28/02/2011 - 22:12

Hợp tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Mekong

Sông Mekong mang lại nguồn lợi thủy sản vô cùng dồi dào và phong phú cho các quốc gia thuộc vùng hạ lưu gồm Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam. Bốn quốc gia này đã cùng đưa ra mục tiêu hợp tác bảo tồn đa quốc gia nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Mekong tại hội thảo “Thành phần loài cá lưu vực sông Mekong và Chao Phraya” được tổ chức tại Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ vào ngày 24-2-2011.

Trước đây, cả 4 quốc gia thuộc vùng hạ lưu sông Mekong rất ít nghiên cứu về nguồn lợi thủy sản của sông Mekong. Việt Nam chỉ có một số nghiên cứu về cá ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), về đa dạng thành phần loài cá ở vùng rừng ngập mặn; Campuchia chỉ có một tài liệu định danh của Rainboth vào năm 1996 và đến nay chưa có thêm công trình nghiên cứu về định danh nào... Từ năm 2007, Quỹ Bảo vệ môi trường tự nhiên (Quỹ Nagao – Nhật Bản) đã hỗ trợ các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia thực hiện dự án “Con người, hệ sinh thái và việc sử dụng hợp lý nguồn lợi tự nhiên ở lưu vực sông Mekong và Chao Phraya: Bước đầu nghiên cứu nguồn lợi thủy sản và các hoạt động bảo tồn nguồn lợi của người dân địa phương”. Qua đó, hướng đến nhận thức chung về chia sẻ nguồn tài nguyên thủy sản, hợp tác nghiên cứu, bảo tồn đa dạng loài giữa các quốc gia trong khu vực. Các cơ quan phối hợp tham gia dự án gồm Cục Thủy sản Campuchia, Đại học quốc gia Lào, các Trường đại học Srinakharinwirot, Kasetsart, Ubon ratjathanee, Maejo của Thái Lan và Trường Đại học Cần Thơ.

Tham quan phòng mẫu vật các loài cá ở lưu vực sông Mekong tại Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ. 

Qua thực hiện dự án ở bốn quốc gia, có 540 loài cá được ghi nhận và lưu trữ, với 67 loài mới ở lưu vực sông Mekong, 21 loài chưa từng được mô tả. Điều này cho thấy nguồn lợi thủy sản của sông Mekong vô cùng phong phú, đa dạng về thành phần loài cá. Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ đã thu thập mẫu vật tại 113 điểm thuộc 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL và xác định được 292 loài thuộc 188 giống, 70 họ. Xét về số loài phân bổ đặc trưng ở từng quốc gia thì Việt Nam có số loài đặc trưng nhiều nhất (151 loài). Còn số loài phân bổ đặc trưng của Thái Lan là 111 loài, Lào 56 loài và Campuchia chỉ có 40 loài. Như vậy, có những loài chỉ tập trung ở một quốc gia do sự khác biệt về điều kiện sinh thái tự nhiên ở những thủy vực khác nhau của sông Mekong. Đồng thời, cũng có rất nhiều loài cá tập trung ở cả bốn quốc gia.

Theo Tiến sĩ Kenzo Utsugi, Chuyên gia của Quỹ Bảo tồn môi trường tự nhiên Nagao, những loài cá có kích thước nhỏ rất dễ gặp nguy cơ tổn thương và ít có khả năng chống chọi lại sự thay đổi của môi trường. Nhưng chúng rất quan trọng trong hệ sinh thái, với vai trò là những sinh vật chỉ thị cho môi trường. Khi chất lượng môi trường thay đổi chúng sẽ mang tính dự báo. Trong khi đó, những loài cá này rất ít được quan tâm nghiên cứu do giá trị kinh tế thấp. Các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, có nhiều loài cá mới ghi nhận ở Việt Nam do đặc trưng của hệ sinh thái với vùng rừng ngập mặn, bãi bồi, vùng nước lợ ở cửa sông, không có ở những nước khác trong lưu vực sông Mekong. Vì vậy, việc bảo tồn đa dạng sinh học của những hệ sinh thái đặc biệt này ở vùng ĐBSCL cần được đặt lên hàng đầu. Những nghiên cứu sâu hơn về đa dạng sinh học của các loài phân bổ trong khu vực cần được thực hiện (đặc biệt là ở nhóm cá bống) để làm cơ sở cho việc bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn lợi tự nhiên, nguồn lợi thủy sản của vùng ĐBSCL. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Trong quá trình khảo sát đa dạng thành phần loài cá ở lưu vực sông Mekong, có nhiều loài cá mới phát hiện lần đầu tiên, cần tiếp tục nghiên cứu. Vì vậy, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ mong muốn các địa phương trong vùng ĐBSCL nếu phát hiện những loài cá mới lạ thì thông báo ngay với Trường để Trường tiếp nhận, lưu giữ mẫu và nghiên cứu phục vụ cho công tác bảo tồn”.

Giáo sư Yasuhiko Taki, Giám đốc Quỹ Bảo tồn môi trường tự nhiên Nagao, cho rằng, thông qua dự án mà Nagao tài trợ ở bốn quốc gia, kết quả thu thập được chỉ là bước đầu với những kiến thức cơ bản về thành phần loài cá ở lưu vực sông Mekong và Chao Phraya. Để bảo tồn nguồn lợi thủy sản, các quốc gia trong khu vực, các tổ chức phi chính phủ và người dân cần phải có sự phối hợp chặt chẽ và có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả. Hiện nay, Quỹ Nagao có chương trình cấp học bổng cho sinh viên theo học các ngành liên quan đến bảo tồn thiên nhiên để phục vụ cho chương trình bảo tồn của quốc gia mình về lâu dài sau này. Bên cạnh đó, Quỹ Nagao sẽ tiếp tục tài trợ kinh phí cho các nghiên cứu về bảo tồn nguồn lợi thiên nhiên ở các nước. Sau khi tổ chức hội thảo tại bốn quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, Quỹ Nagao sẽ phối hợp cùng các nước xuất bản sách hướng dẫn định loại các loài cá và bản đồ loài cá để phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn nguồn lợi thủy sản của các quốc gia trong khu vực.

Trên cơ sở cập nhật, trao đổi thông tin về đa dạng thành phần loài cá lưu vực sông Mekong và Chao Phraya cho thấy bốn quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan có mối quan hệ không thể tách rời trong việc chung hưởng nguồn lợi thủy sản vùng hạ lưu sông Mekong. Vì vậy, mỗi quốc gia xây dựng chiến lược cụ thể bảo tồn nguồn lợi thủy sản của quốc gia mình. Đồng thời, cần có sự hợp tác bảo tồn đa quốc gia đối với nguồn lợi thủy sản cũng như những nguồn lợi khác mà sông Mekong mang lại cho các quốc gia vùng hạ lưu.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết