19/06/2018 - 17:09

Hợp tác liên khu vực hành động vì sự phát triển bền vững 

Sáng 19-6, tại TP Cần Thơ, Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững – Định hướng tương lai đã chính thức khai mạc. Hội nghị là sáng kiến chung của 8 thành viên: Úc, Bỉ, Đan Mạch, Italia, Phần Lan, Hà Lan, Myanmar và Việt Nam và là sáng kiến đầu tiên của ASEM về ứng phó BĐKH gắn với phát triển bền vững. Phóng viên Báo Cần Thơ lược ghi những phát biểu quan trọng của lãnh đạo Việt Nam và thành viên đồng sáng lập tại phiên khai mạc hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

* PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM BÌNH MINH: Cần thảo luận, làm rõ một số hướng hợp tác mới

- Đây chính là lúc các thành viên ASEM cần chung tay cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy để thông qua Chương trình hành động thực hiện Thỏa thuận Paris nhằm bảo đảm việc triển khai hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích cho mọi thành viên, doanh nghiệp và người dân. Hội nghị thảo luận, làm rõ một số hướng hợp tác mới:

Một là, cần xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về sự cần thiết gia tăng nỗ lực ứng phó BĐKH gắn với phát triển bền vững. Các sáng kiến, dự án hợp tác chuyên ngành của ASEM cần được gắn kết chặt chẽ hơn nhằm đưa ra các biện pháp toàn diện cho phát triển bền vững. Ở cấp độ quốc gia, ứng phó BĐKH cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững, cân bằng, đồng đều và sáng tạo.

Hai là, thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên về ứng phó BĐKH vì phát triển bền vững. Cần thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan, thúc đẩy chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các chương trình đối tác công - tư, chuyển giao và sử dụng công nghệ xanh, sạch. Đó là cơ sở để xây dựng cộng đồng vững mạnh, tự cường, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, có khả năng thích ứng trước những bất thường của BĐKH, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội phát triển.

Ba là, đề nghị các thành viên phát triển trong ASEM có các biện pháp hỗ trợ tài chính cụ thể cho các thành viên đang phát triển phải đối mặt với những thách thức gay gắt về BĐKH.

Bốn là, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng ở Canada mới đây, Việt Nam đã đề xuất hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa ra đại dương và được các nước G7 mở rộng ủng hộ. Việc gia tăng nỗ lực toàn cầu trong lĩnh vực này có ý nghĩa thiết thực nhằm giải quyết thách thức đang đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển và sức khỏe đại dương. Các thành viên ASEM cùng phối hợp thúc đẩy, cân nhắc đưa vấn đề này vào nội dung hợp tác của Diễn đàn.

* THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC BỘ NGOẠI GIAO BÙI THANH SƠN: Hiện thực hóa về tăng cường hợp tác liên khu vực

- Hội nghị có ý nghĩa hết sức thiết thực và diễn ra đúng thời điểm. Các nhà Lãnh đạo ASEM đã khẳng định, những hành động khẩn trương, quyết liệt để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và Thỏa thuận Paris sẽ đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển theo hướng phát thải thấp và thích ứng với BĐKH.

Các lãnh đạo cũng cam kết “cùng hợp tác để triển khai đầy đủ và đúng hạn các mục tiêu đã đề ra ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, bảo đảm sự cân bằng và các nguyên tắc đã được nhất trí”.

Theo đó, sáng kiến tổ chức Hội nghị lần này khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của các thành viên ASEM nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của các nhà lãnh đạo về tăng cường hợp tác liên khu vực và hành động quyết liệt hơn để ứng phó hiệu quả với BĐKH.

Hội nghị được tổ chức đúng thời điểm thế giới đang đẩy mạnh hơn bao giờ hết các nỗ lực ứng phó BĐKH. Năm 2018 được nhiều tổ chức quốc tế xác định là năm then chốt hành động ứng phó BĐKH vì phát triển bền vững, khi thời hạn hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm 2020 đang đến gần.

Hội nghị của chúng ta diễn ra đúng vào thời điểm ASEM đang xây dựng những định hướng hợp tác mới khi bước vào thập niên thứ ba. Các khuyến nghị chính sách và hành động cụ thể được thông qua tại Hội nghị sẽ đóng góp định hình những hướng hợp tác mới của ASEM về ứng phó BĐKH trong tương lai. Đồng thời góp phần thúc đẩy “quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu”, như chủ đề của Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 diễn ra tháng 10 sắp tới.

Với chủ đề thảo luận phù hợp và thiết thực, Hội nghị sẽ đưa ra các giải pháp cho các thành viên ASEM trong nỗ lực chuyển sang mô hình phát triển phát thải thấp và thích ứng với BĐKH. Vấn đề ứng phó BĐKH sẽ được nghiên cứu, đánh giá trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững, tạo động lực mới cho phát triển bền vững, bao trùm và công bằng cho mọi người dân.

* ĐẠI SỨ VƯƠNG QUỐC BỈ TẠI VIỆT NAM JEHANNE ROCCAS: Sẵn sàng chia sẻ và hợp tác cùng các quốc gia

- Việc tổ chức Hội nghị ASEM lần này thể hiện vai trò của Việt Nam trong nỗ lực ứng phó với BĐKH. Hội nghị là nơi các nhà lãnh đạo châu Âu gặp gỡ châu Á, cùng trao đổi, chia sẻ về ứng phó BĐKH đang bao trùm toàn cầu.

BĐKH không còn là vấn đề mới nổi lên mà là một yếu tố đang diễn ra và cần sự hợp tác Á - Âu cùng ứng phó. Hội nghị sẽ thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ hợp tác Á – Âu trong nỗ lực ứng phó BĐKH.

Thời gian qua, Bỉ và Việt Nam đã hợp tác thực hiện nhiều chương trình phát triển bền vững trong điều kiện BĐKH. Trong đó, tại khu vực ĐBSCL nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH đã có nhiều dự án hợp tác trong các lĩnh vực như: giảm thiểu phát thải, nước thải; hạn chế đốt rơm rạ, cải thiện hạ tầng đô thị; tăng cường khả năng chống chịu BĐKH ngành cá tra, cá basa… Những hợp tác này sẽ là khởi đầu cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa Bỉ và Việt Nam trong ứng phó BĐKH thời gian sắp tới. 

Đầu tư cho ứng phó với BĐKH không nên xem xét đến tốn kém chi phí mà cần chú trọng đến hiệu quả mang lại, chính là sự phát triển bền vững. Do vậy, các nền công nghiệp cần quan tâm thực hiện các chương trình bảo đảm sự phát triển bền vững. Bỉ là một trong những quốc gia trên thế giới tiên phong thực hiện các hành động, chương trình ứng phó với BĐKH, hướng đến sự phát triển bền vững.

Hiện nay, chúng tôi quan tâm phát triển điện gió. Và chúng tôi rất vui mừng khi được chia sẻ và hợp tác về vấn đề này với các nước, đặc biệt là Việt Nam để tiếp tục cải thiện hạ tầng điện năng, phát triển năng lượng tái tạo. Tôi rất hy vọng, qua hội nghị sẽ góp phần hơn nữa hợp tác thiết thực giữa Á – Âu vì sự phát triển bền vững.

* ĐẠI DIỆN BỘ TÀI NGUYÊN VÀ BẢO TỒN MÔI TRƯỜNG MYANMAR SEIN HTOON LINN: Thúc đẩy lãnh đạo chính trị quan tâm biến đổi khí hậu

- BĐKH đã và đang diễn ra trên thế giới gây ra thống khổ, mất mát cho người dân khắp các châu lục. Những thách thức về biến đổi khí hậu với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng ngày càng gay gắt sẽ cản trở các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

BĐKH không có giới hạn, là vấn đề xuyên biên giới đòi hỏi phải có sự phản ứng, hợp tác toàn cầu. Chỉ có hợp tác mới có thể cùng nhau chống chọi, ứng phó và phát triển bền vững trước diễn biến phức tạp của BĐKH.

Hiện nay, các nước đang nỗ lực ứng phó BĐKH thông qua nhiều chương trình, hoạt động. Riêng Myanmar là quốc gia dễ bị tổn thương từ tác động của BĐKH. Chúng tôi đã xây dựng chương trình tổng thể ứng phó BĐKH với từng lĩnh vực và mục tiêu trọng tâm cụ thể. Song song đó, tham gia thực hiện Thỏa thuận Paris và các hợp tác cùng các quốc gia trên thế giới. Với một nước đang phát triển, năng lực và tài chính là những hạn chế trong nỗ lực ứng phó đòi hỏi sự hợp tác, tham gia vào các hoạt động toàn cầu.

Thiết nghĩ, cần có chương trình thống nhất của khu vực và toàn cầu cùng hành động ứng phó BĐKH. Với sự tham gia của các thành viên ASEM cùng các nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế sẽ thúc đẩy lãnh đạo chính trị quan tâm hành động ứng phó BĐKH vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng cho hiện tại và thế hệ mai sau. Thông qua hội nghị sẽ có những ý tưởng, sáng kiến để biến những cam kết thành hành động cụ thể. Tôi tin rằng chúng ta có thể cùng nhau tạo sức mạnh thành công trong nỗ lực ứng phó BĐKH.

Các đại biểu tham quan, tìm hiểu tại Triển lãm tại Hội nghị.

T. Trinh (lược ghi)

Chia sẻ bài viết