12/10/2009 - 08:18

Hội thảo khoa học “Mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa”

* Làm sáng tỏ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội

Sáng 6-10, tại Hà Nội, Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương- Ban chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2006-2010 (KX.04/06-10) phối hợp với Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo với chủ đề “Mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa”. Hội thảo nhằm làm rõ quá trình nhận thức của Đảng ta về mối quan hệ nói trên qua hơn 20 năm đổi mới; tình hình thực hiện mối quan hệ này từ năm 1991 đến nay và đề xuất các kiến nghị ở tầm Cương lĩnh và Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Đảng về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ này.

Phát biểu đề dẫn, ông Phạm Văn Dũng Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nêu rõ: Nhận thức lý luận về quan hệ giữa kinh tế thị trường (KTTT) và định hướng xã hội chủ nghĩa(XHCN) là cơ sở để nghiên cứu thực tiễn giải quyết quan hệ này ở Việt Nam trong những năm qua và đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết quan hệ này ở nước ta trong những năm tới. Nếu làm rõ được thực tế quan hệ này ở Việt Nam trong những năm qua sẽ góp phần làm sáng rõ hơn những vấn đề lý luận về quan hệ giữa KTTT và XHCN.

Từ cách tiếp cận đó, các tham luận tại Hội thảo tập trung làm rõ cơ sở lý luận về quan hệ giữa KTTT và định hướng XHCN; thực tiễn giải quyết quan hệ này ở Việt Nam trong những năm qua và những giải pháp nhằm giải quyết quan hệ này ở nước ta trong những năm tới. Nhiều nội dung đề cập tại Hội thảo thu hút sự quan tâm của các đại biểu như: Biểu hiện trong thực tiễn ở Việt Nam của mối quan hệ giữa KTTT và định hướng XHCN; giữ vững định hướng XHCN trong quá trình hoàn thiện thể chế KTTT ở nước ta; định hướng XHCN của nền KTTT ở Việt Nam...

Báo cáo đề dẫn đưa ra 4 điều kiện để phát triển kinh tế thị trường “rút ngắn” và bền vững, đề xuất các giải pháp có tính định hướng như: Hoạch định chiến lược và tổ chức, thực thi; nâng cao năng lực của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, vai trò và hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự...Theo báo cáo, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam muốn vì con người, hướng tới đáp ứng các yêu cầu của quá trình phát triển con người, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thì cùng một lúc phải giải quyết được cả 3 vấn đề: Tăng trưởng cao, ổn định và từng bước nâng cao chất lượng tăng trưởng; hạn chế và giảm thiểu các vấn đề xã hội; bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên và môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái.

PGS.TS Mai Thị Thanh Xuân (Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Kết hợp phát triển KTTT với định hướng XHCN là biện pháp có ý nghĩa lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đó là hai mặt của một quá trình phát triển, vừa mâu thuẫn lại vừa có thể tác động hỗ trợ lẫn nhau. Theo PGS.TS Mai Thị Thanh Xuân, để giải quyết mối quan hệ giữa phát triển KTTT và định hướng XHCN, cần thống nhất nhận thức KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam; đảm bảo sự phát triển nền KTTT định hướng XHCN trên cơ sở tăng cường hiệu năng quản lý của nhà nước và hiệu quả của thành phần kinh tế nhà nước; kết hợp hài hòa các mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn cụ thể.

* Chiều 11-10, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị cấp nhà nước (KX.04/06-10), Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”, nhằm đề xuất những kiến nghị góp phần tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh và chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng.

Các tham luận gửi đến và trình bày tại Hội thảo tập trung phân tích, làm rõ quá trình nhận thức, phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về mối quan hệ và giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tình hình thực hiện mối quan hệ này từ khi ban hành Cương lĩnh năm 1991 đến nay và đề xuất các kiến nghị ở tầm Cương lĩnh và các Báo cáo Chính trị về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ này.

Nhìn lại quá trình nhận thức của Đảng ta về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, các nhà khoa học khẳng định: Đảng ta luôn luôn chú ý đến mối quan hệ này. Trên cơ sở nhận thức rõ tính mâu thuẫn và thống nhất trong quá trình tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, Đảng ta đã từng bước đề ra những quan điểm, chủ trương và giải pháp kịp thời, đúng đắn để xử lý mối quan hệ này.

Nghiên cứu về “quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội”, GS Trần Văn Bính ( Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) đã rút ra bài học: Phát triển kinh tế, làm tăng của cải vật chất của xã hội luôn cần thiết, nhưng sự phát triển kinh tế không được phép bỏ qua những nhu cầu cơ bản của con người. Các chính sách đều phải xuất phát từ nhu cầu của đại đa số quần chúng nhân dân, chứ không thể xuất phát từ lợi ích cá nhân của người hoạch định chính sách, của một nhóm, một tập đoàn nào đó. Cần đặt con người ở vị trí trung tâm các chủ trương chính sách, các chính sách phát triển kinh tế phải luôn luôn đồng hành với các chính sách xã hội, phải tạo điều kiện để phát triển và hoàn thiện con người, bảo vệ và cải thiện môi trường sống.

Đánh giá khái quát thực trạng mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta hiện nay, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) đã khẳng định: Nhờ kinh tế tăng trưởng nhanh, liên tục và ổn định trong thời gian dài, đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa được tăng cường, tạo điều kiện triển khai các chính sách xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội. GS Nguyễn Minh Thuyết đã đề xuất 4 kiến nghị cần thiết để thực hiện tốt hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đó là: Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; Tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; Cải cách tài chính công, điều chỉnh chính sách về đất đai, chính sách lương; Tăng cường dân chủ, bảo đảm tính minh bạch công khai, đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trao đổi kinh nghiệm giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội của một số nước trên thế giới.

HƯƠNG THỦY-THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết