06/11/2018 - 21:05

Hướng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng 

Xác định vị trí, vai trò của cạnh tranh trong phát triển kinh tế, tháng 6-2018, Quốc hội thống nhất thông qua Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14. Theo đó, Luật Cạnh tranh 2018 sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật Cạnh tranh hiện hành, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường cạnh tranh; hoạt động cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Qua đó tăng cường hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.

Cạnh tranh công bằng, bình đẳng sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.

Theo ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, sự gia tăng nhanh chóng số lượng doanh nghiệp thành lập mới thời gian qua dẫn đến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng cao trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, phương thức kinh doanh. “Việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đã đem lại những tác động tích cực cho xã hội mà đối tượng được hưởng lợi trên hết là người tiêu dùng do thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, nó cũng đem lại nhiều vấn đề không mong muốn như: các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, quảng cáo không đúng sự thật, quảng cáo theo kiểu công kích đối thủ… Các hành vi này nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng và sự phát triển chung của cả nền kinh tế”- ông Phạm Việt Bắc nói.

Từ thực tế này, để giải quyết tốt mối quan hệ cạnh tranh giữa các chủ thể trong thời kỳ mới, đặc biệt là trong thời đại Internet và công nghiệp 4.0 như hiện nay, Luật Cạnh tranh 2018 có những điểm sửa đổi và đổi mới theo hướng đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển chung của Luật Cạnh tranh thế giới. Trong đó, có những điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng như: mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; sửa đổi và bổ sung hành vi cấm đối với cơ quan Nhà nước; bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể làm cơ sở xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, độc quyền; hoàn thiện quy định kiểm soát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh...

Mới đây, tại buổi Tọa đàm “Một số quy định mới của Luật Cạnh tranh năm 2018 trong lĩnh vực hạn chế cạnh tranh” do Hội đồng Cạnh tranh phối hợp với Sở Công thương TP Cần Thơ tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, những vụ việc liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh (gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền) thời gian qua có xu hướng tăng đã làm suy giảm tính cạnh tranh của thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp muốn giảm áp lực cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận trong ngắn hạn nên đã tìm cách câu kết với nhau để thống nhất về giá bán, sản lượng cung ứng thông qua việc xác lập thỏa thuận ấn định giá cả hoặc sản lượng… Ngoài ra, những doanh nghiệp trải qua quá trình cạnh tranh và có được vị trí quan trọng, chiếm thị phần lớn trên thị trường lại cố tình “đặt ra luật chơi” để thống lĩnh, độc quyền thị trường. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước nói riêng và môi trường cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Để khắc phục tồn tại nói trên, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh 2018 đề cập rất rõ về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và chính sách khoan hồng.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh văn phòng Hội đồng cạnh tranh, nhấn mạnh: “Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, chương trình khoan hồng là một công cụ hữu hiệu nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về cạnh tranh. Về bản chất, chính sách khoan hồng tạo cơ chế cho các doanh nghiệp tham gia vào thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và cá nhân liên quan chủ động khai báo, cung cấp thông tin và giao nộp các chứng cứ cho cơ quan cạnh tranh. Đổi lại tổ chức, cá nhân khai báo được miễn hoàn toàn hoặc giảm mức xử phạt mà đáng ra sẽ bị áp dụng đối với họ”.

Theo ông Trần Mai Hiến, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Hội đồng Cạnh tranh, trên thực tế, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu rộng hiện nay có nhiều yếu tố tích cực, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sự lựa chọn và phúc lợi cho người tiêu dùng. Trong quá trình cạnh tranh, nếu doanh nghiệp biết đầu tư cho đổi mới, sáng tạo; cải thiện năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ phù hợp với thị hiếu thì doanh số bán hàng của doanh nghiệp ngày càng lớn, sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngày càng nâng cao và doanh nghiệp ngày càng phát triển. Ngược lại, các doanh nghiệp có nhiều yếu kém trong quản trị hoặc vì nhiều lý do khác, kinh doanh ngày càng suy yếu dẫn đến phá sản. Chính vì vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong Luật Cạnh tranh 2018 sẽ tạo hành lang pháp lý để điều tra, xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh, góp phần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh cho thị trường trong nước, tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh trong các Hiệp định thương mại song phương và  đa phương.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết