07/01/2010 - 10:00

Đọc “Tình yêu và lẽ sống”

Họ đã đi qua cuộc chiến tranh như thế

Những bức thư tình của người lính Trần Phương Thạc gửi người yêu và sau này là vợ ông - bà Hoàng Phương Trang được tập hợp trong “Tình yêu và lẽ sống” (NXB Thanh niên ấn hành, quý IV năm 2009). Những bức thư đó như tiếng lòng chung của những đôi lứa yêu nhau trong thời chiến, người ra nơi chiến trường, người chốn hậu phương nhưng họ luôn ý thức trách nhiệm của mình với đất nước, như một câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Mỹ: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”...

 

Những bức thư được Trần Phương Thạc viết từ năm 1965 đến 1968, thời ông là một trong những nhóm thanh niên Hà Nội đầu tiên vào chi viện cho chiến trường Quảng Trị - cũng là quê hương của ông. Lúc đó, ông Thạc là Phó bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm. Còn người nhận là bà Hoàng Phương Trang, lúc bấy giờ là cô nữ sinh Khoa Sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Họ đã yêu nhau và có những kỷ niệm đẹp khi được bên nhau giữa Hà Nội yên bình. Khi nhận được lệnh vào chi viện cho chiến trường Quảng Trị, ông Thạc rất hào hứng lên đường với sự động viên, ủng hộ của người yêu. Trước ngày rời Hà Nội vào Quảng Trị, ông viết: “Lúc này anh thực sự cảm thấy là một người rất hạnh phúc vì được Đảng tin cậy cử về quê hương chiến đấu, vì có một người yêu, một người đồng chí rất chân thành như em” (trang 10). Thời gian làm nhiệm vụ ở chiến trường Quảng Trị, những lúc rảnh rỗi, ông Thạc lại tranh thủ viết thư cho người yêu với bao nỗi nhớ nhung nhưng vẫn luôn ý thức trách nhiệm của mình.

Những lá thư với lời lẽ đơn giản nhưng đầy cảm xúc được Trần Phương Thạc viết nên bằng cả con tim của một thanh niên. Sức cuốn hút của những bức thư đó chính là những con người rất thật với một mối tình có thật, là những cánh thư đã xuyên qua làn đạn của kẻ thù để đến được tay nhau.

Có lẽ, đọng lại nơi độc giả nhiều nhất là tình yêu thắm thiết của những thanh niên thời chiến: “Xa em nhưng hình ảnh em lúc nào cũng gắn liền bên anh... Chắc chắn là trong xa cách nỗi niềm nhớ thương ấy càng lâu càng đọng lại thành một mối tình chung thủy không tan phải không em?” (trang 42). Tác giả còn kể về những chiến công mà ông làm được trong quá trình quần nhau với địch, những hiểm nguy khi mặt đối mặt với kẻ thù hay tình cảm mà đồng bào vùng kháng chiến dành cho ông. “Anh sẽ cố gắng hết sức mình để nếu như ngày mai thực sự là anh không còn nữa, thì hình ảnh mình vẫn sống mãi trong lòng những đồng bào và đồng chí đã cùng chiến đấu với anh, và đối với em, anh sẽ sống mãi trong trái tim em” (trang 103). Chiến tranh đã khiến họ phải xa cách nhưng tình cảm họ dành cho nhau luôn trọn vẹn, sắt son. Thật xúc động khi ông Thạc nhắc lại với người yêu về kỷ niệm những lần ăn kem nơi bờ hồ, cùng uống ly bia nơi quán cốc ven đường...

“Tình yêu và lẽ sống” có sức lan truyền sâu rộng khi vừa mới xuất bản vì trong những bức thư mà ông Thạc viết ngoài chan chứa “tình yêu” còn là “lẽ sống”, là lý tưởng của những thanh niên thời chiến. Ông Thạc luôn động viên người yêu và cả mình phấn đấu hết mình, dũng cảm chiến đấu vì ngày toàn thắng của dân tộc: “Nếu như trong những trận chiến đấu tiếp theo, anh có hy sinh thì em cũng đừng vì thế mà quá buồn. Em hãy dũng cảm lên trong cuộc sống của mình, hãy thay vào những phút bi quan bằng những tình cảm cách mạng, hãy tự hào rằng một người thân yêu của mình đã hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng quê hương” (trang 51). Những trăn trở khi đồng bào nơi thành cổ Quảng Trị khói lửa còn chịu quá nhiều mất mát, đau khổ, khi có đồng đội hy sinh... được ông Thạc chia sẻ với người yêu như chính nỗi đau riêng của mình.

Trong lời giới thiệu cho cuốn sách, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết: “Tôi rất xúc động trước mối tình của họ...” và quả thật như lời Chủ tịch nước nhận xét: “Những dòng nhật ký của anh Trần Phương Thạc, một lần nữa, khơi dậy những tình cảm tưởng như đã lắng đọng từ những ngày tháng cam go nhất của cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại, làm lay động lòng người”(trang 5). Đó là một trong những chuyện tình đẹp của thời chiến tranh.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết