25/03/2009 - 20:57

Hillary Clinton "nhà ngoại giao điện tử"

Bộ Ngoại giao Mỹ đang tích cực đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao kỹ thuật số nhằm tuyên truyền chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Barack Obama, cũng như khôi phục hình ảnh của Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi người đứng đầu bộ này, cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton, được báo chí Mỹ gọi là “E-diplomat” (nhà ngoại giao điện tử).

So với những người tiền nhiệm, Ngoại trưởng Clinton tỏ ra “cao tay” hơn trong việc khai thác triệt để sức mạnh Internet để lấy lòng cộng đồng thế giới. Cũng cần nhắc lại rằng sau thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 11 năm ngoái với sự hỗ trợ đắc lực của Internet, khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã chủ trương tận dụng phương tiện truyền thông mới này như một công cụ chủ chốt để kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm của cử tri Mỹ.

“Ngoại trưởng điện tử” Hillary Clinton trong một chuyến công cán nước ngoài. Ảnh: AP 

Ngay khi tiếp quản Bộ Ngoại giao, ê-kíp của bà Clinton chủ động phát huy các sáng kiến ngoại giao điện tử hình thành dưới thời Tổng thống George Bush. Trước hết là tân trang website www.state.gov và trang Dipnote (blog chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ), bổ sung một loạt tính năng mới, tăng cường hình ảnh đồ họa và bài viết được trang trí màu sắc sống động. Người dùng Internet có thể theo dõi bước chân công du của Ngoại trưởng Clinton trên bản đồ tương tác (ở trang chủ website Bộ Ngoại giao). Ngoài ra, chỉ cần ghé các trang như Facebook, Twitter, Flickr và YouTube, bất kỳ ai cũng có thể nắm bắt gần như mọi nhất cử nhất động của nhà ngoại giao số 1 Hoa Kỳ. Chưa hết, ai cũng có thể đặt câu hỏi với chính trị gia 62 tuổi này thông qua mục “hỏi ngoại trưởng” – gần đây được đổi thành “nhắn tin cho ngoại trưởng”.

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, số lượt người xem blog Dipnote hiện tăng gấp đôi so với cách đây 1 năm, lên 20.000 lượt/ngày, với 700 người đăng ký duyệt đầu tin RSS – tăng 2 lần so với tháng 3-2008. Số “tín đồ” của bà Clinton trên trang Twitter tăng gấp 3 lần kể từ khi Tổng thống Obama tuyên thệ nhậm chức hôm 20-1, trong khi số thành viên (của trang Bộ Ngoại giao Mỹ) trên Facebook tăng 2,5 lần trong cùng thời điểm.

Website đầu tiên của Nhà Trắng ra mắt năm 1994, thời bà Clinton là đệ nhất phu nhân. Khi đó, trang whitehouse.com cũng giống như bộ xương, chưa đủ da đủ thịt như hiện nay. Ba năm sau, Bộ Ngoại giao Mỹ xuất hiện trên Internet, đó là thời Ngoại trưởng Madeleine Albright. Tuy nhiên, chỉ đến năm 2007, dưới sự điều hành của phát ngôn viên Ngoại trưởng Condoleezza Rice, ông Sean McCormack, trang state.gov mới bắt đầu khai thác thế mạnh của Internet. Chính McCormack khởi xướng blog Dipnote chuyên về hậu trường của ngành ngoại giao Mỹ. Đến khi bà Clinton lên nắm quyền Bộ Ngoại giao, Dipnote được cải tiến thêm chức năng Twitter feed và có thêm mục nhật ký của các nhà ngoại giao.

Trong hai chuyến công cán nước ngoài đầu tiên của bà Clinton - tới châu Á, rồi Trung Đông và châu Âu vừa qua cộng đồng blogger ở nước sở tại liên tục được cập nhật thông tin về mọi mặt, từ đội quân báo chí tháp tùng theo bà, nội dung các cuộc gặp cho đến những lần bà xuất hiện trước công chúng. Trước khi bà kết thúc chuyến thăm Trung Đông, mục “nhắn tin cho ngoại trưởng” nhận được tổng cộng gần 2.000 tin nhắn. Trong thời gian công du ở châu Á, Trung Đông và châu Âu, bà Clinton còn góp mặt trong các chương trình phát thanh truyền hình trực tuyến. Chẳng hạn, chương trình nói về cuộc họp bàn về hiện tượng biến đổi khí hậu với giới chức Trung Quốc thu hút hơn 10,2 triệu lượt người xem, hơn 50.000 ý kiến phản hồi và 7.000 câu hỏi.

Hiện tại, các trợ lý của Ngoại trưởng Clinton dự định sẽ khai thác triệt để mạng xã hội, thế giới ảo trực tuyến Second Life và công nghệ điện thoại di động. Ngoài ra, họ hy vọng sẽ tiếp nối dự án từ thời chính quyền Bush, tập hợp Facebook, Google, Howcast, YouTube, AT &T, MTV, khoa luật Đại học Columbia, Access360Media và Gen-Next để tổ chức một hội nghị cấp cao Liên minh các phong trào thanh niên (hội nghị lần thứ nhất diễn ra tháng 12 năm ngoái tại New York). Chưa hết, Bộ Ngoại giao Mỹ còn có kế hoạch nâng cấp X-life – game điện thoại di động tung ra hồi tháng 2 vừa qua, nhằm giúp thanh niên ở Trung Đông học tiếng Anh và tiếp cận nền lịch sử, văn hóa và các giá trị của Mỹ.

ĐÔNG NGUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết