15/12/2009 - 20:34

GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM NĂM 2009

Hướng đến mục tiêu chất lượng bền vững

Cơ sở gia công lưỡi câu ở phường Ba Láng, quận Cái Răng có nguồn hàng thường xuyên, đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thanh niên tại địa phương.

Trong năm 2009, nhờ tăng cường các giải pháp hỗ trợ thiết thực, như: dạy nghề, cho vay vốn, giới thiệu việc làm cho lao động, các quận, huyện chủ động tổ chức và duy trì khá tốt các hoạt động giải quyết việc làm (GQVL). Đến nay, TP Cần Thơ đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu GQVL cho 46.000 lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo, nâng số lao động có việc làm ổn định từng năm, cải thiện đáng kể thu nhập gia đình.

* Tạo nhiều việc làm

Sau giờ nghỉ trưa, nhân công của cơ sở gia công lưỡi câu, ở khu vực 3, phường Ba Láng, quận Cái Răng tiếp tục làm việc để kịp giao đợt hàng cho ngày hôm sau. Không khí làm việc khá khẩn trương, những chiếc lưỡi câu đủ các kích cỡ được thành hình dưới những đôi tay khéo léo, tỉ mỉ. Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ cơ sở gia công lưỡi câu này cho biết: “Thời gian trước, tôi làm ở TP Hồ Chí Minh, sau dời về nhà mở cơ sở khoảng 6 tháng nay, nhờ đó giảm chi phí sản xuất và tạo việc làm cho người dân địa phương. Ngoài việc đảm bảo được nguồn hàng thường xuyên, nhân công của cơ sở có việc làm và thu nhập ổn định, khoảng trên 2 triệu đồng/tháng/người cũng góp phần đào tạo nghề cho lao động, bởi nghề này dễ học, chỉ cần người lao động tỉ mỉ, chịu khó theo nghề là được”. Hiện nay, cơ sở có trên 10 lao động gia công. Bạn Tô Văn Khánh, ở khu vực 3, đang làm việc cho cơ sở, hiện có thu nhập khoảng 60.000 đồng/ngày, cho biết: “Trước đây, tôi phụ hồ cho các công trình xây dựng, thu nhập hàng ngày có cao hơn nhưng công việc không đều và cực hơn làm nghề này. Tôi học việc trong 3 tháng và làm ở cơ sở cho đến nay”.

Đây là một trong nhiều mô hình GQVL tại chỗ cho lao động các phường ở quận Cái Răng được duy trì trong thời gian qua. Bà Nguyễn Ánh Lê, Phó phòng LĐ-TB&XH quận Cái Răng, cho biết: “Các phường luôn phát huy thế mạnh của mình trong GQVL cho người lao động, trong đó có việc kết hợp với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm, cho vay vốn tạo việc làm tại chỗ, góp phần hoàn thành chỉ tiêu GQVL của quận”. Năm 2009, toàn quận Cái Răng có 4.150 lao động có việc làm, gần 300 lao động có việc làm tại địa phương thông qua 148 dự án vay vốn, với số tiền trên 1,9 tỉ đồng. Quận Ô Môn cũng GQVL cho 6.510 lao động, 392 lao động có việc làm nhờ vay trên 1,9 tỉ đồng vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội...

Thời điểm này, Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành đang tập trung lực lượng công nhân cho đợt sản xuất hàng trước và sau Tết. Do ổn định đơn hàng xuất khẩu, tốc độ sản xuất của Công ty vẫn tiếp tục duy trì. Thu nhập hàng tháng của công nhân khá ổn định (bình quân 1,5 triệu đồng/tháng/người) nên lực lượng ít biến động. Ông Huỳnh Việt Quang, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chánh Công ty, cho biết: “Trong năm, số công nhân dao động khoảng 400 người, trong đó , có trên 20 lao động học việc, được hướng dẫn kỹ thuật may công đoạn, sẵn sàng bố trí vào các chuyền may khi cần thiết. Công ty còn kết hợp với các địa phương ở TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang mở lớp đào tạo nghề may công nghiệp và thu nhận lao động thường xuyên”.

Thời điểm cuối năm, nhân viên tư vấn việc làm ở Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Thanh niên khá bận rộn. So với các tháng trước, lao động khá đông và nhiều nhất vẫn là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp. Bạn Hồ Ngọc Lợi, quê ở Hậu Giang, vừa tốt nghiệp Cao đẳng ngành Tin học được giới thiệu dự tuyển nhân viên kỹ thuật cho Công ty Gentraco và Công ty Quảng cáo Nam Việt, cho biết: “Vừa ra trường có việc làm ngay là vui rồi, em có thể tự lo cho bản thân, không còn phải sống nhờ vào gia đình. Ba mẹ biết em tìm được việc làm sẽ vui lắm!”.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ đã giới thiệu cho 4.379 lao động có việc làm trong tổng số trên 12.000 lượt lao động đến tư vấn, tìm việc. Trong năm, Trung tâm tiếp nhận trên 4.000 đơn đặt hàng tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố. Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm, nói: “Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp rất đa dạng và phong phú, người lao động có nhiều cơ hội tìm việc, nhưng đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng hay không lại là việc khác. Đã qua rồi thời kỳ tuyển dụng dựa trên bằng cấp, hiện nay năng lực và khả năng thích nghi với công việc của người lao động là yếu tố tiên quyết”. Mặc dù, Trung tâm vượt chỉ tiêu giới thiệc việc làm hàng năm (4.000 lao động), nhưng chỉ mới đáp ứng 40% nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, riêng lao động phổ thông chỉ đáp ứng khoảng 10%.

* Nâng cao chất lượng công tác GQVL

Năm 2009, các ngành, đơn vị chức năng từ thành phố đến quận, huyện đều xác định GQVL là một trong những công tác trọng tâm, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố. Từ đó, đời sống kinh tế của gia đình từng bước được nâng lên. Ngoài những hoạt động thường xuyên như: Dạy nghề cho trên 3.510 lao động, cho vay trên 16 tỉ đồng vốn làm ăn cho gần 6.000 lao động, giới thiệu hàng ngàn lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp... thời gian qua, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động trọng tâm, như: Sàn giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng, Tuần lễ việc làm Thanh niên, Ngày hội tuyển dụng sinh viên, ký kết hợp đồng dạy nghề và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, điều tra, khảo sát lao động trong độ tuổi tại các địa phương ...

GQVL cho 46.000 lao động là kết quả sự nỗ lực của các ngành, các cấp, đoàn thể chức năng trong chủ động tạo việc làm cho lao động địa phương. Ngoài việc tạo điều kiện về hồ sơ, thủ tục giúp người lao động tìm việc làm, các địa phương còn tăng cường công tác cho vay vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm. Thông qua các hoạt động GQVL, người lao động đã tiếp cận, làm quen dần với các hình thức, tiêu chuẩn tuyển dụng phổ biến. Từ đó, người lao động định hướng việc làm và tự bổ sung cho mình những tiêu chuẩn nhà tuyển dụng cần. Theo xu thế phát triển của xã hội công nghiệp, GQVL phải đặt trên nền tảng chất lượng lao động, đã đến lúc không thể dựa trên số lượng mà phải trên cơ sở chất lượng để đánh giá hiệu quả GQVL. Các địa phương cần thống kê, kiểm tra số lao động ở địa phương về việc làm, thu nhập để nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người lao động để kịp thời hỗ trợ. Ngoài ra, cần phải thấy hiện nay, việc tuyển dụng lao động phổ thông đang gặp khó khăn, do nhận thức về việc làm ổn định, lâu dài của người lao động còn nhiều hạn chế.

Theo các đơn vị chức năng, chất lượng lao động thể hiện qua trình độ học vấn, chuyên môn, tay nghề phải đi kèm với sự năng động, kỷ luật, tác phong chuyên nghiệp, sự cầu tiến, làm việc có trách nhiệm và lâu dài. Nếu như vài năm trước đây, nhà tuyển dụng không đặt nặng trình độ ngoại ngữ, vi tính và cách vận dụng để xử lý thực tế công việc thì hiện nay đây là những tiêu chuẩn không thể thiếu. Ông Nguyễn Quốc Vững cho rằng, người lao động cần rèn tính nhanh nhạy, tự tin và mạnh dạn nhận việc để trải nghiệm, đừng quá chú trọng vấn đề tiền lương, ưu đãi. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần có cách quản lý chuyên nghiệp hơn, thực hiện đúng các chế độ, chính sách, tạo môi trường làm việc thoải mái để người lao động phát huy và vận dụng khả năng chuyên môn vào công việc, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Trong năm 2010, thành phố sẽ xây dựng và triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để tiếp tục góp phần GQVL hiệu quả cho nhiều lao động, với nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mặt khác, khi Đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn” giai đoạn 2011-2020 được triển khai, thành phố sẽ có thêm hàng ngàn lao động được trang bị tay nghề, có việc làm mỗi năm. TP Cần Thơ đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch GQVL năm 2009 và tiếp tục hoạch định những hoạt động trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các ngành chức năng không thể không trăn trở phải làm gì để nâng cao chất lượng nguồn lao động ngang tầm với số lượng GQVL hàng năm, đào tạo đội ngũ lao động thật sự “tinh”, đáp ứng yêu cầu của thành phố công nghiệp. Vì vậy, cần có những động thái, giải pháp đồng bộ để ngày càng nâng cao chất lượng công tác GQVL, tạo thêm việc làm, giảm thiểu tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết