20/01/2018 - 16:05

Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vốn

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến cuối năm 2017 tổng dư nợ tín dụng đạt trên 6,5 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 18%, tức là ngân hàng đã cung ứng thêm 1,2 triệu tỉ đồng nguồn vốn cho nền kinh tế trong năm qua. Vốn tín dụng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh. Đồng thời lãi suất cho vay năm qua đã giảm 0,5-1% giúp DN giảm bớt chi phí vốn cho DN… Từ những kết quả này, NHNN định hướng năm 2018 tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối… Năm 2018, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17% và điều chỉnh theo tình hình thực tế.

Chính phủ cũng khẳng định chủ trương đồng hành cùng DN thông qua Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2018; trong đó Chính phủ yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động giảm lãi suất cho vay trong năm 2018. Và trong hai tuần qua, nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay để thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ và định hướng của Thống đốc NHNN. Một số ngân hàng đi tiên phong trong việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn là: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank)… đã đồng loạt công bố các mức giảm lãi suất cho vay. Đây là tín hiệu tốt cho thị trường tín dụng ngay tháng đầu năm mới.

Cụ thể, từ ngày 10-1-2018, Agribank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn cho khách hàng là đối tượng ưu tiên có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh từ 6,5%/năm xuống còn 6%/năm và giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 8%/năm xuống còn từ 7,5%/năm. VPBank thông báo giảm lãi suất cho vay đối với các DN vừa và nhỏ (SME) hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên như: hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường sẽ giảm từ 0,5-1%/năm, áp dụng từ ngày 11-1. Vietcombank công bố thực hiện ưu đãi lãi suất từ 15-1 đến 31-12-2018 đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và áp dụng cho cả dư nợ hiện hữu, mức lãi suất áp dụng cho vay ngắn hạn tối đa là 6%/năm. Cũng từ ngày 15-1-2018, BIDV điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam xuống mức tối đa 6%/năm, áp dụng đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, trong đó chú trọng vào khách hàng tốt, tài chính minh bạch, lành mạnh. BIDV còn tiếp tục triển khai các gói tín dụng dành cho các đối tượng trong các lĩnh vực, ngành nghề theo định hướng ưu tiên của Chính phủ với mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,0-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường (gói 10.000 tỉ đồng cho DN vừa và nhỏ; 20.000 tỉ đồng cho khách hàng DN lớn; 3.000 tỉ đồng cho DN siêu nhỏ, DN khởi nghiệp…)…

Với những tín hiệu tích cực của ngân hàng trong việc chủ động giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đã phát đi những thông điệp khẳng định cam kết của ngành trong việc đồng hành cùng DN. Đây cũng là chủ trương lớn và trọng tâm của Chính phủ, của NHNN để tạo đà đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 và đạt mục tiêu ổn định thị trường tài chính suốt năm. DN cũng đang rất kỳ vọng Nghị quyết 01 của Chính phủ sẽ tạo nên “đòn bẩy” thật sự để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh cho DN trên thị trường.

GIA BẢO

 

Chia sẻ bài viết