04/05/2018 - 07:27

Hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng vú sữa 

Vú sữa là một trong những loại cây ăn quả hương vị rất ngon, có diện tích trồng khá lớn tại TP Cần Thơ, với hơn 1.300ha. Để nâng cao giá trị loại trái cây đặc sản này, ngành nông nghiệp thành phố đang tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất vú sữa theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt gắn với tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại phân khúc thị trường cấp cao, với giá bán cao.

Yêu cầu nâng cao chất lượng

Trái vú sữa không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng mà còn được đánh giá cao trên thị trường quốc tế bởi nó khá quý hiếm do có ít quốc gia trồng được và thường chỉ có trái theo mùa. Tại Việt Nam, trái vú sữa chủ yếu được trồng ở miền Nam, trong đó tỉnh Tiền Giang và TP Cần Thơ  là những địa phương đang có diện tích trồng nhiều, có khả năng cung ứng một lượng lớn trái vú sữa xuất khẩu.

Hằng năm, vú sữa bắt đầu có trái thu hoạch sớm từ khoảng tháng 9 Âm lịch và  chính vụ trong tháng 10 và 11 Âm lịch. Năng suất cho trái của nhiều vườn vú sữa tại TP Cần Thơ đạt trung bình khoảng 10-15 tấn/ha. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu, vú sữa trồng tại Cần Thơ đang cho chất lượng trái khá tốt do có điều kiện đất đai, nước tưới và khí hậu thuận lợi. Các vườn cây vú sữa tại thành phố cũng chủ yếu mới trồng trong giai đoạn gần đây, nhiều vườn cây đang trong thời kỳ “sung mãn”, cho trái nhiều. Song, để phát triển xuất khẩu bền vững, đòi hỏi nông dân trồng vú sữa phải nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.

Theo Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, tiềm năng phát triển xuất khẩu trái vú sữa là rất lớn do Hoa Kỳ và nhiều thị trường khó tính đã “mở cửa” đón nhận loại trái cây này của Việt Nam và hiện cung không đủ cầu. Để tham gia tốt hơn vào thị trường quốc tế, chúng ta phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và tuân thủ việc kiểm dịch thực vật của các nước. Trong đó, vấn đề sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt để  sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường luôn là mối quan tâm số 1 của các quốc gia trên thế giới. Tại thị trường nội địa, những người kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm cũng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, nhất là tại các kênh bán hàng cấp cao.

Thu hoạch vú sữa tại vườn của một hộ dân ở xã Trường Long, huyện Phong Điền. Ảnh: KHÁNH TRUNG
Thu hoạch vú sữa tại vườn của một hộ dân ở xã Trường Long, huyện Phong Điền. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Hỗ trợ nông dân

Thời gian qua, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ và chính quyền các địa phương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm giúp nông dân trồng vú sữa và các loại cây ăn trái nói chung phát huy hiệu quả sản xuất. Khuyến khích, hỗ trợ nông dân  áp dụng các quy trình, mô hình sản xuất tiên tiến vào sản xuất để có chất lượng sản phẩm tốt và đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, vận động nông dân  liên kết với nhau để hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, đối với cây vú sữa, hiện thành phố đã hình thành được một số vùng trồng vú sữa tập trung trên địa bàn các xã Giai Xuân, Nhơn Ái và Trường Long thuộc  huyện Phong Điền. Đáng chú ý là vùng trồng vú sữa tập trung trên địa bàn ấp Tân Hưng và ấp Thới An thuộc xã Giai Xuân với diện tích hơn 220ha. Hiện Phong Điền cũng là địa phương có diện tích trồng vú sữa lớn nhất tại Cần Thơ, với tổng diện tích hơn 1.070ha, tập trung chủ yếu tại xã Giai Xuân với hơn 490ha, xã Nhơn Ái hơn 180ha, Trường Long hơn 100ha, xã Mỹ Khánh và thị trấn Phong Điền mỗi nơi có gần 100ha. Đến nay, nông dân trồng vú sữa tại một số tổ hợp tác và hợp tác xã trên địa bàn huyện Phong Điền cũng được ngành nông nghiệp hướng dẫn và hỗ trợ sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổ liên kết trồng vú sữa ấp Tân Hưng, xã Giai Xuân đã có 4,5ha vú sữa của 8 hộ dân được chứng nhận sản xuất theo VietGAP; Hợp tác xã (HTX) làm vườn Trường Thuận 1 ở xã Trường Long  có 17,5ha cây ăn trái của 21 hộ dân sản xuất theo VietGAP, trong đó trồng  vú sữa,  mít, sầu riêng, nhãn, chanh, chôm chôm... Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, cho rằng: “Áp dụng sản xuất theo VietGAP và các tiêu chuẩn an toàn là rất cần thiết nhằm bán hàng được giá cao. HTX có 34 thành viên, với diện tích trồng vú sữa hơn 36,4ha. Các năm trước, giá bán vú sữa được nông dân tại HTX bán cho thương lái phổ biến ở mức 20.000-25.000 đồng/kg. Vừa qua, có doanh nghiệp xuất khẩu đến ngỏ ý đặt hàng bao tiêu sản phẩm với giá sàn từ 30.000 đồng/kg trở lên nhưng họ đặt yêu cầu trái cây phải có chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn”...

  Theo ông Trương Văn Thể, Tổ trưởng Tổ liên kết trồng vú sữa ấp Tân Hưng, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, hiện có 4,5ha/28,5ha vú sữa tại tổ hợp tác được chứng nhận sản xuất theo VietGAP và tổ hợp tác đang có định hướng tăng thêm các diện tích được chứng nhận nhằm có thể liên kết được các doanh nghiệp để tiêu thụ trái vú sữa ổn định với giá cao hơn hiện nay.

Tháng 4 vừa qua, để hỗ trợ nông dân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố đã mở lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn VietGAP ngay tại huyện Phong Điền để thuận lợi cho nông dân tại huyện  tham dự lớp học. Trong 2 ngày diễn ra lớp học (từ 26 đến 27-4-2018), các học viên đã được các giảng viên và chuyên gia cung cấp nhiều thông tin, kiến thức cụ thể về quy trình sản xuất trái cây theo hướng VietGAP và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt nói chung. Nông dân cũng được hướng dẫn cách sơ cấp cứu và sử dụng an toàn, hiệu quả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cách ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp... Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết thêm: “Ngoài tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình sản xuất đảm bảo an toàn, nhất là sản xuất theo VietGAP, Chi cục cũng quan tâm hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu để có thể đẩy mạnh xuất khẩu trái vú sữa trong thời gian tới”. Theo bà Trần Thị Kim Thúy, trong tháng 2-2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đã tổ chức cho nông dân thành phố đi thăm quan mô hình trồng vú sữa tại Tiền Giang để học cách bao trái vú sữa nhằm chủ động phòng tránh ruồi đục quả và các loại sâu đục trái. Tới đây, Chi cục sẽ cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp đến các vùng trồng vú sữa để hướng dẫn nông dân xác định thời điểm bao trái và cách tiến hành bao trái, cũng như xem xét, có các hỗ trợ cần thiết để khuyến khích nông dân thực hiện bao trái.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết