18/12/2017 - 14:13

Hội nghị chuyên đề Báo chí và mạng xã hội trong môi trường truyền thông số 

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bình Nguyên

(CTO)-Ngày 18-12-2017, tại Vĩnh Long, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long và Đài PT-TH Vĩnh Long tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề Báo chí và mạng xã hội trong môi trường truyền thông số, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo hội nhà báo, hội viên tại ĐBSCL. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng thời gian qua, để bắt kịp với xu thế mới, nhiều cơ quan báo chí của nước ta đã chủ động tiếp cận với các dạng thức chuyển tải mới của thế giới Internet nhằm giúp đưa sản phẩm báo chí đến với công chúng nhanh, nóng hơn và tăng lượng độc giả.

Trên thực tế, nhiều nguồn tin các nhà báo có được không phải từ các cuộc họp, thông cáo báo chí… mà chính từ mạng xã hội, có những thông tin tương đối đầy đủ, ngôn ngữ viết chuyên nghiệp cho thấy mạng xã hội càng chứng minh vai trò quan trọng trong thu hút sự tương tác, số người sử dụng cũng như trở thành nguồn tin quan trọng của báo chí.

Tuy nhiên, trong môi trường số hóa hiện nay, mạng xã hội giống như “con dao hai lưỡi”, có không ít thông tin trên mạng xã hội hoàn toàn là tin bịa đặt, dễ bị lợi dụng trở thành những tin tức giả mạo, gây hoang mang và bất bình trong dư luận. Một số thế lực thù địch cũng lợi dụng Internet xây dựng các trang web, đặt máy chủ ở nước ngoài đăng tải thông tin sai trái gây kích động chia rẽ thù hằn dân tộc để chống phá Đảng và Nhà nước.

Vì thế, theo ông Hồ Quang Lợi, việc tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề vừa có tính thời sự, vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc và rất bổ ích trong bối cảnh truyền thông số hiện nay.

Báo cáo tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo, nêu rõ sự phát triển của mạng xã hội chính là sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên do các đặc điểm như tính mở, thông tin nhanh nhạy, khó sàng lọc thông tin, nên nhiều phần tử lợi dụng mạng xã hội để làm những việc không đúng pháp luật, gây nhiễu thông tin. Cùng với đó, trong kỷ nguyên số, mạng xã hội đã và đang thay đổi cách tác nghiệp của chính những nhà báo. 

Vì vậy, theo PGS-TS Nguyễn Thành Lợi, trước sự phát triển của mạng xã hội, mỗi nhà báo, phóng viên rất cần sự tỉnh táo trong khai thác sử dụng thông tin và phải luôn kiểm chứng thông tin, cũng như chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Nhóm tác giả Báo Cần Thơ đoạt giải nhất Giải báo chí về ĐBSCL năm 2017

Cùng ngày, Tạp chí Người Làm Báo và Báo Nhà báo và Công luận tổ chức lễ trao “Giải báo chí về Đồng bằng sông Cửu Long năm 2017”.

Sau một năm phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 277 tác phẩm của 231 tác giả và nhóm tác giả, dự giải ở các loại hình báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh, trong đó có 34 tác phẩm vào vòng chung khảo.

Ban tổ chức đã trao giải nhất cho tác phẩm “Văn hóa truyền thống – Trăm năm vẫn trẻ”, của nhóm tác giả Trương Lệ Thu, Nguyễn Thị Lam Tuyền, Lữ Kiều Mai, Đặng Duy Khôi – Báo Cần Thơ; giải nhì tác phẩm “Liệt sĩ Lữ Anh Dồi: Hành trình 38 năm tìm công lý” của tác giả Đặng Công Đoản – Trung tâm THVN tại TP Cần Thơ, “Bão không thổi từ biển” tác giả Trọng Dũng – Đài PTTH Vĩnh Long. Ngoài ra Ban Tổ chức còn trao 3 giải ba và 5 giải khuyến khích.

Nhóm tác giả Báo Cần Thơ nhận giải nhất cuộc thi “Giải báo chí về Đồng bằng sông Cửu Long năm 2017”. Ảnh: Bình Nguyên

Theo đánh giá của Nhà báo Nguyễn Bé, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Giải, các tác phẩm đoạt giải là những tác phẩm tiêu biểu, phản ánh toàn diện về tình hình kinh tế, văn hóa xã hội của ĐBSCL trong năm 2017, có tính định hướng dư luận xã hội; nhiều tác phẩm có tính phát hiện, tác động xã hội tốt, được dư luận đánh giá cao.

Tiếp nối thành công giải năm 2017, ban tổ chức tiếp tục phát động Giải báo chí về Đồng bằng sông Cửu Long năm 2018 với 4 loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình)

Bình Nguyên

Chia sẻ bài viết