05/11/2010 - 21:43

Hỗ trợ nhau thoát nghèo

Bà Võ Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ trao Giấy khen cho các gia đình tiêu biểu thoát nghèo bền vững.

Thụ hưởng những chính sách trợ giúp của Nhà nước, thời gian qua, ở các quận, huyện trong thành phố đã có rất nhiều hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo. Đạt được kết quả đó, không thể không kể đến vai trò, trách nhiệm của các hội, đoàn thể trong hướng dẫn, tổ chức các hoạt động, mô hình giảm nghèo. Mới đây, tại buổi họp mặt gia đình tiêu biểu thoát nghèo bền vững, do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) kết hợp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ (gọi tắt là Hội Phụ nữ) TP Cần Thơ tổ chức, những gia đình, tập thể tích cực hưởng ứng và tham gia hoạt động giảm nghèo đã được vinh danh…

* Từ các gia đình thoát nghèo

Trước đây, gia cảnh bà Võ Thị Hồng Mai, ở khu vực 2, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy gặp rất nhiều khó khăn, luôn thiếu trước hụt sau. Không tư liệu sản xuất và vốn liếng làm ăn, hàng ngày, chồng bà đi làm thợ hồ, làm mướn, còn bà Mai đếm các loại bánh cam, bánh bò và bánh tiêu bán dạo trong xóm, nhưng thu nhập vẫn không đủ nuôi cả nhà 5 miệng ăn, nhất là 3 người con đang tuổi ăn học. Đôi khi túng quẫn, bà Mai phải vay vốn lãi suất cao để lo cho cuộc sống gia đình. Đang lúc tìm cách gỡ rối, các cán bộ trong chi hội Phụ nữ khu vực 2 đến vận động bà Mai vào sinh hoạt Hội Phụ nữ. Đầu tiên, bà tham gia tổ hùn vốn và được vay 2 triệu đồng làm vốn bán bánh. Thời gian sau, được hỗ trợ vay 2 triệu đồng vốn lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, bà Mai bán nước mía và bún riêu... Chỉ một thời gian, việc buôn bán gặp nhiều thuận lợi, bà Mai trả hết nợ vay lãi cao. Hiện nay, với số vốn vay 7 triệu đồng và vốn tích lũy lâu nay, bà Mai nghiên cứu mở rộng bán cơm và giải khát, thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày. Bà Mai đã có nhà cửa khang trang, các con học hành đến nơi đến chốn. Bà Hồng Mai bày tỏ: “Chính ý thức chịu khó lao động, tiết kiệm trong chi tiêu và sự giúp đỡ tận tình của Nhà nước và Hội Phụ nữ đã giúp gia đình tôi vượt qua đói nghèo”.

Cùng hoàn cảnh như bà Hồng Mai, ông Nguyễn Ngọc Lệ, là hộ thoát nghèo ở ấp Qui Lân 1, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cũng trải qua quá trình lao động cần cù, vất vả mới có được những thành quả đáng phấn khởi. Nhiều năm trước đây, ông Lệ chỉ biết làm mướn kiếm sống nên luôn chật vật, thiếu thốn. Năm 2004, ông Lệ tham gia sinh hoạt Hội Nông dân và được giới thiệu vay 5 triệu đồng vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội. Biết kiến thức, kinh nghiệm canh tác của mình còn rất hạn hẹp, không có điều kiện tiếp cận và nắm bắt kịp thời những ứng dụng của khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên ông Lệ sắp xếp thời gian tham gia khá đầy đủ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Vợ chồng ông Lệ lên kế hoạch nuôi 4 con heo và 100 con gà. Đồng thời, thấy đất bờ kinh các hộ trồng lúa bỏ hoang, ông mướn trồng các loại hoa màu: Bầu, khổ qua, dưa leo, ớt, dưa hấu... Trong năm, ông Lệ thu hoạch các vụ mùa, trừ chi phí, thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Ông Lệ cho biết, những năm sau này, nhờ học hỏi thêm kinh nghiệm và tích lũy vốn liếng mướn thêm đất canh tác, ông thu lãi từ 40-60 triệu đồng/năm. Năm 2008, gia đình ông được địa phương bình xét thoát nghèo và làm ăn thuận lợi, khấm khá từ ấy đến nay.

Mỗi gia đình tùy theo khả năng, thực lực có những cách vượt khó thoát nghèo khác nhau. Bài học kinh nghiệm chung của họ là: Trước hết, nên liệu lường khả năng kinh tế và lao động của gia đình, lên kế hoạch lâu dài, xem xét kỹ những thuận lợi và bất trắc trong sản xuất, kinh doanh có thể xảy ra trước khi đầu tư vốn, tính toán lời lãi, lấy ngắn nuôi dài, biết tiết kiệm trong chi tiêu “tích tiểu thành đa” và điều quan trọng là ý chí quyết tâm vượt khó thoát nghèo, biết trân trọng thành quả lao động do cần cù, chịu khó mà có. Họ đã từng bước vươn lên, kinh tế dần ổn định và con cái được học hành tử tế, có nghề nghiệp thu nhập phù hợp...

* Đến những mô hình giảm nghèo

Trong những câu chuyện về quá trình vượt khó, vươn lên của các hộ thoát nghèo, bao giờ và lúc nào cũng có dấu ấn của các tổ chức đoàn thể địa phương. Bằng cách tranh thủ và vận dụng linh hoạt các chính sách trợ giúp của Nhà nước, các địa phương đã tập hợp được hội viên và xây dựng các mô hình giảm nghèo, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từng năm.

Hoạt động giúp nhau vượt khó thoát nghèo của Hội Phụ nữ phường An Hội, quận Ninh Kiều là một điển hình cần được học tập, nhân rộng. Hội Phụ nữ phường có 4 chi hội với 44 tổ phụ nữ, 1.972 hội viên, 45 hộ nghèo, trong đó có 39 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và trên 300 phụ nữ trong diện cận nghèo, chưa có việc làm ổn định. Đa số các chị lớn tuổi, trình độ học vấn thấp, không có tay nghề, mong muốn có việc làm gần nhà và làm xong lãnh tiền công ngay để xoay xở chi tiêu gia đình. Thời gian qua, Hội Phụ nữ phường An Hội tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội phát vay cho 251 hộ, với doanh số cho vay trên 1,2 tỉ đồng để buôn bán nhỏ; giới thiệu một số chị em học nghề nấu ăn, uốn tóc, trang điểm, may công nghiệp... do quận Ninh Kiều tổ chức. Hội Phụ nữ phường An Hội còn thành lập 16 tổ hùn vốn với 267 thành viên, hàng tháng hỗ trợ từ 2 đến 4 triệu đồng để các chị giải quyết các khoản chi tiêu gia đình, thực hành tiết kiệm qua mô hình nuôi 80 con heo đất. Hội theo dõi, hướng dẫn chị em cách sử dụng vốn vay đúng mục đích, tùy theo điều kiện gia đình từng chị, như: mua máy giặt làm dịch vụ giặt ủi, hướng dẫn nấu sữa đậu nành, giới thiệu giúp việc nhà, hỗ trợ vốn cho chồng các chị mua xe máy chở khách, mở tiệm sửa xe... Theo chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường An Hội, hàng năm, Hội có từ 5 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ được bình xét thoát nghèo. Qua hoạt động, chúng tôi giúp chị em tự tin khẳng định vị thế của người vợ, người mẹ trong gia đình, xóa dần suy nghĩ an phận, tự ti, lệ thuộc vào chồng...

Hội Nông dân xã Định Môn, huyện Thới Lai cũng xây dựng được mô hình giúp nhau thoát nghèo từ chính sách trợ giúp của Nhà nước. Kết quả khảo sát đầu năm 2010 cho thấy, toàn xã có 253 hộ nghèo, trong đó có 96 hộ là hội viên Hội Nông dân. Các chi, tổ Hội đã giúp hội viên bằng nhiều hình thức, như: cho vay không tính lãi, ngày công lao động, phân bón, cây con giống, khoa học kỹ thuật... Hiện Hội Nông dân xã đang quản lý 14 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ 3,2 tỉ đồng, giúp vốn cho 570 hộ. Hội Nông dân xã giúp 62 lượt hội viên nghèo vay 47 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất; kết hợp đơn vị chức năng tổ chức 15 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, tham quan, học hỏi kinh nghiệm canh tác các mô hình sản xuất tiêu biểu...

Đó còn là mô hình giúp nhau thoát nghèo của Hội Phụ nữ xã Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ), Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh, Hội Phụ nữ phường Thuận Hưng (quận Thốt Nốt), Hội Phụ nữ quận Ô Môn... được đông đảo hội viên đồng tình, tích cực tham gia sinh hoạt, công tác và qua đó vận dụng những chính sách trợ giúp của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thành phố đang chuẩn bị tổng kết Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo (CTMTQGGN) giai đoạn 2006-2010, đồng thời triển khai đợt điều tra, khảo sát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo mới làm tiền đề xây dựng CTMTQGGN giai đoạn 2011-2015 sát đời sống, nhu cầu sinh hoạt thực tế của hộ nghèo để Chương trình này mang lại hiệu quả cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu thiết thực của người nghèo. Biết phát huy những thành quả cũng như khắc phục những hạn chế của giai đoạn trước sẽ là nền tảng vững chắc để thành phố tiếp tục thực hiện tiến trình giảm nghèo trong giai đoạn mới.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết