01/02/2018 - 08:49

Vĩnh Thạnh

Hình thành vùng chuyên canh hoa màu 

Trong những ngày này, nông dân huyện ngoại thành Vĩnh Thạnh tích cực chăm sóc hoa màu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2018. Vụ này, toàn huyện gieo trồng hơn 262ha hoa màu, trong đó có hơn 50ha trồng dưa hấu bán Tết, còn lại là ớt, bắp, bí đao và các loại rau ăn lá... phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Anh Trương Công Đạo ở ấp Quy Lân 1 xã Thạnh Quới, cho biết: “Trồng hoa màu vụ này có nhiều thuận lợi, như: thời tiết tốt, bán được giá cao... Năm rồi, tôi trồng 3 công dưa hấu bán Tết, sau khi thu hoạch trừ chi phí còn lời hơn 30 triệu đồng”. Hơn 10 năm nay, ông Võ Ngọc Tại ở ấp Qui Lân 1, xã Thạnh Quới đã chuyển 3 công đất trồng lúa sang chuyên canh dưa hấu, trồng 3 vụ/năm. Nhờ nắm bắt tốt khoa học kỹ thuật trong chăm bón cũng như sử dụng màng phủ nông nghiệp, dùng mồi nhử côn trùng gây hại làm hư trái… mỗi vụ gia đình ông thu lợi nhuận từ 20-30 triệu đồng.

Với kinh nghiệm nhiều năm ông Tại cho rằng: “Trồng dưa hấu quan trọng nhất là thời tiết, nếu thuận lợi, thu nhập gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa. Nhờ trồng dưa hấu mà gia đình tôi có thu nhập ổn định, đón Tết cũng sung túc hơn”.

Mô hình trồng củ cải trắng của anh Đặng Hồng Sơn.Mô hình trồng củ cải trắng của anh Đặng Hồng Sơn.

Bên cạnh hoa màu phục vụ Tết, bà con nông dân huyện ngoại thành còn gieo trồng hơn 301.000 gốc hoa kiểng, tương đương diện tích hơn 224ha, chủ yếu là các loại hoa cúc, vạn thọ, hướng dương… trong đó trồng trong chậu 109.100 cây… Năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Bảy ở ấp Bờ Bao, xã Thạnh Tiến chuẩn bị đưa ra thị trường Tết khoảng 4.000 chậu hoa vạn thọ. Năm trước cũng với số lượng này, gia đình anh thu nhập khoảng 80 triệu đồng. 

Anh Bảy cho biết: “Trồng hoa không khó lắm nhưng đòi hỏi phải có kỹ thuật. Mỗi ngày phải dành nhiều thời gian làm cỏ, tỉa chồi, theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển của cây để có cách bón phân, phun thuốc hợp lý”.

Diện tích phát triển hoa màu của huyện Vĩnh Thạnh tập trung nhiều ở các xã phía Nam sông Cái Sắn, như: Vĩnh Bình, Vĩnh Trinh, Thạnh Quới, Thạnh Lộc… Nông dân sản xuất chủ yếu theo hình thức xen canh trên nền đất ruộng giữa 2 vụ lúa, một số chuyển đổi diện tích đất nhỏ lẻ sang chuyên canh dưa leo, bí đao, ớt,… cho hiệu quả khá cao.

Riêng ở xã Thạnh Lộc vài năm nay đã hình thành vùng chuyên canh củ cải trắng có quy mô khá lớn. Trong số hơn 40ha sản xuất hoa màu của xã đã có đến 24ha chuyên canh cây củ cải trắng, bằng cách tận dụng bờ kênh, đê bao quanh ruộng hoặc đất trống quanh nhà. Theo nông dân, củ cải trắng khá dễ trồng, nhẹ công chăm sóc. Đến vụ thu hoạch, người trồng tập kết hàng hóa tại điểm hẹn, thương lái đến tận nơi thu mua và mang đi tiêu thụ.

Anh Đặng Hồng Sơn ở ấp Tân Lợi, xã Thạnh Lộc đã thuê diện tích tương đương 6 công đất để trồng củ cải trắng, trung bình mỗi vòng quay, gia đình anh bán được hơn 60 triệu đồng, thu lời hơn 40 triệu đồng. Anh Sơn cho biết: “Để tránh tình trạng dội chợ, tôi chia làm 3 đợt gieo hạt, mỗi đợt khoảng 2 công đất, cứ 2 tuần lễ là tôi xuất bán một đợt. Nếu đợt này giá thấp thì đợt sau bù lại, giá sẽ cao hơn”.

Ông Nguyễn Văn Cảnh ở ấp Thắng Lợi đã tận dụng diện tích đất trống trước sân và sau vườn nhãn trồng củ cải trắng sau hơn 2 tháng thu nhập được gần 3 triệu đồng. Ông nói: “Trồng củ cải vòng quay thời vụ nhanh do thời gian sinh trưởng ngắn, chi phí đầu tư thấp, giá thành sản xuất 1kg củ cải từ 1.500 – 2.000 đồng, thu hoạch tùy theo thời điểm mà bán được từ 3.500 – 5.000 đồng/kg, có khi giá cao đến 8.000 đồng/kg”.

Ông Lê Thanh Tứ Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, cho biết: “Mô hình trồng củ cải trắng được xem là hướng đi mới cho nông dân. Nhiều hộ không có ruộng đất sản xuất tận dụng đất trống trước sân, vườn nhà hoặc thuê đất để gieo trồng, tạo thêm công ăn chuyện làm và thu nhập, góp phần cải thiện đời sống. Thời gian tới, địa phương tiếp tục khuyến khích phát triển mô hình này và hướng dẫn bà con cách chế biến củ cải muối đề phòng trường hợp củ cải tươi dội chợ, rớt giá”. 

Bài, ảnh: Minh Hải 

Chia sẻ bài viết