17/07/2018 - 07:38

Họa sĩ tranh vỏ tràm 

Người dân vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) từ lâu gắn bó với rừng tràm và khai thác nhiều lợi ích như gác kèo ong mật, đặt bắt cá, lấy cây làm cừ để xây dựng nhà, công trình… Thế nhưng, sử dụng vỏ tràm để làm tranh thì thật sự là một ý tưởng rất mới lạ và độc đáo mà họa sĩ Lê Hoàng Nhân (SN 1982), ngụ ấp Cán Gáo, xã Đông Hưng B, huyện An Minh (Kiên Giang) đam mê theo đuổi.

Anh Lê Hoàng Nhân sáng tác tranh bằng vật liệu vỏ tràm. Ảnh: PHƯƠNG ANH
Anh Lê Hoàng Nhân sáng tác tranh bằng vật liệu vỏ tràm. Ảnh: PHƯƠNG ANH

Tuổi thơ anh Lê Hoàng Nhân gắn bó với rừng tràm và ngôi nhà nằm bên dòng sông Trẹm hiền hòa. Sau này, anh càng yêu mến cây tràm hơn bằng cách dùng vỏ thân cây tràm làm tranh. Người U Minh thường tấm tắc: “Khai sinh” dòng tranh vỏ tràm miệt thứ là ông Trương Hữu Võ, thì anh Lê Hoàng Nhân là người giữ lửa và phát triển.

Anh Lê Hoàng Nhân kể: “Trong những năm theo học kỹ sư nông học tại Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh, mỗi khi làm báo tường, cả lớp không ai biết vẽ nên tôi thành họa sĩ bất đắc dĩ”. Sau đó, nhà trường cũng tìm đến anh mỗi khi có thi báo tường, vẽ tranh minh họa. Được tín nhiệm thì trách nhiệm càng cao, vì vậy sau giờ đến lớp, anh tự học thêm hội họa.

Năm 2005, sau khi ra trường về nhận công tác tại Hội Nông dân xã Đông Hưng B, một lần đi công tác anh Nhân tình cờ ghé Phòng Văn hóa Thông tin huyện An Minh đúng lúc cần người vẽ tranh cổ động Đại hội Đảng bộ huyện. Anh xin được xem chủ đề và nhận vẽ. “Nhận xong, tôi mới học hỏi cách thức vẽ tranh bằng sơn dầu. Vậy mà tranh của tôi được Phòng Văn hóa Thông tin huyện khen, “thưởng công” 700.000 đồng”, anh Lê Hoàng Nhân kể lại.

Một năm sau, anh lại lên huyện, lần này đến Hội Nông dân huyện và nhìn thấy bức tranh vỏ tràm treo ở đây. Biết anh đam mê hội họa, Hội Nông dân huyện mời vào Tổ Hợp tác hội họa tranh vỏ tràm huyện. Anh gật đầu và bắt đầu học hỏi các bậc đi trước, trong đó có họa sĩ Trương Hữu Võ. “Bức tranh vỏ tràm đầu tiên tôi phải thức trắng mấy đêm liền mới hoàn thành. Việc này đòi hỏi phải tỉ mỉ xé từng lớp vỏ tràm để đạt màu sắc như mong muốn. Có khi tôi lang thang suốt trong rừng để tìm vỏ tràm hợp với ý tưởng sáng tác”, anh Nhân cho biết.

Tác phẩm của anh hoàn thành, nhiều người ngạc nhiên bởi tài hoa và sự sống động của bức tranh làm bằng chất liệu của chính rừng U Minh. Chỉ với ba màu nâu, vàng, trắng nhưng những bức tranh phong cảnh làng quê của anh đã gợi được nhiều cảm xúc cho người xem. Từng cấp độ màu, độ dày mỏng khác nhau của vỏ tràm đã tạo cảm giác như thật. Từ đó anh bắt đầu chuyên tâm theo đuổi tranh vỏ tràm. Theo anh, chỉ với những gam màu nâu vàng đặc trưng của vỏ tràm, đã đủ gợi không khí quê hương dạt dào trong từng bức tranh.

Theo anh Nhân, màu sắc nguyên liệu quyết định chất lượng tranh vỏ tràm. Anh ngụ tại xã Đông Hưng B, có diện tích rừng tràm phòng hộ tương đối lớn và lâu năm, nên độ bền chắc và màu sắc vỏ tràm khác biệt và phong phú hơn so với vùng khác. Dù vậy, để tranh đẹp hơn, anh lặn lội nhiều rừng tràm trong huyện để tìm thêm những cây tràm lớn, lâu năm. Quá trình tìm vật liệu chiếm khá nhiều thời gian và phải tìm vỏ tràm lúc trời hanh khô, khi làm tranh sẽ đẹp và bền lâu hơn. Lúc đầu, anh sáng tác tranh chỉ để thỏa lòng đam mê, dành tặng bạn bè, người thân; dần dần có người đến mua. “Tranh của tôi đã có các trường học ở TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Cà Mau và một việt kiều Mỹ đến mua”, anh Nhân cho biết. Các bức tranh của anh chủ yếu là cảnh vật, sinh hoạt tại đất rừng U Minh, những danh thắng, di tích của Kiên Giang.

Hiện nay, anh Lê Hoàng Nhân bận rộn với công tác Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đông Hưng B, dù vậy anh vẫn sáng tác đều đặn. Bức tranh anh tâm đắc nhất là “Bên dòng Sông Trẹm”. Đó là tác phẩm đẹp và có hồn bởi người sáng tác đã tỉ mỉ dùng lớp vỏ trong cùng của cây tràm làm đám mây; lớp vỏ kế tiếp có gam màu vàng và vàng sậm được dùng thể hiện dòng sông; lớp vỏ tràm màu nâu thể hiện màu của đất. Ngoài ra cũng có vỏ từ những cây tràm được ngâm dưới nước, có màu đen để điểm xuyến chi tiết cây cầu khỉ, xuồng ba lá… để bức tranh thêm hài hòa. Điểm đặc biệt của tranh vỏ tràm là được làm hoàn toàn bằng thủ công, vì vậy, chính tác giả cũng không thể nào tạo ra hai bức tranh hoàn toàn giống nhau.

Bên dòng sông Trẹm, anh Lê Hoàng Nhân vẫn ngày ngày sáng tác những bức tranh lấy cảm hứng từ quê hương. Anh đang thử nghiệm dùng tranh vỏ tràm làm lại những tác phẩm kinh điển của hội họa. Hy vọng dòng tranh vỏ tràm vùng U Minh Thượng của anh Nhân sẽ thành công và vươn xa hơn nữa.

PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết