06/12/2013 - 08:31

Hoa hướng dương giữa đời thường

Cặm cụi tham khảo tài liệu cho luận văn tốt nghiệp, Nguyễn Vi Linh - sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Cần Thơ, bộc bạch: "Là người khuyết tật nên tôi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, vì vậy tôi luôn ý thức cố gắng nhiều hơn người khác. Tôi phấn đấu học giỏi để sau này có thể sống tự lập, trở thành người hữu ích cho xã hội". Cũng như Linh, một số bạn trẻ dù khiếm khuyết một phần cơ thể, nhưng luôn giàu nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Họ tựa như những đóa hướng dương hướng về ánh sáng mặt trời với niềm tin lạc quan và bản lĩnh tuổi trẻ…

Những ngày này, Nguyễn Vi Linh thường đến thư viện hoặc Trung tâm học liệu của Trường Đại học Cần Thơ để nghiên cứu tài liệu, viết luận văn tốt nghiệp đại học. Vi Linh tâm sự: "Cha mẹ bị nhiễm chất độc màu da cam nên từ nhỏ tôi đã bị tật ở chân trái. Từ đó, mọi sinh hoạt, từ việc vệ sinh cá nhân đến đi học đều cần có sự giúp đỡ của cha". Từ nhỏ, cơ thể Linh đã ốm yếu, thường hay bị bệnh nên đi đâu cha Linh thường phải đưa rước. Biết rõ những khiếm khuyết, hạn chế của mình, Linh càng nỗ lực học tập. Suốt những năm học phổ thông, Linh luôn giữ vững danh hiệu học sinh khá - giỏi. Ngày trúng tuyển vào Trường Đại học Cần Thơ, cha mẹ Linh rất lo lắng, không dám tin Linh có thể một mình tự học tập, chăm sóc bản thân ở thành phố. Linh khuyên cha mẹ yên tâm rồi tự tập chạy xe đạp, tự lo liệu chuyện sinh hoạt cá nhân để chuẩn bị cho cuộc sống mới đòi hỏi khả năng tự lập cao.

Nhiều thanh niên khuyết tật đã nỗ lực vươn lên trong nghề nghiệp, góp phần xóa bỏ sự kỳ thị phân biệt. Trong ảnh: Người khuyết tật tham dự buổi họp mặt kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật.

Những ngày đầu ở trọ, Linh đối mặt với vô vàn khó khăn, từ việc tự đi chợ nấu ăn, tự di chuyển đến trường và xây dựng các mối quan hệ mới. Được sự giúp đỡ của bạn bè và nhất là các thành viên trong Câu lạc bộ sinh viên khuyết tật của trường, Linh dần tự tin hòa nhập và sắp xếp mọi việc ổn thỏa. So với người lành lặn, sinh viên khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong học tập, vì khả năng tự lập tương đối hạn chế, cơ thể không linh hoạt và ít có điều kiện tiếp cận với các chương trình giáo dục kỹ năng ngoại khóa. Ý thức được điều đó, Linh dành phần lớn thời gian cho học tập. Bạn bè của Linh kể rằng, hằng ngày Linh đều sắp xếp đến thư viện đọc sách, tham gia học nhóm, trao đổi bài tập với bạn bè. Nhờ vậy, 3 năm học qua, Linh đều đạt danh hiệu học sinh khá.

Đầu năm 2013, Linh được bầu làm Chủ nhiệm CLB sinh viên khuyết tật của trường. Kể từ đây, Linh đã giới thiệu nhiều sinh viên khuyết tật nhận học bổng, các chương trình hỗ trợ khác cho người khuyết tật. Định kỳ mỗi tháng, CLB đều tổ chức họp mặt thành viên, tổ chức các chương trình văn hóa văn nghệ, hay giao lưu với các CLB, đội, nhóm khác. Qua đó, nhằm giúp sinh viên khuyết tật không còn mặc cảm, tự ti, đồng thời xóa bỏ sự phân biệt, kỳ thị của cộng đồng xã hội đối với người khuyết tật. Chia sẻ về ước mơ, Vi Linh bộc bạch: "Tôi dự định sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ học thêm ngoại ngữ và một số chứng chỉ khác về chuyên ngành công nghệ thông tin. Sau đó sẽ lên TP Hồ Chí Minh để tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp". Linh tin rằng học và làm việc tốt là cách tốt nhất để người khuyết tật chứng minh năng lực để hạn chế sự kỳ thị của xã hội.

Bị sốt bại liệt từ khi lên 2 tuổi nên việc lập nghiệp của Nguyễn Quốc Gia, cựu sinh viên ngành Điện tử, Trường Đại học Cần Thơ (nay là nhân viên kỹ thuật của một công ty sửa chữa sản phẩm điện - điện tử ) là sự nỗ lực không ngừng. Gia bị tật cả hai chân nên việc di chuyển rất khó khăn. Khi còn học phổ thông, cha mẹ phải đưa rước. Những lúc cha mẹ bận việc, thì Gia đi đò để đến trường. Vì con ham học nên cha mẹ Gia cố gắng lo cho con ăn học, gia đình nghĩ cố gắng lo cho Gia đến hết lớp 12. Tin vui Gia thi đậu đại học khiến cha mẹ vừa mừng lại vừa lo. Thấy con ham học, cha mẹ đành chấp thuận cho Gia khăn gói lên Cần Thơ nhập học. Xa nhà, mọi chuyện sinh hoạt của Gia toàn nhờ vào sự giúp đỡ của bạn bè. Mỗi khi đến trường, Gia đều được bạn bè đưa đón, hoặc ở nhà thì bạn bè trong nhà trọ giúp nấu ăn… "Tôi rất biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ bạn bè. Tôi không biết đáp đền các bạn ra sao, chỉ cố gắng học tốt...". Bằng sự nỗ lực, kiên trì không ngừng, người kỹ sư trẻ này đã có công việc với thu nhập ổn định, có thể tự nuôi sống được bản thân.

Dương Minh Châu, cán bộ tại Hội người khuyết tật TP Cần Thơ (quê ở Vĩnh Long) cũng mong muốn góp phần nhỏ bé của mình để ngày càng nhiều người biết và công nhận những đóng góp, nỗ lực của người khuyết tật trong xã hội. Qua đó, giảm bớt sự kỳ thị của xã hội về người khuyết tật. Theo Châu, sau khi tốt nghiệp ngành cử nhân Anh văn - Trường Đại học Cần Thơ, Châu tìm việc làm qua mạng rồi nộp đơn. Nhiều lần Châu được phỏng vấn tuyển dụng, nhưng đều bị từ chối vì lý do là người khuyết tật. Từ một người quen giới thiệu, Châu vào làm phiên dịch viên cho một tình nguyện viên nước ngoài, từ tháng 10-2013 Châu được nhận vào làm chính thức tại Hội Người khuyết tật thành phố cho đến nay. Đảm trách nhiệm vụ mới là thủ quỹ, Châu gặp một số khó khăn và bỡ ngỡ trong cách ghi chép sổ sách, giấy tờ hằng ngày vì công việc không thuộc chuyên ngành của Châu. Để "gỡ khó", ban đầu Châu học hỏi thêm một số kinh nghiệm từ mọi người xung quanh và lên mạng bổ sung kiến thức.

Trong sinh hoạt hằng ngày, Châu gặp khó khăn nhất là những nơi có nhiều bậc thang vì công việc thường xuyên liên hệ công tác ở các sở, ban, ngành. Đôi khi những việc tưởng chừng nhỏ nhưng đủ làm người khuyết tật cảm thấy chạnh lòng. Niềm vui của Châu là có công việc ổn định, được chung tay góp sức giúp đỡ người khuyết tật trong cuộc sống.

Còn rất nhiều bạn trẻ khuyết tật đã và đang nỗ lực vượt khó khăn trong cuộc sống để khẳng định bản thân. Nhiều người không chỉ là điển hình trong học tập, lập thân - lập nghiệp, mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhằm chăm lo, hỗ trợ cho người khuyết tật. Họ là những đóa hoa hướng dương giữa đời thường với nghị lực vượt khó đáng trân trọng.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

 

Chia sẻ bài viết