09/06/2018 - 09:22

Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018)

Hiệu triệu sức mạnh toàn dân tộc 

Ngày 11-6-1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, trong tình thế đất nước vô cùng khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, nhằm động viên toàn thể dân tộc tham gia đóng góp cho cách mạng. 70 năm qua, lời kêu gọi của Người vẫn mãi thúc giục tinh thần thi đua ở mỗi người dân Việt Nam yêu nước; phong trào thi đua yêu nước luôn bám sát yêu cầu thực tiễn đất nước, gắn bó thiết thân với cuộc sống của người dân và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Đảng ủy Khối Cơ quan Dân Chính Đảng TP Cần Thơ biểu dương, khen thưởng các tập thể điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Q.LAM

Lan tỏa phong trào thi đua ái quốc

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp tăng cường các hoạt động đánh phá với mục đích chiếm nước ta một lần nữa. Đất nước lâm nguy với thù trong, giặc ngoài, nạn đói khắp nơi... Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm huy động sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam cùng thực hiện nhiệm vụ cấp bách của cách mạng. Người đã tập trung khả năng và sức lực của nhân dân cùng đưa đất nước vượt qua nạn đói, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Lời kêu gọi thi đua ái quốc chỉ với 411 từ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn đến tận ngày nay.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng mạnh mẽ của mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi lứa tuổi. Thời điểm này, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực như: Tuần lễ vàng, Bình dân học vụ, Quỹ đảm phụ Quốc phòng...

Năm 1950, phong trào thi đua xây dựng đời sống mới, phong trào thi đua trong sản xuất nông nghiệp: Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu. Năm 1951, thi đua với tinh thần “ruộng đất là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”. Năm 1953, phong trào “thi đua đóng thuế nông nghiệp” góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 

Giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giành độc lập dân tộc ở miền Nam (1954 - 1975), các cuộc phát động hưởng ứng thi đua trong toàn dân: Gió Đại Phong, Cờ Ba Nhất, Thanh niên ba sẵn sàng, Phụ nữ ba đảm đang, Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt… tạo thành sức mạnh tổng hợp làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng ta tiếp tục phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, bám sát thực hiện các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với các phong trào: Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay), thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi và thực hiện ngày càng hiệu quả: Xóa đói, giảm nghèo; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Thi đua quyết thắng; Thi đua dạy tốt, học tốt; Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Trải qua các chặng đường lịch sử, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào tư tưởng và hành động của các tầng lớp nhân dân, kết nối sức mạnh nội tại của dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.

 Giá trị trường tồn

70 năm qua, lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn đó như là một lời hiệu triệu, mãi thúc giục lòng yêu nước và tinh thần thi đua ái quốc của toàn thể dân tộc Việt Nam. Lời kêu gọi của Người đã động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Trong công cuộc đổi mới và phát triển, lời kêu gọi thi đua yêu nước vẫn luôn là nền tảng, là động lực thu hút mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, ban ngành trong xã hội hưởng ứng. Đảng và Nhà nước ta tiến hành xây dựng, ban hành kịp thời những đường lối, chủ trương và chính sách, pháp luật về thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng ngày càng hoàn thiện, bám sát yêu cầu thực tiễn đất nước.

70 năm- một chặng đường lịch sử- tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn trong việc chỉ đạo, định hướng các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng. Ngày nay, các phong trào thi đua yêu nước được phát động và triển khai sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Các mô hình, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các anh hùng, chiến sĩ thi đua được nhân rộng; công tác khen thưởng đi vào nền nếp, khoa học và có sự gắn kết chặt chẽ giữa thi đua và khen thưởng. 

Để tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ ban hành Hướng dẫn số 52-HD/BTGTU nhằm giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, khẳng định giá trị và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước của Đảng và nhân dân ta. Các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị- xã hội tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm trong phát động các phong trào thi đua và công tác thi đua- khen thưởng; động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 và kế hoạch 5 năm 2016- 2020. Nội dung tuyên truyền nêu bật ý nghĩa to lớn của Lời kêu gọi thi đua ái quốc, nội dung, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua- khen thưởng ở các cấp, các ngành… Tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh và nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong các phong trào thi đua, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

TRẤN GIANG

Chia sẻ bài viết