18/12/2014 - 22:09

Hội nhập bằng văn hóa truyền thống

Gần đây, ngành văn hóa Cần Thơ có nhiều nỗ lực trong gầy dựng phong trào ở cơ sở để phục vụ tốt hơn nhu cầu giải trí của người dân và hội nhập, vươn ra "biển lớn" ở các kỳ liên hoan, hội diễn.
Xác định hội nhập trên nền tảng văn hóa truyền thống, ngành văn hóa thành phố năm qua đã gặt hái nhiều "quả ngọt" tại những lần "đem chuông đi đánh xứ người".

Năm 2014, Cần Thơ đã tham gia và đăng cai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật. Đây là cơ hội để văn hóa Cần Thơ có dịp thể hiện tiềm năng, bản lĩnh, qua đó rút kinh nghiệm để phát triển phong trào địa phương.

Cuối tháng 11-2014, Cần Thơ tham gia Liên hoan Văn nghệ và trình diễn trang phục truyền thống và chương trình diễn xướng lễ hội dân gian tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ được tổ chức tại Hậu Giang. 7/7 tiết mục đều có giải: 3 giải A, 2 giải B, 2 giải C. Trong đó, đáng chú ý nhất là phần diễn xướng lễ hội, Cần Thơ chọn tái hiện lễ hội Cầu mưa của bà con Khmer và đạt giải A.

Chương trình diễn xướng lễ hội Cầu mưa của đoàn Cần Thơ tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ 2014 đạt giải A. Ảnh: DUY KHÔI

Lễ cúng Neak Tà, trong đó có nghi lễ cầu mưa, là tín ngưỡng dân gian của đồng bào Khmer Nam bộ, mang đậm dấu ấn của cư dân nông nghiệp. Lễ này diễn ra tại miếu Neak Tà vào đầu tháng 5 dương lịch hằng năm, cầu sự bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Tuy nhiên, trong mùa mưa, nếu trời không mưa hoặc lượng mưa ít, dẫn đến thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, đồng bào Khmer tiến hành nghi thức cầu mưa bất thường. Bằng hình thức sân khấu hóa, lễ hội được tái hiện một cách sinh động, đúng truyền thống với các đội hóa trang chằn, khỉ, hình nộm, đội múa trống sa dăm và các vị bô lão, nông dân trong phum sóc đến miếu Neak Tà dâng lễ vật cầu mưa. Sự kết hợp của âm nhạc và vũ điệu cùng với không khí linh thiêng của lễ cúng đã mang đến thành công cho chương trình.

Trước đó, đầu tháng 11-2014, đoàn nghệ nhân TP Cần Thơ cũng đã mang về giải A tại Liên hoan Diễn xướng văn hóa dân gian các dân tộc và trình diễn trang phục diễn ra tại TP Đà Lạt với việc tái hiện Lễ hội Kỳ Yên. Cả hai phần lễ và hội được sắp xếp gọn gàng, tinh tế trên sân khấu, vừa đảm bảo đúng các nghi thức truyền thống vừa hấp dẫn người xem. Ông Huỳnh Nhật Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố, cho biết: "Tính truyền thống và tính hấp dẫn chính là hai yêu cầu cần đạt khi diễn xướng lễ hội". Thật ra, trước đây, Cần Thơ đã tham gia diễn xướng một số lễ hội truyền thống như Đại lễ Dâng Y Kathina, Lễ cưới truyền thống của đồng bào Khmer… và đã rút được nhiều kinh nghiệm quý để vừa đảm bảo tính nguyên bản của lễ hội, vừa tạo sự hấp dẫn của nghệ thuật sân khấu hóa.

Một thành công khác của văn hóa Cần Thơ trong năm 2014 là đã đoạt giải Nhì tại phần thi văn nghệ truyền thống trong khuôn khổ Hội thi Văn hóa – Thể thao các trường dân tộc nội trú toàn quốc tại Cần Thơ vào tháng 7-2014. Với các tiết mục đặc sắc như trình diễn nhạc ngũ âm, múa truyền thống và thể hiện sôi động không khí của lễ đua ghe ngo… Cần Thơ đã được giám khảo đánh giá cao, chỉ sau Trường Vùng cao Việt Bắc – đơn vị có bề dày truyền thống.

* * *

Nhiều năm gắn bó với các chương trình diễn xướng của Cần Thơ, theo ông Huỳnh Nhật Danh, khi các lễ hội được diễn xướng hấp dẫn, sinh động thì sức hút khán giả không kém các loại hình khác. Tuy nhiên, không vì thế mà các nhà biên kịch, biên đạo sa đà vào chi tiết nghệ thuật, đánh mất tính truyền thống. "Cái hồn của lễ hội là điểm quan trọng nhất trong mỗi chương trình" – ông Danh nhấn mạnh. Còn nghệ nhân Nguyễn An Long, Trung tâm Văn hóa thành phố, chia sẻ, mỗi lần tham gia diễn xướng lễ hội, anh lại học thêm nhiều động tác nghi thức: bước tấn, bước bộ, "tam bộ nhất bái", "nhất bộ nhất bái"…, qua đó hiểu thêm về nghệ thuật truyền thống, vận dụng kết hợp với múa hiện đại hài hòa.

Việc giới thiệu bản sắc văn hóa Cần Thơ qua các lễ hội, loại hình nghệ thuật truyền thống là hướng đi đúng, cần phát huy. Quan trọng hơn mỗi lần diễn xướng lễ hội cũng là dịp để phục dựng "vốn" văn hóa đang có nguy cơ mai một. Tiêu biểu như lễ hội Cầu mưa, ở Cần Thơ còn lại không nhiều, chỉ tập trung ở một số miếu Neak Tà trên địa bàn quận Ô Môn như Vàm Thới An, Vàm Ba Rích, chùa Sanvor, chùa Pothi Somron… Ông Huỳnh Nhật Danh cho rằng, hướng tới, các ngành chức năng cần triển khai các chương trình nghiên cứu kết hợp khảo sát, sưu tầm các lễ hội truyền thống ở Cần Thơ bài bản để trên cơ sở đó, ngành văn hóa sẽ phục dựng, tái hiện trong đời sống cộng đồng. Nghệ nhân Lê Lan Chi, Trung tâm Văn hóa thành phố, cho biết: "Việc diễn xướng lễ hội không chỉ là biểu diễn văn nghệ đơn thuần mà đó còn là cách bảo tồn văn hóa. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng học hỏi để thể hiện đúng chất".

Là đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân, Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ cũng đang nỗ lực "nối dài" các chương trình đã dàn dựng đến với khán giả thành phố. Tối 11-12 vừa qua, tại sân khấu Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc tế Cần Thơ, Trung tâm Văn hóa thành phố biểu diễn phục vụ các tiết mục văn nghệ đã đạt giải tại Ngày hội Văn hóa – Thể thao – Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ và chương trình Diễn xướng Lễ hội Kỳ Yên. Rất đông khán giả nhiệt tình thưởng thức những điệu múa, lời ca truyền thống. Sắp tới, Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ sẽ mang các chương trình diễn xướng sau khi đã được tinh gọn nghệ nhân, diễn viên cho phù hợp để diễn phục vụ trong chương trình nghệ thuật định kỳ hàng tuần tại bến Ninh Kiều (Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ phụ trách diễn 1 lần/tháng) và chương trình giao lưu các câu lạc bộ trực thuộc trung tâm. Đặc biệt, đợt diễn phục vụ các ngày lễ lớn cuối năm và Tết cổ truyền Ất Mùi, Trung tâm cũng sẽ mang không khí rộn ràng mà linh thiêng của lễ hội Kỳ Yên, lễ Cầu mưa diễn phục vụ người dân thành phố.

* * *

Hội nhập bằng văn hóa truyền thống vào dòng chảy văn hóa Việt Nam là cách làm nhạy bén, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại của ngành văn hóa Cần Thơ. Đó cũng là giải pháp cụ thể hóa một trong những mục tiêu của Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020" đã được Chính phủ phê duyệt: "Mỗi huyện vùng dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển ít nhất 02 nghề truyền thống, dân ca, dân vũ hoặc hoạt động du lịch đặc trưng góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Các giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc được bảo tồn và phát huy".

HUỲNH MAI

Chia sẻ bài viết