19/10/2017 - 20:52

Hình thành thói quen ứng xử văn hóa 

Hành xử “vô tư”  

Tối thứ sáu, Nhà sách Phương Nam (quận Ninh Kiều) tấp nập khách. Ở quầy bán sổ tay, nhiều bạn trẻ đang lựa chọn quyển sổ tay xinh xắn theo ý thích. Bên cạnh tôi, cô gái trẻ cũng chọn quyển sổ tay. Cô cứ mở hết bao kiếng quyển sổ này đến quyển sổ khác, xem xong, không thèm trả sổ lại như lúc đầu. Cô lục tìm từ đầu quầy đến cuối quầy, cầm sổ lên xem rồi để ngổn ngang trên kệ. Một vài khách hàng nhìn cô gái e ngại rồi lảng qua quầy khác, đợi cô gái chọn xong mới quay lại.

Có lẽ vì bức xúc trước hành vi của cô gái, người khách đứng gần liền lên tiếng: “Con xem xong để lại chỗ cũ, đến người khác xem. Con thấy dòng chữ trên quầy không?”. Quả thật, trên quầy có dòng chữ: “Xem xong xin quý khách để đúng vị trí. Xin cám ơn!”. Lúc này, tôi đang đứng ở quầy tính tiền, cô nhân viên ngao ngán nói: “Mỗi ngày, nhân viên phải sắp xếp quầy sổ tay, vì nhiều học sinh, sinh viên mặc tình chọn sổ, xong để bừa bộn trên kệ. Ý thức nơi công cộng của các bạn trẻ còn kém quá…”.

     Dạy trẻ em xếp hàng chờ đến lượt chơi trò chơi cũng là cách giáo dục căn cơ thế hệ trẻ ứng xử văn hóa nơi công cộng.

Hình ảnh bạn trẻ vô tư xả rác những nơi công cộng cũng không hiếm gặp, nhất là tại các quán ăn. Tối thứ bảy, quán Ghế Gỗ (khu vực Hàng Dương, quận Ninh Kiều) có 3 bàn tiệc sinh nhật được trang trí đẹp mắt và hoành tráng. Từng nhóm bạn trẻ ăn mặc đẹp, thời trang , vui vẻ ăn uống, rôm rả chúc mừng chủ nhân bữa tiệc. Lúc sau, dưới những bàn tiệc vương vãi đầy giấy vệ sinh, dù mỗi bàn tiệc đều được chủ quán bố trí sọt rác ngay bên cạnh. Có dịp ghé qua Công viên bến Ninh Kiều các buổi tối, ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp các nhóm thanh niên bày tiệc sinh nhật vui nhộn trên thảm cỏ và sau khi tiệc tàn là “hiện trường” ngổn ngang ly, hộp giấy…

Nền tảng giáo dục

Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia về xã hội học, cách hành xử cá nhân hình thành từ sự vận hành của xã hội. Trong đó, bao gồm gia đình, một cộng đồng nào đó hay phạm vi rộng toàn xã hội. Những bạn trẻ này nếu được giáo dục từ nhỏ trong gia đình phải giữ vệ sinh chung, những quy tắc chung phải tuân thủ nơi công cộng…và khi lớn lên, trưởng thành trong môi trường sống mà cộng đồng, xã hội đều vận hành theo, chắc rằng họ sẽ không hành xử như trên.

Chị Nguyễn Thị Hoa, nhân viên có kinh nghiệm phục vụ nhiều năm, cho biết, Nhà hàng Cửu Long River (quận Ninh Kiều) nơi chị làm việc có rất nhiều khách nước ngoài đến ăn uống và dẫn theo con nhỏ. Các em nhỏ khi ngồi ăn với cha mẹ đều bỏ rác vào sọt. Lúc nào, bàn ăn cũng gọn, sạch, không nhiều rác và thức ăn rơi vãi trên khăn trải bàn. Khi được nhân viên mang thức ăn đến phục vụ, khách chào thân thiện và nói cảm ơn. Có dịp phục vụ tiệc trên du thuyền bến Ninh Kiều, chị chứng kiến nhiều khách Tây không tìm thấy thùng rác hoặc thùng đầy rác thì tay cứ giữ vỏ chai nước suối, đợi khi du thuyền cặp bến và bước lên bờ, khách mới bỏ chai vào thùng rác công cộng. Trong khi đó, không ít bạn trẻ cùng đi trên thuyền “vô tư” ném… xuống sông cho… gọn!

Nếp sống văn minh phải bắt đầu từ giáo dục nhân cách. Giáo dục ứng xử văn hóa nơi công cộng cũng bắt đầu từ nếp nhà, nơi mà nền tảng nhân cách ban đầu hình thành. Và dĩ nhiên, không thể thiếu vai trò quan trọng của các tổ chức, đoàn thể quan tâm, giáo dục định hướng để thế hệ trẻ ứng xử có văn hóa.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết