01/07/2018 - 16:47

Hỗ trợ nông dân Thạnh Phú ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa 

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) triển khai xây dựng Mô hình ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa tại xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ), trong vụ lúa thu đông 2018. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân giảm lượng giống gieo sạ, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận, cũng như hướng đến sản xuất lúa bền vững…

Trong vụ thu đông này, ngành nông nghiệp thành phố, Dự án VnSAT đã chọn 3 hộ nông dân ở xã Thạnh Phú (tại 3 ấp) để triển khai xây dựng mô hình ứng dụng cơ giới hóa giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa. Đó là các nông dân Phạm Văn To (phương pháp sạ bằng máy phun sạ), Nguyễn Văn Lành (dụng cụ sạ hàng) và Nguyễn Văn Ngữ (sạ tay nhưng áp dụng mật độ sạ thưa). Mỗi hộ tham gia với diện tích từ 5.000-8.000m2, mật độ sạ khoảng 90-100 kg/ha, để ngành nông nghiệp so sánh hiệu quả việc áp dụng cơ giới hóa trong gieo sạ, trình diễn cho nông dân trong khu vực thấy hiệu quả của áp dụng cơ giới hóa giảm lượng giống gieo sạ cũng như việc sạ thưa.

Nông dân Phạm Văn To mạnh dạn gieo sạ bằng máy khi tham gia mô hình ứng dụng cơ giới hóa. 

Ông Phạm Văn To, có đất nhà 1,5ha. Trước đây, ngành nông nghiệp có mở 1 lớp "3 giảm, 3 tăng" cho nông dân trong khu vực, ông đã tham gia và ứng dụng kỹ thuật này mấy năm nay. Qua áp dụng "3 giảm, 3 tăng" ông đã giảm giống gieo sạ và phân thuốc đáng kể, lúa ít sâu bệnh và có lợi hơn rất nhiều so với sạ dày nếu như gặp thời tiết bất thường. Nếu như trước đây ông gieo sạ khoảng 25 kg/công tầm lớn thì đến vụ hè thu 2018 chỉ còn 13 kg/công, sạ thưa lúa ít sâu bệnh nên số lần phun thuốc cũng giảm từ 6 xuống còn 3 lần/vụ. Nhờ đó, vụ hè thu vừa qua, với 1,5ha ông thu hoạch khoảng 10 tấn lúa, bán với giá 5.450 đồng/kg được khoảng 55 triệu đồng, trừ chi phí lãi còn khá cao với khoảng 35 triệu đồng.

Tham gia mô hình ứng dụng cơ giới hóa giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa với diện tích 5.000m2 (sạ bằng máy mật độ 9 kg/1.000m2), nông dân Phạm Văn To cho biết: Áp dụng giảm lượng giống gieo sạ theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp trong những vụ lúa đã qua thấy rất hiệu quả, do đó ông đã mạnh dạn tham gia mô hình trình diễn lần này với mong muốn sản xuất lúa hiệu quả hơn nữa. Mô hình được cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến nên ông  tiếp tục giảm giống gieo sạ, phân thuốc; làm sao sản xuất lúa ngày càng hạ giá thành, đảm bảo có mức lời khá và đồng thời sản xuất cũng phải đảm bảo sức khỏe, giữ được môi trường xanh - sạch thông qua việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...

Còn nông dân Nguyễn Văn Lành tham gia mô hình ứng dụng cơ giới hóa giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa với diện tích 8.000m2, sản xuất lúa giống và sạ kéo hàng với mật độ 10 kg/1.000m2. Anh Nguyễn Văn Lành cho biết, trước khi tham gia mô hình đợt này, ở vụ lúa đông xuân 2017-2018, anh gieo sạ mật độ 20kg/công tầm lớn, đã giảm đáng kể so với sản xuất theo tập quán cũ. Cũng nhờ sạ thưa lúa có năng suất cao, nên vụ này với diện tích 8.000m2 anh thu hoạch hơn 7 tấn lúa, bán với giá lúa giống 8.000 đồng/kg được hơn 50 triệu đồng, trừ chi phí còn lời hơn 40 triệu đồng. Sạ thưa đỡ tốn chi phí được khâu giống, lúa ít sâu bệnh chăm sóc dễ hơn, ngoài ra lúa cứng cây cũng ít lo lắng việc bị đổ ngã làm mất năng suất. Tham gia mô hình ứng dụng cơ giới hóa giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa lần này, anh Nguyễn Văn Lành cũng mong muốn giảm lượng giống gieo sạ xuống mức thấp nhất, áp dụng các kỹ thuật sản xuất lúa giống mang lại hiệu quả hơn.

Nông dân Nguyễn Văn Ngữ canh tác lúa với diện tích 24 công tầm lớn. Trước đây, ông sạ dày với mật độ 35-30 kg/công, nhờ tham gia lớp tập huấn "3 giảm, 3 tăng" được tổ chức ở địa phương và về ông đã áp dụng sạ thưa hơn, với 20 kg/công ở vụ đông xuân 2017-2018, 15 kg/công ở vụ hè thu 2018. Theo ông Nguyễn Văn Ngữ, qua sạ thưa cho thấy nhẹ chi phí; giống giảm được phân nữa, phân cũng giảm từ 60 kg/công xuống còn 45-48 kg/công, số lần phun thuốc cũng giảm còn chỉ 2 đợt trong suốt vụ. Sạ thưa tính ra giảm được chi phí khoảng 500.000 đồng/công tầm lớn, trong khi năng suất tương đương so với sản xuất theo tập quán cũ. Vụ hè thu 2018, với 24 công tầm lớn ông thu hoạch được 20,4 tấn lúa, bán giá 5.400 đồng/kg được hơn 110 triệu đồng, trừ chi phí còn lời hơn 70 triệu đồng…

Ông Nguyễn Văn Ngữ tham gia mô hình ứng dụng cơ giới hóa giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa đợt này với diện tích 5.000m2, sạ tay nhưng với mật độ thưa 10 kg/1.000m2 (tính ra chỉ khoảng 13 kg/công tầm lớn). Ông Nguyễn Văn Ngữ cho biết: Trước khi tham gia mô hình, ông đã đi tham quan các mô hình giảm giống mang lại hiệu quả cao, về mạnh dạng áp dụng giảm lượng giống gieo sạ xuống mức thấp hơn nữa. Ngoài ra, tham gia mô hình ông được hướng dẫn kỹ thuật canh tác mới, từ đó ông có điều kiện hướng đến áp dụng triệt để kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm" để sản xuất lúa hàng hóa ngày càng hiệu quả hơn.

Chị Hà Thị Xuân Mai, cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Cờ Đỏ, cho biết: Sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ còn triển khai 3 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa theo "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm" cho khoảng 150 nông dân lân cận mô hình, qua đó giúp nông dân nắm vững kỹ thuật sản xuất lúa cho hiệu quả cao, nâng cao trình độ sản xuất lúa…

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết