28/04/2014 - 08:45

Hiểu đúng đờn ca tài tử để bảo tồn và phát huy có hiệu quả

 

Trong khuôn khổ Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ I – Bạc Liêu 2014, ngày 27-4, Viện Âm nhạc quốc gia và UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức Hội thảo Bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT. Hơn 200 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nghệ nhân khu vực Nam bộ đã trình bày những hiểu biết, suy nghĩ về ĐCTT và thống nhất quan điểm cần phải hiểu đúng và yêu mến thì mới có cách bảo tồn và phát huy có hiệu quả Di sản của nhân loại.

Báo Cần Thơ xin lược ghi ý kiến của một số đại biểu tại hội thảo.

Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê:
Thuở nay, chưa có loại hình âm nhạc nào gọi là “chơi” như ĐCTT

Nếu như những loại hình âm nhạc khác người ta gọi là trình diễn, biểu diễn thì ĐCTT được gọi là “chơi ĐCTT”. Điều này thể hiện tính ngẫu hứng, tâm tấu, đồng điệu giữa người đờn ca và người nghe. ĐCTT có 20 bài bản Tổ và một số bài nhỏ, người ta gọi là lòng bản. Nhưng khi chơi, người đờn không cần rập khuôn theo lòng bản mà thêm thắt hoa lá sao cho tiếng đờn du dương, mùi mẫn, miễn sao đừng lạc điệu, sai lệch lòng bản là được. Trong ĐCTT có một nguyên tắc thẩm mỹ “học chân phương – đờn hoa lá” là vậy.

Phần đông, khi nhắc đến ĐCTT, người ta cho rằng lối nhạc đó không sâu sắc, chuyên nghiệp mà mang tính cách giản dị, dân gian, nghiệp dư. Thực ra, “tài tử” có nghĩa là người có tài. Người đờn tài tử không dùng tài nghệ của mình làm kế sinh nhai. Khi nào thích đờn thì họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng nhau đờn chơi, ai biết ca cũng có thể tham gia được, đờn ca suốt đêm không chán. Nhưng khi không thích đờn thì dù cho có đem “tiền muôn bạc vạn” đến thưởng thì các tài tử cũng nhứt định không đờn. Tài tử đờn ca thường tập luyện rất công phu, phải theo thầy học chữ nhấn, chữ chuyền, rao sao cho mùi, sắp chữ sao cho đẹp và tạo cho mình một phong cách riêng.

Trước khi vào bản thuộc hơi nào, tài tử đờn luôn có câu rao theo hơi đó. Câu rao miền Nam khác với bản dạo của miền Trung. Bản dạo có bài bản nhứt định còn câu rao phóng túng, ngẫu hứng. Mỗi người có cách rao riêng, không ai giống ai. Rao vừa dẫn người nghe đi dần vào điệu, hơi để nghe bản đờn, vừa là lúc thử xem có phím đờn nào chênh lệch hay không. Giống như người kỵ mã trước khi cỡi ngựa cần phải biết chứng con ngựa mình đang cỡi.

Nhạc sư Nguyễn Tấn Nhì:
20 bài bản Tổ trong nghệ thuật ĐCTT

Đầu thế kỷ 20, bài bản ĐCTT Nam bộ đã lưu hành trong dân gian có gần 100 bài. Tuy nhiên, sự trùng lặp về hơi điệu và câu cú thì rất nhiều, trong khi phong cách trình tấu ở mỗi địa phương khác nhau. Để thống nhất cách chơi trong các cuộc giao lưu ĐCTT, các tài tử miền Đông và miền Tây Nam bộ họp nhau ở Nhà Dài (Cần Đước, Long An) dưới sự chỉ huy của thầy đờn Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), lựa chọn và thống nhất đưa ra 20 bài bản Tổ. Đây là những bài có tính tiêu biểu, đại diện cho 4 hơi điệu căn bản: Bắc, Hạ, Nam, Oán mang đậm bản sắc dân tộc. Hơn một thế kỷ qua, 20 bài bản Tổ này vẫn là chuẩn mực, được giới chơi ĐCTT tuân thủ trong các cuộc so đờn, đấu đờn.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Giáo sư Trần Văn Khê, Phó Giáo sư Lê Văn Toàn và Giám đốc Sở VHTT&DL Bạc Liêu Nguyễn Chí Thiện (từ phải qua) đồng chủ trì Hội thảo.
 

6 bản Bắc: Lưu Thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Cổ bản vắn, Xuân tình, Tây thi có cấu trúc âm thanh được xây dựng trên 5 cung chánh: hò, xự, xang, xê, cống, không nhấn, không rung, có âm chủ đạo là Xàng Liu. Bản Bắc có nét nhạc vui tươi, hùng tráng. Bảy bài Lễ gồm: Xàng xê, Ngũ Đối thượng, Ngũ Đối hạ, Vạn giá, Long ngâm, Long đăng, Tiểu khúc, có âm chủ đạo là Xế Ú, nên lên dây đờn cho các nhạc cụ thường khi buông dây phải rơi đúng chữ Ú, Xừ thì mới chuẩn xác, mang màu sắc tôn nghiêm, thành kính. Ba bài Nam: Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung có âm chủ đạo là Xàng Xang, nghe buồn thương, tỉ tê. Ngược lại, 4 bài hơi Oán: Phụng hoàng cầu, Tứ đại oán, Giang Nam cửu khúc và Phụng cầu hoàng duyên dù phảng phất chất buồn nhưng buồn bi hùng, bi hận.

Ngày nay, dù người chơi tài tử tài nghệ đến mấy cũng phải tuân thủ lòng bản của 20 bài bản Tổ. Hiểu và nắm vững 20 bài này để không sai lệch, bất đồng trong cách chơi và nhất là không làm mất bản sắc của ĐCTT.

Nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ:
Sự đồng nhất và dị biệt giữa ĐCTT và cải lương

Trước hết, có thể khẳng định rằng: cải lương là “hậu duệ” của ĐCTT. Vì vậy, cả hai loại hình khi sử dụng bài bản cổ nhạc đều phải tuân theo nhịp điệu, tiết tấu của lòng bản. Tuy nhiên, lịch sử hình thành và phát triển của cải lương đã cho thấy những nét khác với ĐCTT.

Sân khấu cải lương mang tính tổng hợp, ngoài âm nhạc còn có đạo diễn, diễn viên, mỹ thuật, đạo cụ, phông trí… và rất cần có khán giả, càng đông càng tốt. Trong khi ĐCTT chỉ là loại hình “âm nhạc thính phòng”, chỉ cần không gian hẹp, đơn giản ở vườn cây, trên ghe xuồng…, không gian yên tĩnh. Số lượng người tham gia không quá đông, cốt chỉ là để đờn cho tri kỷ, ca cho tri âm. Với ĐCTT, trước khi vào bài bản phải rao, rồi gài nhịp vô trước để ca bắt nhịp ca theo. Đờn giữ vai trò rất quan trọng, từ ngang đến hơn cả người ca. Cải lương thì lại quan trọng nghệ sĩ ca diễn, đờn chỉ là yếu tố phụ. Ca nói lối, nói dậm hoặc ngâm thơ xong, gài nhịp vô trước rồi đờn mới bắt nhịp ca theo. ĐCTT chơi ngẫu hứng, còn cải lương nặng về biểu diễn của diễn viên nhằm thể hiện một nội dung nhất định. Bên cạnh đó, tài tử mang tính phóng túng của cá nhân nhiều hơn sân khấu cải lương. Bởi cải lương biểu diễn có sự chỉ đạo của đạo diễn và sáng tạo trong khuôn phép khuôn khổ, còn ĐCTT có khuôn phép riêng nhưng thể hiện rất rõ khả năng chẻ nhịp, nhả chữ của người ca.

Tuy nhiên, từ khi cải lương phát triển cực thịnh, âm nhạc trong sân khấu cải lương đã tác động ngược trở lại đối với nghệ thuật ĐCTT. Từ đó, làm nảy sinh sự lược giảm, rút gọn bài bản. Hiện nay, ĐCTT đã không còn câu nệ về niêm luật chặt chẽ, mà thường trình bày theo kiểu “trích đoạn” , rút gọn để đáp ứng nhu cầu “nhanh – gọn” của một bộ phận đối tượng khán giả.

Thạc sĩ Huỳnh Khải, Quyền Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc – Nhạc viện TP Hồ Chí Minh:
Trực truyền vẫn là cách tốt nhất để lưu giữ ĐCTT

Âm nhạc tài tử bao gồm khí nhạc tài tử (tức nhạc không lời ca) và thanh nhạc tài tử (tức biểu diễn có đờn có ca) – dân gian gọi là ĐCTT. Việc truyền nghề trong nghệ thuật ĐCTT hiện nay thuộc về các nghệ nhân, nhạc sĩ. Người truyền nghề không đơn giản chỉ biết đờn ca mà phải giỏi, điêu luyện. Để việc truyền nghề có hiệu quả, người trao truyền cần nắm rõ nguyện vọng, năng khiếu, năng lực của người học để có cách dạy sát hợp.

Cách truyền nghề mà các nghệ nhân ĐCTT vận dụng hàng trăm năm qua là truyền khẩu, truyền ngón trên nền tảng lòng bản, gọi là phương pháp trực truyền. Đến nay, đây vẫn là phương pháp dạy hiệu quả cao, tạo mối dây gắn kết và đồng điệu giữa thầy – trò.

Về nhạc khí, người thầy dạy trò cách đọc và xướng âm bản đờn. Sau khi đã hiểu và xướng âm chữ nhạc tốt, thầy sẽ dạy trò cách đờn. Người thầy luôn theo sát và uốn nắn chữ nhạc, cao độ, rung nhấn và các kỹ thuật mà lòng bản yêu cầu. Phần hòa đờn hết sức quan trọng với người học nhạc khí. Vì mỗi lần như vậy, học trò được dịp thể hiện, sáng tạo những gì đã học. Đờn theo khuôn mẫu là điều tối kỵ. Người đờn phải luôn đổi mới chữ đờn, tạo nét giai điệu mới trong suốt cuộc đời tài tử của mình.

Về thanh nhạc, trước hết, người thầy cũng dạy học trò lòng bản qua cách xướng âm. Phần quan trọng của ca tài tử là phát âm đúng “chính tả tài tử” – nghĩa là “tròn từ, rõ ngữ”. Ngoài ra, thầy ca còn truyền cho trò cách ngắt câu văn rõ ngữ, giữ hơi đầy đặn, âm lượng vừa vặn theo ngữ cảnh…

Kinh nghiệm truyền nghề trực truyền trong ĐCTT của nhiều thế hệ nghệ nhân để lại là rất quý báu. Ngành văn hóa, hội VHNT, trường dạy âm nhạc chuyên nghiệp… cần quan tâm học hỏi, tập hợp các nghệ nhân kinh nghiệm kết hợp với các phương tiện nghe nhìn hiện đại trong truyền dạy ĐCTT. Có như vậy, ĐCTT mới “bén rễ, xanh cây” trong lòng người Nam bộ, xứng danh là di sản của nhân loại.

ĐĂNG HUỲNH (lược ghi)

Chia sẻ bài viết