11/04/2018 - 21:47

Sản xuất nông nghiệp

Hướng đến an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường 

Theo đánh giá của các nhà khoa học, một thời gian dài, sản xuất nông nghiệp ở TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung chạy theo hướng tăng số lượng sản phẩm bằng cách sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dẫn tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm, mất an toàn thực phẩm. Thời gian gần đây, phương thức sản xuất này dần thay đổi, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm được hình thành và phát triển.

Mô hình rau an toàn

Quận Thốt Nốt, có đông dân cư, tiếp giáp với địa bàn các tỉnh lân cận nên thị trường tiêu thụ nông sản, nhất là rau khả quan. Mặc dù vậy, trồng rau theo quy cách an toàn, bảo vệ môi trường vẫn chưa được người dân quan tâm trong những năm trước đây. Để sản xuất, một lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu được người trồng sử dụng và không phải ai cũng dùng đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, điều này đang được dần thay đổi khi mô hình sản xuất rau an toàn được hình thành và phát triển ở Thốt Nốt. Bà Nguyễn Thị Mãi, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: "Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên cùng một diện tích sản xuất, những năm gần đây, ngành nông nghiệp quận đã quan tâm hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất. Qua đó, nhiều mô hình, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất rau an toàn được hình thành, sản phẩm tạo ra đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân...".

Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới tại quận Thốt Nốt phát triển tốt, chuẩn bị cho sản phẩm. Ảnh: HÀ VĂN
Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới tại quận Thốt Nốt phát triển tốt, chuẩn bị cho sản phẩm. Ảnh: HÀ VĂN

 

Phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt,  có trên 350ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó có trên 290ha đất sản xuất lúa, chiếm 82,9% diện tích đất nông nghiệp. Với diện tích đất nông nghiệp hạn chế, thời gian qua nông dân trên địa bàn phường được hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức lại sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn phường có các tổ hợp tác như: tổ hội nghề nghiệp trồng hoa, tổ hợp tác sản xuất lúa giống, tổ hợp tác trồng rau an toàn... với tổng số 520 hộ nông dân tham gia. Ông Nguyễn Minh Phước, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn phường Thốt Nốt, cho biết: "Bên cạnh việc hợp tác sản xuất, tạo ra sản phẩn an toàn, tổ hợp tác còn mở cửa hàng mua bán rau, củ, quả an toàn tại Trung tâm thương mại Thốt Nốt. Chúng tôi tạo thế vừa sản xuất, vừa tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, sản phẩm của tổ hợp tác đã được người tiêu dùng tin dùng. Các loại rau như: mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, rau muống, rau dền… có giá bán cao hơn các loại rau bình thường, tăng thêm thu nhập cho thành viên trong tổ". Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn phường Thốt Nốt hiện có 14 thành viên, với diện tích canh tác gần 10 ha. Trong quá trình sản xuất, các thành viên được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ hướng dẫn kỹ thuật canh tác và kiểm định, xác nhận chất lượng sản phẩm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng…

Quận Thốt Nốt đang đầu tư mở rộng vùng sản xuất rau màu chuyên canh theo hướng an toàn ở 7 phường, với tổng diện tích gần 90ha qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất. Bà Nguyễn Thị Mãi cho biết thêm: "Ngành nông nghiệp quận đang hỗ trợ nông dân xây dựng 4 mô hình trồng rau ăn lá trong nhà lưới, với diện tích trên 20ha (mô hình trồng hẹ, phường Thạnh Hòa (500m2); mô hình trồng rau cải ngọt và cải xanh, phường Thốt Nốt (500m2) và mô hình trồng rau cần ống, phường Thới Thuận 10.000m2...). Ngoài ra, Phòng đã liên hệ và giới thiệu cho các tổ sản xuất rau an toàn đăng ký thuê điểm bán hàng tại các chợ, đưa hàng vào siêu thị, giúp các tổ hợp tác chủ động bán hàng tại chỗ và mở rộng cung ứng sỉ cho các hộ tiểu thương trong và ngoài địa bàn quận".

Phát huy tiềm năng

Để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã hỗ trợ, ứng dụng rộng rãi công nghệ IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp) trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất; kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục cho phép; tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch tổng thể cho vùng canh tác... Đặc biệt tổ chức phát triển mô hình liên kết sản xuất trong nông dân.

Toàn TP Cần Thơ hiện có trên 110 hợp tác xã, 1.286 tổ hợp tác sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; ngành nông nghiệp thành phố đang khuyến khích các hộ đủ điều kiện thành lập trang trại nhằm tăng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, giải quyết việc làm tại địa phương. Mô hình sản xuất rau ăn lá thuộc Hợp tác xã sản xuất rau Phúc Thạnh (phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt) đã thu hút trên 50 hộ tham gia, diện tích gần 20ha. Mỗi gia đình có từ 2 người đến 5 người tham gia trồng rau, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho mỗi thành viên. Theo Hợp tác xã sản xuất rau Phúc Thạnh, với kinh nghiệm trồng rau nhiều năm kết hợp áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, giúp nông dân tiết giảm chi phí sản xuất; nông sản làm ra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, từng bước cải thiện thu nhập cho nông hộ. Điển hình như hẹ, năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha, giá bán khoảng 10.000 đồng/kg, trừ chi phí, bà con thu lợi nhuận khá cao... Theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, thành phố xây dựng và hình thành vùng sản xuất rau, quả an toàn ứng dụng công nghệ cao ở các quận, huyện vùng ven. Trong đó vận động nông dân tổ chức 75 mô hình liên kết sản xuất chuyên canh rau, mỗi mô hình có 10ha, với 25 đến 30 hộ tham gia; vùng sản xuất rau, quả tươi chuyên canh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, với diện tích 750ha...

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: "Ngành nông nghiệp thành phố sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng, các quận, huyện hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thực hiện các mô hình sản xuất trên cũng như tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư sản xuất... Bởi, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là một sự định hướng kịp thời theo xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường...".

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết