16/11/2018 - 20:43

Hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế  

Với chủ trương mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ tổ chức nhiều hoạt động hợp tác quốc tế và bước đầu mang lại hiệu quả.

Dấu ấn thiện nguyện

Trong hoạt động hợp tác quốc tế tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (KTKT) Cần Thơ, để lại dấu ấn là chương trình sinh viên tình nguyện do sinh viên 2 trường Đại học Soon Chun Hyang - Hàn Quốc và Cao đẳng KTKT Cần Thơ thực hiện, đã được tổ chức 2 lần (năm 2016 và 2018) trên địa bàn thành phố. Trần Duy Khang, sinh viên ngành Kinh doanh thương mại K17, tham gia chương trình vào tháng 8-2018, bộc bạch: "Sau khi tham gia chương trình, tôi tự tin và giao tiếp tốt hơn, nâng cao khả năng ngoại ngữ. Tôi học được từ các bạn Hàn Quốc sự chịu khó, kỷ luật. Đồng thời hiểu và chia sẻ khó khăn với học sinh vùng nông thôn". Theo Thạc sĩ Nguyễn Mỹ Linh, Trưởng Bộ môn Kinh doanh, Bí thư Đoàn Khoa Quản trị kinh doanh của trường, chương trình không chỉ có ý nghĩa với sinh viên, mà nhà trường, cán bộ giảng viên có thêm kinh nghiệm khi tổ chức sự kiện hợp tác quốc tế.

Sinh viên tình nguyện, học sinh huyện Cờ Đỏ háo hức ở lễ khai mạc chương trình sinh viên tình nguyện 2018, với chủ đề “Dự án Hạnh phúc đa văn hóa hè Đại học SoonChunHyang 2018”. Ảnh: CTV

Được biết, chương trình sinh viên tình nguyện năm 2018 do 2 trường tổ chức tại huyện Cờ Đỏ. Trong 2 tuần (cuối tháng 7 đến đầu tháng 8-2018), sinh viên tham gia giao lưu văn hóa; làm đường giao thông nông thôn; xây nhà vệ sinh cho Trường Tiểu học Thới Xuân 1 (trị giá 80 triệu đồng)...Thầy Đỗ Đạt Quang, Hiệu trưởng Trường Trường Tiểu học Thới Xuân 1, cho biết: Nhóm sinh viên tình nguyện đến trường giao lưu văn nghệ, dạy học sinh kỹ năng mềm, giúp các em có cơ hội tiếp cận với nền văn hóa khác, vui chơi sau giờ học. 20 học sinh khó khăn, hiếu học được nhận 20 phần quà. Các hoạt động đã tác động tích cực cho hoạt động dạy học của trường. Là trường vùng ven thành phố, có 256 học sinh (187 học sinh người dân tộc Khmer), điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên chương trình có ý nghĩa thiết thực với trường.

Gắn hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu

Lâu nay, hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học ở trường cao đẳng có phần hạn chế hơn so với trường đại học. Thế nhưng, vài năm gần đây, hoạt động này phát triển mạnh ở Trường Cao đẳng KTKT Cần Thơ. Đó là nhờ chủ trương mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của lãnh đạo nhà trường. 

3 năm qua (2016-2018), trường đã tiếp và làm việc với 27 lượt đoàn khách nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines…); ký kết 1 Ý định thư hợp tác với Đại học Soon Chun Hyang trong hoạt động trao đổi sinh viên, giao lưu văn hóa; tiếp nhận 17 sinh viên trong 4 đợt thực tập và tổ chức thành công chương trình sinh viên tình nguyện. Ký kết với Công ty TNHH Kết nối Tokyo - Hà Nội hợp tác thực hiện “Dự án đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo tiếng Nhật và xây dựng nông trường kiểu mẫu”; phối hợp với Trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi kinh tế, xã hội và sinh thái ở Việt Nam: Lý thuyết và thực tiễn”. Trong 3 năm, trường đã tổ chức nghiệm thu và chuyển giao cho các đơn vị thực hiện 63 đề tài khoa học; trong đó có 59 đề tài cấp cơ sở và 4 đề tài cấp tỉnh, thành phố. Cán bộ, giảng viên có 48 bài viết về công trình nghiên cứu đăng các tạp chí trong nước, 9 bài đăng tạp chí quốc tế.

Sắp tới, trường khuyến khích viên chức, giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học, tập trung thực hiện các đề tài mang tính ứng dụng thực tiễn cao. Đơn cử 2 đề tài cấp thành phố tại tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, triển khai 25 đề tài cấp cơ sở. Đồng thời, trường củng cố, triển khai các nội dung đã ký kết với các đơn vị nước ngoài; mở rộng hợp tác với các đối tác mới. Trước mắt, trường chuẩn bị tiếp nhận sinh viên Đại học Soon Chun Hyang đến thực tập tại trường (ngày 26-12-2018); tiếp tục thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp cho thành phố...

Theo Thạc sĩ Trang Vũ Phương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, hợp tác quốc tế mang lại cơ hội tiếp cận nhanh với nguồn tri thức, nâng cao chất lượng theo xu hướng hội nhập; nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn của đội ngũ nhà giáo, rèn luyện kỹ năng học tập và làm việc cho sinh viên trong môi trường hội nhập quốc tế. Nghiên cứu khoa học giúp giảng viên nâng cao năng lực nghiên cứu, điều chỉnh phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, giúp cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo… “Trường tập trung đẩy mạnh, gắn hợp tác quốc tế với đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhằm góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu và chất lượng đào tạo của trường”, Thạc sĩ Phương nhấn mạnh.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết