08/04/2013 - 21:28

Hiệp đồng quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản

Muốn đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản đòi hỏi phải quản lý tốt cả quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Trong ảnh: Mua bán thực phẩm tươi sống tại chợ An Hòa, TP Cần Thơ.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước đánh giá công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản (ATTPNLTS) thời gian qua và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 và các năm tiếp theo. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho biết hiện nguồn nhân lực phục vụ cho việc kiểm tra, quản lý chất lượng, ATTPNLTS tại các địa phương “mỏng” và thiếu các trang thiết bị cần thiết, nên muốn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đòi hỏi phải có cách làm khoa học, hiệu quả và huy động được sự tham gia của toàn xã hội…

Khó kiểm soát

Theo Bộ NN&PTNT, trong các năm qua Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, tăng cường năng lực bộ máy quản lý và có nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) và ATTPNLTS. Đến nay, nhìn chung hệ thống pháp luật quản lý chất lượng, ATTPNLTS đã tương đối hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ, phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn để triển khai Luật An toàn thực phẩm. Các hoạt động tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, khuyến khích xây dựng, phát triển mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc… hiện cũng tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong chất lượng VTNN, ATTPNLTS. Tuy nhiên, các kết quả kiểm tra thời gian qua cho thấy, tình hình chuyển biến còn chậm, vi phạm về chất lượng và ATTP trong một số lĩnh vực còn cao.

Năm 2011-2012, kết quả  giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong rau tại một số tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ mẫu rau có tồn dư thuốc BVTV vượt mức cho phép giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Trong đó, năm 2011 có 106/1.050 mẫu (lấy tại 6 tỉnh, thành) có tồn dư thuốc BVTV vượt mức cho phép, chiếm 10,1% tổng số mẫu được xét nghiệm, năm 2012 có 86/1.200 mẫu (lấy tại 11 tỉnh, thành) vượt mức cho phép, chiếm 8%. Kết quả giám sát ô nhiễm vi sinh vật trong thịt heo, thịt gà trong năm 2011 cho thấy ô nhiễm vi sinh vật tại cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh vẫn khó kiểm soát. Trong đó, tại cơ sở kinh doanh thịt heo đã phát hiện 5/32 số mẫu (tại 8 tỉnh, thành), chiếm 15,63% trên tổng số mẫu được xét nghiệm; năm 2012 phát hiện 28/275 số mẫu nhiễm Samonella (lấy tại 17 tỉnh, thành), chiếm 10%;  tại cơ sở kinh doanh thịt gà phát hiện 30,77% trên tổng số mẫu được xét nghiệm năm 2011 và 38,7% số mẫu năm 2012 nhiễm Ecoli vượt mức giới hạn cho phép…

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29-3-2011 của Bộ NN&PTNT (gọi tắt là Thông tư 14) quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và sản phẩm nông lâm thủy sản. Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố tiến hành thống kê, lập danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh và có 61/63 tỉnh, thành đã tiến hành kiểm tra đánh giá phân loại lần đầu, 30/63 tỉnh, thành tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ, 28/63 tỉnh, thành tổ chức tái kiểm tra các cơ sở loại C. Song, chỉ mới có trên 40 tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, đánh giá đầy đủ các loại hình sản xuất kinh doanh theo quy định tại Thông tư 14, một số lĩnh vực như giống cây lâm nghiệp, cơ sở chăn nuôi và nước sạch còn ít tỉnh triển khai đánh giá. Kết quả kiểm tra, đánh giá tại nhiều địa phương trong nước cho thấy, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có số cơ sở bị xếp loại C  nhiều gồm: cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chiếm tỷ lệ 63% trên tổng số được kiểm tra đánh giá lần đầu, cơ sở kinh doanh nông sản chiếm tỷ lệ 30%... Ngoài ra, số cơ sở loại C được tái kiểm tra tại nhiều địa phương còn thấp và tỷ lệ không có cải thiện khi được tái kiểm tiếp tục xếp loại C còn cao. Trong khi đó, các cơ sở phải được xếp loại A mới có điều kiện đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP tương đối tốt. 

Đại diện nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhiều tồn tại và yếu kém trong công tác quản lý chất lượng, ATTPNLTS là do lực lượng tham gia quản lý, thanh kiểm tra mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu và còn thiếu các trang thiết bị cần thiết. Mặt khác, hiện có không ít cán bộ làm công tác quản lý và một bộ phận lớn người dân chưa nhận thức đầy đủ, đúng mức việc đảm bảo chất lượng, ATTPNLTS. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc đảm bảo chất lượng các loại VTNN và đảm bảo chất lượng, ATTPNLTS, đòi hỏi các bộ ngành trung ương và cả các địa phương phải quan tâm khắc phục các hạn chế và có những cách làm mới, khoa học nhằm phát huy tốt nhất vai trò của các cơ quan quản lý và huy động được sự tham gia của toàn xã hội.

Cần cách làm mới

Theo ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, để kiểm soát tốt đầu vào và đầu ra sản phẩm trong điều kiện số cơ sở và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhiều, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực và trang thiết bị đủ mạnh mới làm tốt được. Ngoài ra, Nhà nước cũng có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân tham gia sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm an toàn, nhất là việc hỗ trợ đầu ra sản phẩm đối với các mặt hàng đảm bảo chất lượng và ATTP. Thực tế cho thấy, thời gian qua Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ người dân tại thành phố và các tỉnh lân cận trong việc tiêu thụ rau an toàn thông qua việc dán nhãn cho rau an toàn, thành lập sàn giao dịch rau an toàn… Từ đó giúp người sản xuất dễ tiêu thụ sản phẩm, hăng hái phát triển sản xuất và cung ứng sản phẩm cho thành phố ngày càng nhiều.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đồng tình với đề xuất của các địa phương trong việc cần phải sớm hoàn thiện hệ thống pháp lý gắn với việc nâng cao nhận thức của toàn dân và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP. Đồng thời có các cơ chế, chính sách khen thưởng, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, kinh doanh các loại VTNN và nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn. Theo đó, việc tăng cường nguồn nhân lực và đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị cho bộ máy thực thi việc kiểm tra, quản lý chất lượng VTNN, ATTPNLTS là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước có hạn thì các địa phương cần quan tâm đến việc xã hội hóa, kêu gọi các thành phần kinh tế và người dân tham gia đầu tư xây dựng các trung tâm kiểm nghiệm chất lượng VTNN, ATTPNLTS. Chú ý thực hiện việc quản lý theo những cách làm mới khoa học, hiệu quả như: cách quản lý theo hệ thống, theo chuỗi sản phẩm. Quản lý theo những cách này sẽ giúp phát huy tốt nguồn nhân lực, vật lực hiện có, từ đó tập trung kiểm tra, xử lý để tạo ra sự chuyển biến.

Năm 2013, Bộ NN&PTNT xác định công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTPNLTS là nhiệm vụ trọng tâm. Toàn ngành phấn đấu giảm 10% số cơ sở, sản xuất kinh doanh VTNN và các mặt hàng nông lâm thủy sản bị xếp loại C và tỷ lệ các sản phẩm nông lâm thủy sản bị nhiễm hóa chất, kháng sinh, vi sinh vật vượt mức cho phép theo kết quả khảo sát trên diện rộng giảm 10% so với năm 2012. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, liên ngành nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố và các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm ở trong nước cũng như chủ động kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các rào cản trong xuất khẩu hàng, tạo điều kiện cho sản phẩm của Việt Nam mở rộng thị trường.

     Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết