09/11/2008 - 21:56

Hội Nông dân Việt Nam với vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện nay

NGUYỄN QUỐC CƯỜNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Tập trung đầu tư trước tiên cho việc nâng cao, cải thiện đời sống nông dân được Hội Nông dân Việt Nam coi là cơ sở nền tảng góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam theo hướng hiện đại, để nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự xứng đáng là cơ sở và lực lượng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tất cả vì lợi ích và sự phát triển của nông dân

Hội thảo đầu bờ, tham quan mô hình sản xuất lúa giống ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Ảnh: QUỐC TRƯỞNG 

Được thành lập từ ngày 14-10-1930, đến nay Hội Nông dân Việt Nam có tổ chức rộng lớn, được hình thành theo 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở, thu hút gần 10 triệu hội viên tham gia, chiếm khoảng 80% tổng số hộ nông, lâm, ngư nghiệp. Các chi, tổ hội được thành lập ở tất cả các thôn, ấp, làng, bản, các cụm dân cư, các tổ chức nghề nghiệp sản xuất kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp, trải rộng khắp các vùng miền trên phạm vi cả nước; chi, tổ hội là nơi sinh hoạt thường xuyên của cán bộ, hội viên. Do tổ chức được phát triển rộng lớn, bám sâu đến cơ sở, hoạt động của Hội gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới nên cán bộ hội các cấp ngày càng được nâng lên về trình độ nghiệp vụ và năng lực công tác, hội viên phát triển về cả số lượng và chất lượng. Đây là điều kiện thuận lợi, đồng thời là tiền đề quan trọng để các cấp Hội Nông dân Việt Nam triển khai thực hiện và hoàn thành những nhiệm vụ đề ra.

Quán triệt quan điểm đổi mới của Đảng và những đòi hỏi của nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những năm qua các cấp Hội thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng tổ chức; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm thiết thực hỗ trợ hội viên, nông dân trên nhiều lĩnh vực. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân được các cấp hội đặc biệt quan tâm, coi đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy cán bộ, hội viên hăng hái tham gia các hoạt động của hội, tích cực phấn đấu, chủ động, sáng tạo vươn lên làm giàu chính đáng cho mình và cho xã hội. Hội đã sử dụng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội; cung cấp các thông tin về thị trường và hội nhập kinh tế thế giới; chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống cho cán bộ, hội viên, nông dân. Đồng thời, tích cực phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để làm tốt công tác tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan báo chí của Trung ương hội trong công tác tuyên truyền. Báo Nông thôn ngày nay trực thuộc Hội ra 5 kỳ/tuần, số lượng trung bình 60 ngàn bản/kỳ, phát hành đến các chi, tổ hội. Tạp chí Nông thôn mới phát hành 2 kỳ/tháng, website Hội Nông dân Việt Nam có gần 30 chuyên mục, cập nhật nhiều tin bài phong phú, trung bình thu hút hơn 8 ngàn lượt người truy cập mỗi ngày. Bản tin Công tác Hội, tuần tin Thị trường nông thôn của Trung ương và các tỉnh, thành Hội mỗi năm đã phát hành hàng trăm ngàn bản đến các cơ sở hội, giúp nội dung sinh hoạt của các chi, tổ hội, các câu lạc bộ sinh hoạt có thêm nhiều thông tin bổ ích, thiết thực.

Xác định rõ rằng, chất lượng cán bộ là một trong những khâu then chốt góp phần quyết định chất lượng hoạt động của Hội, cũng như tác động đến chất lượng phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, các cấp hội tập trung xây dựng kế hoạch và thực hiện bồi dưỡng, đào tạo cán bộ hội hằng năm. Đến nay, số cán bộ được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội đạt tỷ lệ trên 80%. Chỉ riêng trong năm 2007, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã mở 12 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hội cho 1.498 cán bộ hội các cấp. Hội Nông dân các tỉnh, thành phố phối hợp với các trường, các trung tâm bồi dưỡng chính trị của tỉnh và huyện tổ chức 1.800 lớp bồi dưỡng cho 112.890 cán bộ hội. Nhờ đó, trình độ chuyên môn, năng lực công tác của cán bộ hội các cấp, nhất là hội cơ sở, được nâng lên đáng kể.

Chỉ có thể phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam theo hướng hiện đại khi đặt nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, đầu tư và chăm lo trước tiên cho việc nâng cao, cải thiện đời sống nông dân, mà trước nhất là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Những năm qua, Hội đã mở 47 trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân. Trong 5 năm trở lại đây, các cấp hội đã tổ chức dạy nghề cho 416.559 lao động nông thôn và hỗ trợ được 160.710 người có việc làm mới trong nước, trực tiếp xuất khẩu trên 6.000 lao động nông thôn. Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp hội ngày càng phát triển và hoạt động mang lại nhiều tác dụng thiết thực cho hội viên, nông dân. Đến nay có 54/64 tỉnh, thành, 370/640 huyện, thị và 4.200/11.000 cơ sở hội có Quỹ Hỗ trợ nông dân. Năm 2007, các cấp hội đã vận động xây dựng quỹ được 40,2 tỉ đồng, đạt 140% kế hoạch năm, đưa tổng nguồn vốn của cả hệ thống quỹ hội đạt hơn 312 tỉ đồng. Quỹ đã hỗ trợ cho trên 1,5 triệu hộ nông dân vay với số vốn quay vòng 1.300 tỉ đồng, giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm mới, tăng thu nhập, góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Trung ương hội đã tổ chức ký và thực hiện các chương trình phối hợp với hơn 40 bộ, ngành để hỗ trợ cho các cấp hội hoạt động trên nhiều mặt, thúc đẩy các phong trào nông dân phát triển. Năm 2007, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giải quyết cho gần 1,5 triệu hộ nông dân ở 85.425 tổ vay vốn với tổng dư nợ 16.820 tỉ đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập được 108.000 tổ tiết kiệm vay vốn, giúp hơn 1,9 triệu hộ nông dân vay 11.008 tỉ đồng thực hiện 5 chương trình kinh tế - xã hội, trong đó chủ yếu là cho hộ nghèo vay; phối hợp với các doanh nghiệp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy nông nghiệp, đồ dùng sinh hoạt theo phương thức trả chậm với lãi suất thấp. Trung ương Hội cũng phối hợp với các bộ, ngành triển khai các chương trình, dự án của Chính phủ hỗ trợ đồng bào dân tộc xóa đói, giảm nghèo ở 18 tỉnh, triển khai chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở 24 tỉnh, chương trình dự án khuyến nông, khuyến lâm và hỗ trợ sản xuất ngành nghề nông thôn ở 20 tỉnh, thực hiện chương trình vay vốn quốc gia giải quyết việc làm (dự án 120) ở 10 tỉnh, chương trình trợ giúp pháp lý ở 23 tỉnh... Các chương trình, dự án đã và đang được triển khai tích cực và đạt kết quả đáng kể.

Phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn phải đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu và bảo đảm yêu cầu hài hòa với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Chỉ có thế, mới có thể đạt được sự phát triển bền vững, nhân văn.

Các cấp hội phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công, 5 năm qua đã mở được 235.000 lớp tập huấn kỹ thuật cho hơn 12 triệu lượt hộ nông dân, xây dựng 11.000 điểm trình diễn mô hình phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, thông qua hoạt động trình diễn nhằm phổ biến, nhân rộng mô hình. Nhờ đó, có hàng trăm ngàn hộ nông dân thoát nghèo, nhiều hộ đã vươn lên thành hộ khá, giàu. Chỉ tính riêng năm 2007, Hội đã trực tiếp giúp 252.600 hộ nông dân thoát nghèo.

Thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg và Công văn số 1502/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, gắn với thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, các cấp hội đã triển khai nhiều biện pháp tích cực tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hàng triệu lượt nông dân. Năm năm qua, các cấp hội đã vận động hòa giải thành công hơn 190.700 vụ việc, trong đó chủ yếu là các tranh chấp đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng; phối hợp cùng chính quyền và thanh tra các cấp giải quyết hàng ngàn đơn thư khiếu nại, tố cáo, hạn chế khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp, góp phần thiết thực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Theo Tạp chí Cộng sản

(Xem tiếp)

Chia sẻ bài viết