20/11/2008 - 08:47

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Học tập Bác để vững vàng hơn trên bục giảng

“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một trong những cuộc vận động lớn của ngành giáo dục và đã được triển khai sâu rộng trong đội ngũ giáo viên. Mỗi người có cách học và làm theo Bác Hồ khác nhau nhưng mục tiêu chung của cuộc vận động này chính là nâng cao chất lượng dạy học, hiệu quả giáo dục. Các giáo viên học được gì từ tấm gương đạo đức Bác Hồ và vận dụng như thế nào vào công việc của mình? Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, 20- 11, phóng viên Báo Cần Thơ ghi nhận ý kiến của một số giáo viên tiêu biểu.

Cô Trương Thị Triều, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai, quận Ô Môn: Học ở Bác tinh thần học tập suốt đời

 

Lúc học phổ thông, tôi rất thích những bài thơ của Bác trong tác phẩm “Nhật ký trong tù”. Qua những bài thơ đó, tôi cảm nhận được tinh thần lạc quan, ý chí vượt khó của Người. Chính tinh thần, ý chí ấy đã tạo nên động lực mạnh mẽ thúc đẩy tôi học tập, nâng cao trình độ trong suốt quá trình công tác của mình. Từ những câu chuyện về Bác, tôi nhận thức rằng cần phải học tập nâng cao trình độ, tiếp cận kiến thức, phương pháp giáo dục mới để làm việc hiệu quả hơn, cụ thể là chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn.

Có thể nói trước khi tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, giáo viên ở trường tôi đã gương mẫu thực hiện đúng kỷ cương, nề nếp trong giảng dạy, chuẩn bị tốt hồ sơ sổ sách giáo án, nghiêm túc chấp hành giờ giấc lên lớp... Thế nhưng, từ khi tham gia cuộc vận động lớn, ý thức của giáo viên được nâng cao hơn. Là một cán bộ quản lý, tôi đã cùng lãnh đạo trường tổ chức nhiều cuộc phát động trong hội đồng sư phạm để hưởng ứng cuộc vận động này. Chúng tôi phát động những việc hết sức cụ thể, như: không lãng phí thời gian, chăm sóc giáo dục trẻ tốt hơn, hình thành kỹ năng sống cho trẻ... Sau mỗi tháng, tập thể cán bộ, giáo viên của trường sẽ đánh giá những việc làm được, những việc chưa làm tốt, thảo luận nguyên nhân và giải pháp khắc phục...

Tôi nghĩ, Bác là tấm gương mà bản thân mỗi người phải phấn đấu học suốt đời. Học tập Bác, tôi học cách say mê, làm việc hết mình vì lợi ích chung, học tinh thần vị tha, học sự phấn đấu vươn lên không mệt mỏi trong học tập, công việc...

Cô Phạm Thị Ngọc Mai, Giáo viên giỏi cấp quốc gia, Trường Tiểu học Thới Hưng 1, huyện Cờ Đỏ: Làm theo Bác bằng những hành động thiết thực

 

Tôi nghĩ, cách hưởng ứng cuộc vận động học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thiết thực nhất là mỗi giáo viên cố gắng hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của mình đối với học sinh, với trường lớp. Chúng ta có thể hiện tinh thần “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ những việc rất nhỏ, như: nhắc nhở học sinh tiết kiệm giấy, viết, điện, nước... để từ đó, dần hình thành cho học sinh cách sống tiết kiệm, vì mọi người. Để giáo dục học sinh, bản thân giáo viên phải làm gương. Vì vậy, trong tác phong, sinh hoạt hàng ngày, tôi luôn chú ý sống giản dị, hòa nhã với đồng nghiệp, gần gũi, sẻ chia với học sinh... Với tôi, đoàn kết vì lợi ích chung là bài học lớn mà tôi học được từ những mẩu chuyện về Bác. Tôi và các đồng nghiệp thường xuyên trao đổi, đưa ra những phương pháp giảng dạy mới để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh; giúp đỡ, hỗ trợ nhau vượt qua những khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống. Khi không hài lòng với nhau điều gì, chúng tôi luôn trao đổi thẳng thắn, chân tình để tìm ra hướng giải quyết, giữ gìn đoàn kết nội bộ.

Từ cuộc đời của Bác, cách sống của Bác, tôi hiểu rằng khi “cho nhiều hơn nhận”, cuộc sống của mình sẽ vui vẻ và hạnh phúc hơn. Đầu năm học này, lớp tôi có 1 học sinh phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tôi đã tìm đến nhà em nhiều lần, trao đổi với phụ huynh để tìm giải pháp cho em trở lại lớp học, động viên em cố gắng vượt khó học tập. Tôi cũng tranh thủ nhà trường để em được hỗ trợ tập, viết... Cuối cùng, học sinh của tôi đã đi học trở lại và từ một học sinh yếu, em học ngày một tiến bộ hơn. Mỗi khi em làm được một bài toán khó hay đạt được điểm khá ở môn Văn là tôi cảm thấy rất vui.

Tôi đang cùng nhiều đồng nghiệp tổ chức ôn tập trái buổi cho những học sinh yếu mà không nhận thù lao. Với chúng tôi, giúp học sinh học tốt hơn chính là học và làm theo Bác một cách thiết thực, sát hợp nhất với công việc của mình.

Thạc sĩ Cao Thị Ngọc Hà, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng: Ý thức hơn về trách nhiệm của mình với trường lớp, học sinh

 

Thực tế, việc thực hiện đúng qui chế giảng dạy, gương mẫu cho học sinh noi theo của mỗi giáo viên đã là thực hiện theo lời dạy của Bác. Thế nhưng, khi tham gia cuộc vận động làm theo lời Bác, mỗi giáo viên càng ý thức hơn trách nhiệm của mình đối với học sinh, đối với đồng nghiệp và những người xung quanh.

Bản thân tôi, khi tham gia cuộc vận động này, tôi luôn cố gắng đầu tư sâu hơn vào bài giảng. Mỗi khi tìm hiểu một câu chuyện về Bác, tôi cảm thấy xúc động trước những việc làm, những suy nghĩ của Bác. Từ đó, tôi cố gắng sống tốt hơn, nhất là trong mối quan hệ với những người xung quanh mình, như: gần gũi hơn với đồng nghiệp, quan tâm sẻ chia những khó khăn của học sinh. Tôi nghĩ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động thiết thực. Bản thân người giáo viên phải làm tốt việc đầu tư cho giảng dạy, soạn giảng, tìm tòi cái mới để học sinh có thể dễ dàng hiểu bài hơn và tiết kiệm thời gian cũng là một cách làm theo lời Bác. Muốn làm được điều đó, bản thân người giáo viên phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ của bản thân, đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với nội dung chương trình mới.

Bên cạnh việc tham gia tổ chức hội thi “Tìm hiểu tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho học sinh trong trường nhằm giúp các em hiểu hơn về tấm gương của Bác để từ đó điều chỉnh lại hành vi của mình, khi giảng dạy những bài thơ của Bác, tôi thường lồng vào những câu chuyện về Bác. Mỗi câu chuyện về Bác đều có ý nghĩa giáo dục to lớn về tính tiết kiệm, về sự chân thành... Qua đó, tôi mong muốn góp phần giúp học sinh tránh những suy nghĩ lệch lạc, định hình lối sống tốt cho các em.

Càng tìm hiểu về Bác, mình càng nhận ra Bác vĩ đại mà cũng rất bình dị. Có những điều tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng vẫn được Bác quan tâm sâu sắc, trong khi mình lại vô tình bỏ qua. Học Bác, tôi trân trọng cuộc sống, trân trọng con người, trân trọng tất cả những gì xung quanh mình dù bình thường nhất, nhỏ bé nhất.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Trí, Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ: Soi rọi lại bản thân, xác định đúng - sai, nên hay không nên làm

 

Trong điều kiện hiện nay, nền kinh tế- xã hội của đất nước đang phát triển, có nhiều thay đổi. Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những mặt tiêu cực, nên cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi vì, tư tưởng của Bác có vai trò định hướng, điều chỉnh một số hoạt động ở các lĩnh vực theo hướng tích cực hơn. Riêng ngành giáo dục, thời gian qua, có những tồn tại, như: tình trạng xin điểm, mua điểm, dạy thêm- học thêm... Đây là những việc làm sai, phản giáo dục. Học tập tư tưởng của Bác, người giáo viên sẽ soi rọi lại bản thân, xác định điều nào đúng, điều nào sai, cái gì nên làm, cái gì không nên làm.

Trong những mẩu chuyện về Bác, tôi học được nhiều nhất là đức tính “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”. Học và làm theo những đức tính này sẽ rất có ích cho công việc, cho cuộc sống của chính mình. Nói về “tiết kiệm”, tôi học được ở Bác “tiết kiệm” không có nghĩa là không chi xài mà phải chi xài đúng chỗ, hợp lý đối với bản thân, gia đình và đơn vị công tác... Trong từng trường hợp cụ thể, tôi nhắc nhở sinh viên sử dụng các thiết bị đèn, quạt theo đúng tinh thần tiết kiệm và không chỉ áp dụng điều này ở trường học mà phải cả trong sinh hoạt hằng ngày. Tôi còn học được ở Bác tính khiêm nhường, cụ thể là hòa nhã, cởi mở với đồng nghiệp. Người thầy đứng trên bục giảng cũng phải cư xử đúng mực với sinh viên, bởi giảng viên không chỉ truyền đạt kiến thức cho sinh viên, mà còn phải dạy đạo đức, cách ứng xử trong cuộc sống.

Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh ở tất cả ngành, nghề nói chung và ngành giáo dục nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, điều băn khoăn của tôi là dường như việc thực hiện cuộc vận động này ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa sâu rộng. Để cuộc vận động đạt hiệu quả cao, cần thực hiện thường xuyên, lâu dài và gắn với từng công việc cụ thể của mỗi người.

 NGỌC - GIANG (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết