27/07/2018 - 20:50

Hợp tác nhân văn  

Giữa tháng 7, gần 200 chị em Cần Thơ khu vực nông thôn được tham gia chương trình của Dự án tầm soát ung thư cổ tử cung do Quỹ Phòng chống Ung thư cổ tử cung của Úc phối hợp với Trung tâm nghiên cứu môi trường và sức khỏe Việt Nam và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ tổ chức. Theo Dự án này, 5 năm qua, có hơn 10.000 phụ nữ Cần Thơ được tầm soát phát hiện sớm bệnh lý ung thư cổ tử cung (UTCTC). 

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bé Năm, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố tư vấn cho chị em.

Hướng về cộng đồng

Trước khi chương trình diễn ra vào ngày 17-7, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố phối hợp với đơn vị y tế cơ sở, gởi thư mời thông báo các chị em trong độ tuổi từ 21- 70, sinh sống tại địa phương tham gia. Thế nên, trong ngày khám, tại Trạm Y tế phường Trường Lạc, quận Ô Môn, dù sáng sớm trời mưa tầm tã, nhiều chị em lần lượt đến càng lúc càng đông. Trong khi đó, các bác sĩ Trung tâm phối hợp với cán bộ trạm y tế sắp xếp phòng ốc, bàn khám thuận tiện cho quy trình khám bệnh – cấp thuốc, sẵn sàng tiếp đón chị em. 

Từ các thông tin cơ bản của người bệnh, các bác sĩ nhận thấy, phần lớn chị em đang gặp phải các vấn đề về bệnh lý sản phụ khoa, nhưng lại thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhiều chị mặc dù mắc bệnh thời gian dài, nhưng không được điều trị đến nơi đến chốn, do điều kiện kinh tế khó khăn. Qua thăm hỏi bệnh nhân Đặng Thị C., 42 tuổi, làm nghề nội trợ, bác sĩ được biết chị C. sức khỏe sinh sản bình thường từ tuổi dậy thì cho đến khi kết hôn và sinh con. Hiện chị có 3 đứa con và gần đây chị bị viêm nhiễm phụ khoa. Chị C. lo lắng nói: “Tôi nghe nhiều người phụ nữ mắc bệnh này kia, nhiều nhất là UTCTC, mà bệnh của tôi cứ tái đi tái lại hoài, đã khám bệnh mà không khỏi hẳn nên tôi lo lắm. Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, tôi phải làm mướn kiếm sống, nếu nghỉ việc đi khám bệnh là mất ngày công nên nhiều khi bệnh tôi ráng lướt qua, chờ bệnh tự hết”. 

Việc điều trị không đến nơi đến chốn vì điều kiện gia đình khó khăn cũng khiến cô Nguyễn Thị U., 58 tuổi, thường xuyên khó chịu vì viêm nhiễm phụ khoa gần năm qua. Mỗi lần như thế, cô ra tiệm thuốc tây mua 5 vỉ thuốc, tốn 55.000 đồng, về uống vài ngày sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, chỉ cần ngưng thuốc thì bệnh lại tái phát viêm ngứa. Quá lo lắng vì bệnh, mấy hôm trước, cô có đến bệnh viện tư nhân ở quận Ninh Kiều khám, bác sĩ chỉ định xét nghiệm với chi phí hơn 200.000 đồng, cô không đủ tiền nên đành về nhà tiếp tục ghé quầy thuốc tây mua về uống. 

Bác sĩ Chuyên khoa II (CKII) Nguyễn Thị Bé Năm, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ, cho biết, tình trạng sức khỏe sinh sản liên quan đến viêm nhiễm đường sinh dục chị em thường gặp phải nhưng chưa được chữa khỏi, vì điều kiện kinh tế khó khăn; nhất là phần lớn chị em chưa hiểu được tầm quan trọng của việc tầm soát UTCTC, bệnh lý ung thư phổ biến ở phụ nữ có thể phòng tránh, phát hiện trong giai đoạn sớm nếu xét nghiệm thăm khám định kỳ. Đó cũng là những lý do Dự án tầm soát UTCTC được thực hiện tại địa phương với mong muốn giúp đỡ chị em nghèo nông thôn.

Y sĩ sản nhi Nguyễn Thị Thu, Phó Trưởng Trạm Y tế phường Trường Lạc, cho biết, đơn vị của chị được tham gia thực hiện chương trình chị rất vui vì đem lại nhiều lợi ích chăm sóc sức khỏe cho chị em. Bởi lẽ, đời sống kinh tế nông thôn gặp nhiều khó khăn, nhiều chị em chưa có ý thức chủ động chăm sóc sức khỏe sinh sản, ít thăm khám định kỳ, chỉ khi có bất thường về sức khỏe mới điều trị. Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bé Năm thông tin thêm, do tỷ lệ UTCTC tại Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung được ghi nhận cao hơn các tỉnh miền Bắc, vì thế Dự án được triển khai tại Cần Thơ giúp chị em tầm soát phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất, sau đó được hỗ trợ giải pháp điều trị ở giai đoạn sớm này, khi mà tế bào ung thư còn khu trú tại chỗ. Song song với việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật giúp tầm soát phát hiện sớm UTCTC cho chị em nông thôn, Dự án còn hướng đến nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh lý này với hoạt động nổi bật là chương trình truyền thông nhóm.  

Sự phối hợp thành công

Ông Graeme Lade, Chủ tịch Quỹ Phòng chống UTCTC của Úc đánh giá cao vai trò phối hợp của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ trong việc cung cấp dịch vụ tầm soát bệnh UTCTC cho phụ nữ Cần Thơ thời gian qua. Mục tiêu của Dự án thực hiện tại Cần Thơ nói riêng, Việt Nam nói chung, với mong muốn phụ nữ tránh mắc căn bệnh ác tính thường gặp nhưng có thể phòng tránh hiệu quả bằng việc sàng lọc tầm soát.

Theo ông Graeme Lade, Dự án mong muốn tạo cơ hội cho chị em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, thiệt thòi trong việc nâng cao nhận thức về tầm soát UTCTC, tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, được tham gia chương trình sàng lọc. Trong số các chị tham gia chương trình, chỉ một số ít được phát hiện có nguy cơ cao về UTCTC. Tuy nhiên, những trường hợp có nguy cơ cao về UTCTC cũng không nên quá lo lắng, vì phát hiện sớm sẽ điều trị sớm, hiệu quả cao và cơ hội khỏi bệnh hoàn toàn là có thể. 

Dự án ban đầu được thực hiện ở tỉnh Phú Thọ và Hòa Bình, đến năm 2012, Dự án mở rộng đến tỉnh Thái Bình, Cần Thơ. Mỗi tỉnh thành có khoảng 10.000 chị em trong độ tuổi từ 21 đến 70 ở các xã, phường được tham gia sàng lọc tầm soát UTCTC. Riêng ở Cần Thơ, bắt đầu từ năm 2013 đến nay, theo đánh giá của các chuyên gia từ Quỹ phòng chống UTCTC, chương trình đạt hiệu quả, chất lượng cao, do năng lực của ngành y tế Cần Thơ tốt. Đây là tiền đề để sau khi kết thúc giai đoạn I và II của Dự án, từ năm 2017 đến 2021, Dự án tiếp tục mở rộng triển khai giai đoạn III, với dự kiến khoảng 10.000 chị em được tiếp cận dịch vụ. 

Trong ngày khám tầm soát tại Trạm Y tế Trường Lạc, với gần 200 chị được khám tầm soát, phát hiện 6 trường hợp VIA dương tính. Theo đó, sau khi uống hết đợt thuốc được cấp tại chương trình, một tuần sau, các chị đến Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ, số 69 đường Hùng Vương, quận Ninh Kiều, để được tiếp tục xét nghiệm xác định bệnh. Khi đã xác định chắc chắn, sẽ được điều trị sớm và toàn bộ chi phí điều trị được Dự án hỗ trợ. Nếu phải chuyển qua Bệnh viện Ung bướu điều trị, Dự án hỗ trợ 3 triệu đồng/người. 

Điều đặc biệt cảm động hơn cả, chính là sự nhiệt tình, kiên trì và tận tâm của ông Graeme Lade dành cho bệnh nhân có kết quả VIA dương tính. Ông kiên nhẫn tư vấn thật chi tiết và động viên từng người. Khi tư vấn cho chị Trương Thị D.  (29 tuổi, làm nghề bán vé số) là một trong số bệnh nhân dương tính với tế bào UTCTC mức độ I, thấy D. tỏ ra lo lắng, ông Graeme Lade ân cần trấn an bệnh nhân, giúp bệnh nhân lạc quan hơn với việc điều trị bệnh. Với kết quả xét nghiệm này, chị D. tiếp tục đến Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản để thực hiện các bước tiếp theo để điều trị, chỉ mất thời gian và chi phí đi lại, còn chi phí điều trị được Dự án hỗ trợ miễn phí hoàn toàn. Đồng thời, ông Graeme Lade khuyên D. nên chia sẻ tình trạng bệnh với chồng để được quan tâm, giúp đỡ cho việc điều trị được thuận tiện.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trịnh Hữu Vách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và sức khỏe, đơn vị phối hợp với Quỹ Phòng chống UTCTC của Úc và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ, cho biết, Dự án chọn Cần Thơ là một trong những địa phương thực hiện chương trình dựa vào hai điểm chính, thứ nhất là địa bàn có tỷ lệ UTCTC cao và hệ thống y tế, đặc biệt là Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản có năng lực tốt để thực hiện dự án này. Sau thành công ở Cần Thơ, Dự án đã được mở rộng đến tỉnh Hậu Giang theo cách thức tương tự. 

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bé Năm, nguyên nhân chính dẫn đến ung thư, chiếm tỷ lệ khoảng 70% là do nhiễm vi rút HPV, lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, ung thư cũng có thể do viêm nhiễm cổ tử cung mãn tính, thường gặp ở những chị em quan hệ tình dục dưới 18 tuổi, có nhiều bạn tình, sinh đẻ nhiều (trên 5 lần), bị viêm nhiễm phụ khoa thời gian dài, có huyết trắng,… Những trường hợp viêm nhiễm cần điều trị khỏi hẳn, tránh tái phát, tránh dẫn tới bệnh mãn tính, biến chứng, tác động làm biến đổi tế bào bề mặt vùng cổ tử cung thành tế bào ung thư. Ngoài ra, người có mẹ, chị em gái bị UTCTC, cũng nên làm xét nghiệm tầm soát. Hoặc những phụ nữ hút thuốc lá thụ động cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh. Quá trình dẫn đến UTCTC là một thời gian dài, có thể từ 10-15 năm, bệnh diễn tiến âm thầm, tuy nhiên có thể phòng tránh được nếu khám phụ khoa tầm soát định kỳ, hiệu quả. 

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Trịnh Hữu Vách cho biết, ý thức chủ động phòng tránh bệnh của người dân còn thấp, phát hiện trễ, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị. Do đó, chương trình của Dự án vừa khám sàng lọc, vừa tổ chức truyền thông tại trường học, nhằm vận động các em gái trong độ tuổi vị thành niên tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh để được miễn dịch suốt đời. 

 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG 

Chia sẻ bài viết