17/03/2018 - 10:29

Hôn nhân ngoài giá thú 

Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều người chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, không được pháp luật thừa nhận. Trong quá trình chung sống, khi quan hệ giữa các cặp đôi này xảy ra chuyện, phụ nữ và những đứa trẻ luôn chịu nhiều thiệt thòi...

Éo le, cay đắng    

Chị Đ. (tỉnh Hậu Giang) là con gái lớn trong gia đình nghèo có 5 anh chị em. Do gia cảnh khó khăn, chị nghỉ học sớm, đến TP Hồ Chí Minh tìm việc làm để phụ gia đình lo cho các em. Thời gian này, chị gặp và quen biết anh K., con trai trưởng một thương gia người Hoa thành đạt. Mối quan hệ này không được gia đình anh K. chấp nhận vì không môn đăng hộ đối. Trước sức ép gia đình, anh K. đành chia tay chị Đ. và cưới vợ theo ý muốn cha mẹ. Sau khi chia tay, chị Đ. đến quận Cái Răng tìm việc. Tuy nhiên, chị phát hiện đã mang thai nên báo tin cho anh K. Vì còn tình cảm với chị, nên hằng tháng, anh K. vẫn lui tới, chăm sóc và sinh sống với chị Đ. như vợ chồng. Gia đình và vợ anh K. đều biết và chấp nhận việc này nhưng họ yêu cầu anh K. không được đưa mẹ con chị Đ. về nhà.

Mấy năm trước, do gia cảnh nghèo túng, không đất sản xuất, chị L. đi làm công nhân tại Khu công nghiệp ở tỉnh Tiền Giang và gặp rồi chung sống như vợ chồng với anh H. Sau đó, anh chị tổ chức lễ cưới nhưng không làm hôn thú. Sau 4 năm chung sống, chị L. và gia đình chồng xảy ra bất hòa, nên chị bồng con quay về tá túc bên ngoại (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ).

Hơn 10 năm trước, chị Ngh. (tỉnh Tiền Giang) lấy chồng qua mai mối. Mặc dù có tổ chức cưới hỏi đàng hoàng nhưng vợ chồng chị không đăng ký kết hôn. Nhà chồng chỉ có chồng chị Ngh. là con trai nên khi về làm dâu, chị phải gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Gia đình vừa mở lò bún, vừa nuôi heo nên chị Ngh. quanh năm làm lụng vất vả, đầu tắt mặt tối. Chồng chị không phụ tiếp vợ việc làm ăn, còn có tính trăng hoa, ong bướm. Quá trình chung sống, không ít lần chị Ngh. bị chồng đánh mắng, đuổi ra khỏi nhà.

Nhiều hệ lụy

Rời nhà chồng, chị L. không được chia bất cứ tài sản nào. Sau khi hai người chia tay, anh H. không hề cấp dưỡng hay liên lạc, thăm hỏi con. Năm nay, con gái của chị L. gần 6 tuổi, sắp vào lớp 1 nhưng chưa làm khai sinh để đi học. Chị L. tâm sự, gia đình chị L. thuộc diện hộ nghèo, cha bị tai biến không thể đi lại nên gánh nặng dồn hết lên vai khi chị về nhà. Hằng ngày, chị L. phụ việc quán ăn để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt và phần tiền học của con.

Khi chị Đ. sinh con, do trình độ học vấn thấp, chị không biết cách làm giấy khai sinh cho con nên nhờ tư vấn thủ tục. Anh X. (cán bộ Tư pháp - Hộ tịch ở địa phương chị Đ. đăng ký thường trú) chia sẻ, quá trình công tác, anh gặp không ít trường hợp như chị Đ.. Anh tư vấn và hướng dẫn tận tình để làm giấy khai sinh, đảm bảo quyền lợi đứa trẻ. Chị Đ. bộc bạch, nhiều người khuyên chị nên dứt  khoát chia tay với anh K. để làm lại cuộc đời, bởi hôn nhân của chị không được pháp luật thừa nhận và mối quan hệ này bị dư luận, xã hội lên án. Chị từng nghĩ, quyết tâm rời bỏ anh X. nhưng lúc này, chị bồng con về quê sẽ trở thành gánh nặng cho cha mẹ. Còn ở lại Cần Thơ, chị không đủ khả năng nuôi con, lại tiếp tục phụ thuộc anh K. Thậm chí, chị còn nghĩ giao con cho anh K. nhưng rồi không đành lòng xa con.

Hôn nhân không giá thú, phụ nữ thường chịu thiệt thòi khi giữa hai người xảy ra vấn đề. Ảnh chỉ mang tính minh họa; nguồn: internet

2 năm trước, vì không thể chịu đựng những trận đòn vô lý của chồng, chị Ngh. rời khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Thậm chí, chị chấp nhận giao đứa con chưa đầy 5 tuổi để gia đình chồng nuôi vì chị không nghề nghiệp, vốn liếng nên không có khả năng lo cho con. Hiện chị Ngh. nấu các loại thức uống, sữa đậu nành, nha đam, đem bỏ mối để mưu sinh. Chị chia sẻ, mặc dù muốn đón con về nhưng nghĩ đến tương lai, chị không nỡ để con theo chị vất vả, nhọc nhằn nên cam chịu số phận hẩm hiu.

Trao đổi về vấn đề hôn nhân không giá thú, luật sư Phạm Khắc Phương, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ, chia sẻ: “Dù nguyên nhân gì, việc chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, không được pháp luật công nhận sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc, nhất là khi giữa hai người phát sinh mâu thuẫn, chia tay, phụ nữ và những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi nhất. Vì vậy, nam nữ chung sống nhất thiết phải đăng ký kết hôn. Trong trường hợp hôn nhân không giá thú xảy ra vấn đề, tùy trường hợp cụ thể pháp luật vẫn có những quy định để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em”. Cũng theo luật sư Phương, nếu rơi vào trường hợp éo le, bất khả kháng, người phụ nữ cần mạnh mẽ, dứt khoát. Bởi dù bị lừa dối, nhẹ dạ cả tin hay thiếu hiểu biết pháp luật, phần thiệt thòi vẫn thuộc về người phụ nữ nếu chọn chung sống với người có gia đình, hoặc chung sống như vợ chồng với người độc thân nhưng không đăng ký kết hôn…

Tâm Khoa

Chia sẻ bài viết