23/05/2018 - 15:49

Hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất 

Nhiệm kỳ 2013-2018, các cấp Hội Nông dân (ND) quận Ô Môn tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), hỗ trợ vốn, xây dựng mô hình kinh tế hợp tác... Qua đó, giúp ND mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao...

Gia đình anh Nguyễn Phi Long, ở khu vực Thới Hòa, phường Thới An có trên 20 năm trồng rau muống. Năm 2016, được sự hỗ trợ của địa phương, gia đình anh đầu tư hệ thống tưới nước tự động, trị giá 45 triệu đồng để tưới 6.000m2 đất trồng rau muống. Theo anh Long, trước kia, mỗi ngày gia đình anh tốn gần 50.000 đồng tiền xăng tưới rau, nhưng từ khi có hệ thống tưới tự động chỉ tốn khoảng 3.000 đồng tiền điện/ngày, không tốn công tưới. “Với hệ thống tưới tự động này, tôi có thời gian làm nhiều việc khác, tới giờ, chỉ cần bấm nút trên điều khiển cầm tay là khu vực cần tưới sẽ tự động phun nước tưới rau”- anh Long nói.

Nhờ hệ thống tưới tự động, gia đình anh Nguyễn Phi Long giảm được chi phí sản xuất. 

Bên cạnh hỗ trợ vốn, các ngành chức năng và Hội ND còn vận động gia đình anh tham gia thành lập hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Hòa Phát (gồm 9 thành viên, với diện tích hơn 4ha). Nhờ được tập huấn, chuyển giao KHKT và vận dụng vào sản xuất nên giảm giá thành sản xuất, rau an toàn hơn. Đặc biệt, thương lái đến tận rẫy để thu mua nên đầu ra ổn định. Anh Long cho biết: “Hiện nay, mỗi ngày HTX cung cấp cho thị trường trên 7 tấn  rau, với giá 7.000- 8.000 đồng/kg. Với giá này, ND lời từ 2.000-3.000 đồng/kg”. Với 6.000m2 đất trồng “gối đầu”, mỗi ngày gia đình anh Long cung cấp cho thị trường khoảng 500kg rau muống.

HTX rau an toàn Hòa Phát là một trong nhiều mô hình hợp tác sản xuất ở phường Thới An. Theo anh Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội ND phường, việc vận động nhân dân sản xuất theo hình thức HTX, tổ hợp tác (THT); trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội của Hội ND phường nhiệm kỳ qua. Nhờ đó, đến nay, trong 24,5ha đất nông nghiệp của phường, có 17ha trồng cây ăn trái: cam xoàn, nhãn Ido và cây màu. Anh Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết: “Nhờ sản xuất chuyên canh theo vùng, các cơ quan chuyên môn thuận lợi trong việc chuyển giao KHKT. ND có điều kiện trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau và tránh được tình trạng bị thương lái ép giá”.

5 năm qua (2013-2018), các cấp Hội ND quận nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cho ND vay trên 89 tỉ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ nhiều nguồn vốn khác, các cấp Hội ND quận cũng đã phối hợp cho trên 810 hộ vay 6 tỉ đồng để cải tạo vườn kém hiệu quả gắn với phát triển du lịch, mua bán nhỏ, chăn nuôi, mua vật tư nông nghiệp, giải quyết việc làm… Cấp Hội ND còn phối hợp với các ngành chức năng tập huấn KHKT, kinh tế hợp tác, về kỹ năng sản xuất giảm chi phí cho ND; phối hợp trợ giúp về thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, củng cố 19 tổ đoàn kết tương trợ, 38 THT, 6 HTX và tổ chức ra mắt 8 THT sản xuất...

Nhờ được hỗ trợ vốn, tập huấn KHKT, nhiệm kỳ 2013-2018, ND trong quận đã trồng được 2.547ha cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản được 157,2 ha; toàn quận có 18.425 lượt hộ ND đạt danh hiệu ND sản xuất kinh doanh giỏi,... Từ đó, đưa thu nhập bình quân đầu người của quận đạt 67 triệu đồng/người/năm (năm 2017). Nhiều ND có thu nhập rất cao, như: ông Hà Tấn Tâm làm vườn, chăn nuôi thủy sản và liên kết kinh doanh thu nhập trên 10 tỉ đồng/năm; ông Lê Văn Mao trồng cam xoàn, chăn nuôi thủy sản thu nhập bình quân 7 tỉ đồng/năm; ông Nguyễn Thành Hánh trồng nhãn Ido lãi 550 triệu đồng; ông Huỳnh Văn Long làm ruộng vườn kết hợp nuôi heo sinh sản lợi nhuận 410 triệu đồng/năm...

Mặc dù vậy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ ND có đời sống khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hội ND quận Ô Môn, thời gian tới, các cấp Hội ND quận tiếp tục vận động ND thi đua làm kinh tế giỏi. Đồng thời, phối hợp tạo điều kiện cho ND vay vốn ưu đãi; hướng dẫn, tập huấn chuyển giao KHKT; xây dựng chương trình hỗ trợ cây, con, giống giúp ND phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đặc biệt là tiếp tục củng cố, nâng chất THT, HTX, câu lạc bộ khuyến nông; tổ chức dạy nghề cho ND góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phù hợp với định hướng phát triển chung của quận...

Bài, ảnh: Quang Khuê

Chia sẻ bài viết