18/03/2018 - 17:07

(CT)- Ngày 18-3, Báo Tuổi Trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) chủ trì, phối hợp cùng Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Ngày hội Tư vấn tuyển sinh- hướng nghiệp 2018 tại Trường ĐHCT. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các trường ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng hàng ngàn học sinh ĐBSCL… dự sự kiện này.   

Học sinh quan tâm nhiều

đến các ngành dễ tìm việc làm
Một thí sinh hỏi về ngành Dinh dưỡng ở Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, tại khu vực tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Khoa học xã hội, y dược, công an, quân đội, luật, sư phạm, ngoại ngữ.
 

Ngày hội có 3 khu vực tư vấn chuyên sâu, gồm: Nhóm ngành Khoa học xã hội, y dược, công an, quân đội, luật, sư phạm, ngoại ngữ; nhóm ngành Kinh tế, quản trị kinh doanh, ngân hàng; kỹ thuật công nghệ, nông lâm, giao thông, điện tử. Ban tư vấn gồm 27 thành viên là lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; đại diện các trường ĐH, cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, trường quân đội, công an ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Tại đây, học sinh đã được cung cấp, giải đáp các thông tin liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018. Phần lớn học sinh quan tâm nhiều đến những điểm mới của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2018 (điểm ưu tiên, điểm sàn, số nguyện vọng được đăng ký xét tuyển…); hình thức xét tuyển và ngành học mới ở các trường. Học sinh đặc biệt lưu ý những ngành nghề dễ xin việc làm (sau khi tốt nghiệp) tại các tỉnh, thành ĐBSCL, như: khối ngành nông nghiệp, kỹ thuật, y dược, quân đội,…

Học sinh quan tâm nhiều

đến các ngành dễ tìm việc làm
Chuyên gia tại khu vực Gỡ rối hướng nghiệp - Chọn lối vào đời tư vấn kỹ thí sinh trước ngày thi cần giữ gìn sức khỏe, nghỉ ngơi sao cho phù hợp.

Riêng khu vực Gỡ rối hướng nghiệp - Chọn lối vào đời, các chuyên gia tư vấn tâm lý - hướng nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đã giúp học sinh “gỡ rối” trong việc lựa chọn ngành nghề và quyết định con đường tương lai của mình. Trong khuôn khổ ngày hội còn có 134 gian tư vấn của 79 trường đại học, cao đẳng, trường nghề trong cả nước, cung cấp nhiều thông tin cần thiết về ngành nghề đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh,… cho học sinh.

Học sinh quan tâm nhiều

đến các ngành dễ tìm việc làm
Gian hàng của các trường không kém phần nhộn nhịp.  Trong ảnh: Cán bộ Trường Đại học Cần Thơ tư vấn tuyển sinh cho thí sinh.

Phát biểu tại Ngày hội, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng đánh giá cao vai trò của các đơn vị đã tổ chức Ngày hội này trong 16 năm qua. Ngày hội đã giúp học sinh, phụ huynh nắm bắt kịp thời thông tin hữu ích về những thay đổi trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ; định hình được việc chọn trường, ngành nghề,…Qua đó, giúp học sinh định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp trong tương lai.

B. NGỌC

 

Những điểm mới cần lưu ý trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018

Các mốc thời gian quan trọng

- Thời gian ĐKXT (từ ngày 1-4 đến 20-4): Từ ngày 1-4, các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và điểm tổ chức thu nhận hồ sơ bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) của thí sinh. Thí sinh nộp hồ sơ đến hết ngày 20-4. Từ ngày 10-5 đến 31-5, các trường ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm tải dữ liệu thí sinh ĐKXT từ cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để thí sinh tham khảo.

- Trước ngày 19-7: Các trường ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trang thông tin điện tử của trường. Sau đó (dự kiến ngày 18-7), Bộ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên.

- Từ ngày 19-7 đến 26-7, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT và chỉ được điều chỉnh một lần trong thời gian quy định. Thí sinh sử dụng một trong hai phương thức, gồm: Trực tuyến hoặc bằng phiếu ĐKXT. Thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT bằng phiếu, thời hạn được kéo dài hơn (đến ngày 28-7).

- Trước 17 giờ ngày 16-8, các trường ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm phải công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Đồng thời, các trường phải cập nhật thông tin thí sinh xác nhận nhập học vào cơ sở dữ liệu của cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Thay đổi trong xét điểm ưu tiên khu vực, địa phương

Quy định năm nay, tuy vẫn được giữ lại điểm ưu tiên trong xét tuyển sinh ĐH, CĐ, nhưng Bộ có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế ở các khu vực, tạo sự công bằng trong xét tuyển. Theo đó, điểm ưu tiên đối tượng được giữ nguyên với mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm. Nhưng với mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp, giảm từ 0,5 điểm (theo quy chế tuyển sinh các năm trước) xuống còn 0,25 điểm. Điều đó đồng nghĩa với việc, thí sinh khu vực 1 (vốn được cộng điểm ưu tiên khu vực cao nhất), chỉ được hưởng tối đa điểm ưu tiên khu vực là 0,75 điểm.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã quyết định bỏ quy định chính sách ưu tiên riêng đối với học sinh ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Bỏ điểm sàn, thêm đối tượng được tuyển thẳng

Năm nay, trừ các ngành tuyển sinh đào tạo giáo viên ở các trình độ, Bộ GD&ĐT quyết định bỏ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với các ngành đào tạo trình độ ĐH. Đối với chính sách tuyển thẳng, Bộ GD&ĐT bổ sung thêm đối tượng: Thí sinh được giải thưởng trong các cuộc thi về mỹ thuật do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức; được xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ, trung cấp các ngành đào tạo tương ứng. Thí sinh là người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp...

Bên cạnh đó, Quy chế tuyển sinh sửa đổi quy định việc làm tròn đến hai chữ số thập phân với tổng điểm xét tuyển vào các ngành. Cụ thể, điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Quy chế và được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.

Theo Bộ GD&ĐT, từ ngày 22-8, các trường ĐH, CĐ đào tạo khối ngành sư phạm thực hiện xét tuyển các đợt bổ sung. Trước ngày 31-12, các trường báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2018 về Vụ Giáo dục ĐH.

B.KIÊN (Tổng hợp)

 

 

Chia sẻ bài viết