11/05/2018 - 09:26

Hun đúc tinh thần khởi nghiệp 

Con đường lập nghiệp thường gian nan, khó khăn, đôi lúc thất bại nên dễ làm các bạn trẻ chùn bước, buông xuôi. Làm thế nào để vượt qua giai đoạn đó, tiếp tục theo đuổi hoài bão, ước mơ?

Bạn Nguyễn Trương Hoài An, sinh viên (SV) năm cuối ngành Quản trị du lịch, Trường Đại học Cần Thơ định hướng: “Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi sẽ mở dịch vụ du lịch sinh thái tại nhà. Gia đình tôi ủng hộ ý định này”. Gia đình Hoài An ở gần khu du lịch Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Những ngày cuối tuần không phải đến lớp, Hoài An tình nguyện làm hướng dẫn viên Làng du lịch Mỹ Khánh. Yêu thích du lịch từ nhỏ, An mong muốn giới thiệu địa danh du lịch nổi tiếng quê mình lan tỏa khắp nơi. Hoài An cho biết: “Hiện nay, gia đình đầu tư cải tạo lại vườn trái cây để ủng hộ kế hoạch khởi nghiệp của tôi. Tôi rất lo nếu mọi việc không thuận lợi, suôn sẻ,…”.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Cần Thơ giới thiệu thiết bị dùng sóng siêu âm để giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản. Ảnh ĐẶNG NGỌC

Còn Huỳnh Ngọc Anh Kiệt, SV năm thứ 3 ngành Toán - Tin khởi nghiệp bằng công việc bán linh kiện công nghệ online những năm học THPT. Đến khi vào đại học, công việc vẫn thuận lợi, khoản thu nhập giúp Kiệt đủ chi phí mua sắm những thiết bị công nghệ yêu thích, không phiền cha mẹ. Tuy nhiên, cuối năm thứ nhất cũng là thời điểm Kiệt từ bỏ việc kinh doanh sau khi cùng bạn hùn vốn mở rộng quy mô buôn bán. Kiệt và bạn đầu tư 200 triệu đồng để lấy hàng nhưng đầu ra gặp khó. Kiệt bộc bạch: “Tôi cố gắng bán hết số hàng còn lại để thu hồi vốn. Sau này, tôi tìm việc làm khác, không làm ăn buôn bán gì nữa, sợ thua lỗ…”.

Những trăn trở, lo lắng trong câu chuyện của Hoài An và Anh Kiệt cũng là mối quan tâm của nhiều bạn trẻ tại Chương trình giao lưu "SV với khởi nghiệp", do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức, với sự đồng hành của cuộc thi khởi nghiệp Vietnam Startup Wheel lần 6-2018 tại khu vực miền Tây. Tại buổi giao lưu, SV lĩnh hội những thông tin, kiến thức, kỹ năng từ chia sẻ của những người trẻ thành công trên con đường khởi nghiệp. Chị Shark Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh, cũng là người đồng hành cùng SV trong các dự án khởi nghiệp, chia sẻ: “Tâm lý chung của phần lớn các bạn trẻ khi bước vào con đường khởi nghiệp là mong đợi thành công đến sớm và cũng sớm bỏ cuộc khi kết quả không như mình mong đợi. Trong cuộc sống, các bạn trẻ thường được nghe, nhìn thấy thành quả của những người thành công, mà không biết được họ đã trải qua những khó khăn, gian khổ, thậm chí là thất bại trước đó”. Thông điệp mà nữ doanh nhân trẻ này muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ là hãy tự tin với ý tưởng, làm từng bước để ý tưởng thành hiện thực và phải có “máu liều”. Nữ doanh nhân trẻ lý giải: “Máu liều” ở đây là người trẻ khi quyết định lập nghiệp bằng ý tưởng của bản thân cần thiết lập phương án nếu kết quả kinh doanh không đạt, thua lỗ vốn. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất là phải luôn cho mình cơ hội trải nghiệm thực tế, học hỏi. Khi gặp thất bại thì xem lại mục tiêu ban đầu khởi nghiệp là gì. Lúc này, với có kinh nghiệm đã có, tự khắc các bạn sẽ tìm được hướng đi thật sự để gặt hái thành công.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Tư vấn - hỗ trợ SV, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Bên cạnh những hoạt động hướng nghiệp, hỗ trợ SV học tập, Trung tâm tăng cường kết nối các tổ chức, doanh nghiệp… tổ chức những buổi tọa đàm, giao lưu, giúp SV có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc những người thành công. Từ năm 2018, Trung tâm hỗ trợ kinh phí những ý tưởng, dự án khởi nghiệp của SV. Qua đó, tạo tâm thế tự tin, sẵn sàng dấn thân để học hỏi, trải nghiệm quá trình khởi nghiệp của người trẻ theo hướng tích cực trong tư duy sáng tạo”.

THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết