuyển đổi hệ thống đào tạo bóng đá, nhưng chưa tìm được lối ra...

Năm 2012, khi Cần Thơ tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VII, các đội bóng học sinh được chuẩn bị khá tốt với sự đầu tư từ vài năm trước đó. Thực chất, các đội học sinh này là lứa năng khiếu bóng đá Cần Thơ được chuẩn bị cho việc thành lập Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục Thể thao (TDTT) vào năm 2010, từ tiền thân là Trường Nghiệp vụ TDTT. Thời điểm này, các đội bóng đá năng khiếu (từ U17 trở xuống) do trường quản lý, các đội trẻ (U19 và U21) thuộc CLB Bóng đá Cần Thơ.

Các cầu thủ năng khiếu Cần Thơ giao lưu với cầu thủ Avispa Fukuoka của Nhật Bản năm 2016, một trong những dịp hiếm hoi “mục thị” cách tập luyện của người Nhật. 

Dồn toàn lực đào tạo nhằm mục tiêu giành HCV tại HKPĐ, nhưng cả 4 đội tuyển bóng đá học sinh (nam tiểu học, nam THCS, nam THPT và nữ THPT) đều dừng bước ở bán kết. Cùng với đó là các đội trẻ của Cần Thơ do CLB Bóng đá Cần Thơ quản lý liên tục thất bại ở vòng loại các giải vô địch quốc gia. Ngoại trừ năm 2009, đội U21 Cần Thơ suýt giành vé dự vòng chung kết (với lứa cầu thủ hiện còn vài người thi đấu tại V.League như Phương Tâm, Văn Quân, Kiếm Linh…) những cầu thủ sau này hầu như không đạt được thành tựu đáng kể nào. Cùng thời gian này, ở ĐBSCL, ngoài bóng đá Đồng Tháp và Long An phát triển mạnh với nhiều cầu thủ thi đấu tại V.League; thì An Giang, Kiên Giang cũng dần qua mặt Cần Thơ khi có đội bóng lên chơi V.League.

Vì vậy, sau HKPĐ năm 2012, đã diễn ra hàng loạt cuộc họp, hội nghị tìm cách đưa bóng đá trẻ trở lại quỹ đạo phát triển. Nhiều chuyên gia phân tích nguyên nhân thất bại của bóng đá trẻ Cần Thơ, trong đó chỉ ra sự phân chia lớp năng khiếu và tuyến trẻ ở 2 đơn vị quản lý là nguyên nhân chính. Tháng 9-2013, tuyến năng khiếu và trẻ được chuyển về Trung tâm TDTT TP Cần Thơ. Cách hợp nhất này nảy sinh vấn đề khi trung tâm không có nguồn kinh phí cho các đội năng khiếu. Điều này khiến công tác đào tạo bị trì trệ, sau đó mới có cơ chế dành riêng 5 tỉ đồng mỗi năm cho các tuyến đội bóng đá trẻ.

Khi bàn giao về Trung tâm TDTT, đội U15 và U17 của Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT có 19 cầu thủ và đội U19, U21 của CLB Bóng đá Cần Thơ có 25 cầu thủ. Tuy nhiên, hầu hết lực lượng này đều bị đào thải sau các cuộc kiểm tra. Thậm chí, khi Cần Thơ chuẩn bị làm chủ nhà Vòng chung kết U21 quốc gia năm 2014, thì đội chủ nhà chỉ còn lại 2 cầu thủ từng tập luyện tại Cần Thơ và phải nhận lãnh thất bại. Sau đó, các kế hoạch chấn hưng bóng đá Cần Thơ tiếp tục không đạt mục tiêu, dù Trung tâm TDTT TP Cần Thơ đã thành lập Phòng Đào tạo Bóng đá chịu trách nhiệm tất cả các hoạt động tập luyện, kiểm tra, tuyển chọn cầu thủ... Thế nhưng, đến nay, hệ thống bóng đá trẻ Cần Thơ vẫn chưa hoạt động ổn định và chưa thể có cầu thủ cung cấp cho đội một - mà lứa cầu thủ Bùi Hữu Hậu, Nguyễn Hoàng Kha ( đã đề cập trong bài 1) là điển hình.

Mới đây, ngành thể thao Cần Thơ tiếp tục cơ cấu lại công tác đào tạo bóng đá trẻ khi giải tán Phòng Đào tạo Bóng đá, chuyển thành một bộ môn của Trung tâm TDTT TP Cần Thơ. Phát biểu trong một cuộc họp tìm phương án phát triển bóng đá Cần Thơ, ông Hứa Tấn Bảo - Phó Phòng Thể thao thành tích cao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhìn nhận: “Hiện nay thiếu HLV giỏi để tìm ra cầu thủ tiềm năng”. Trong khi đó, ông Trần Minh Tâm, Chủ tịch CLB Bóng đá Cần Thơ, cho rằng: “Sau khi tìm hiểu mô hình đào tạo bóng đá ở nhiều nơi, nhìn lại Cần Thơ còn thiếu nhiều mặt, mà quan trọng nhất là thượng tầng. Chúng ta cần có một giám đốc kỹ thuật hoạch định chiến lược phát triển chung hệ thống từ dưới lên trên và lực lượng HLV sát sao với công việc”.

Về vấn đề này, ông Trần Việt Phường - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “HLV Đinh Hồng Vinh đang phụ trách đội XSKT Cần Thơ, thì nên cử vị HLV này điều hành, đẩy mạnh bóng đá trẻ. Ngành thể thao Cần Thơ cũng thành lập ban chỉ đạo để huy động mọi nguồn lực để phát triển bóng đá”. HLV Đinh Hồng Vinh cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sẽ rà soát lại lực lượng cầu thủ trong mùa hè này, đánh giá khả năng, hoặc cho phép chuyển trường tiếp tục học vấn. Hiện lực lượng đội U15 đã ổn định, nhưng U17 có nhiều lứa tuổi khác nhau cần rà soát lại để tuyển chọn bổ sung theo chương trình huấn luyện mới. Với kinh nghiệm 10 năm đào tạo trẻ tại HAGL, tôi đã rút kết ra một chương trình riêng cho bóng đá Cần Thơ”. Về lâu dài, theo HLV Đinh Hồng Vinh, Cần Thơ cần xác định phát triển bóng đá trẻ theo mô hình CLB hay công ty cổ phần... để tập trung phát triển đúng hướng.

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết